Khoa Quản trị kinh doanh
 
Business Challenges 2018: Workshop 3 - Đột phá tư duy công nghệ

Ngày 15/6/2018, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Workshop với chủ đề Đột phá Tư duy Công nghệ. Đây là sự kiện thứ 3 trong chuỗi các hoạt động của cuộc thi Business Challenges 2018. Workshop nhằm trang bị cho các đội dự thi cũng như các bạn trẻ trên địa bàn Hà Nội quan tâm đến khởi nghiệp những kiến thức bổ ích và cập nhật về công nghệ và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.


 

Ngày 15/6/2018, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức Workshop với chủ đề Đột phá Tư duy Công nghệ. Đây là sự kiện thứ 3 trong chuỗi các hoạt động của cuộc thi Business Challenges 2018. Workshop nhằm trang bị cho các đội dự thi cũng như các bạn trẻ trên địa bàn Hà Nội quan tâm đến khởi nghiệp những kiến thức bổ ích và cập nhật về công nghệ và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh.

 

Tham dự workshop, về phía Quỹ Friedrich Naumann (Quỹ FNF), đơn vị đồng tổ chức cuộc thi có ông Mark Stanitzki - Giám đốc Quốc gia của Quỹ FNF tại Việt Nam; tiến sĩ Phạm Hùng Tiến - Giám đốc dự án Quỹ FNF. Về phía ĐHKT, có PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng. Diễn giả của chương trình là ông Tuấn Hà - CEO Vinalink và Thevuon, sáng lập kiêm Phó chủ tịch VMCC - Cộng đồng tiếp thị Truyền thông Việt Nam; ông Ôn Như Bình - Phó Giám đốc Công nghệ thông tin VNPost; ông Trần Mạnh - CEO Mantan Group. Đặc biệt, chương trình chào đón các đội dự thi, các sinh viên đến từ Trường Đại học Kinh tế, các trường thành viên ĐHQGHN và các bạn trẻ trên địa bàn Hà Nội tới dự.

 

Ông Mark Stanitzki - Giám đốc Quốc gia Quỹ FNF, CHLB Đức tại Việt Nam

 

 

Ông Phạm Hùng Tiến - Giám đốc dự án Quỹ FNF, CHLB Đức tại Việt Nam

 

Phát biểu chia sẻ tại workshop, ông Mark Stanitzki và ông Phạm Hùng Tiến khẳng định Quỹ FNF rất quan tâm đến các vườn ươm khởi nghiệp và mong muốn giúp các sinh viên Việt Nam phát triển các dự án khởi nghiệp và kinh doanh, từ đó thúc đẩy tinh thần học hỏi và khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam.

 

 

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế, ĐHQGHN

 

Phát biểu tại workshop, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Tế, ĐHQGHN cho rằng: workshop 3 đề cập những vấn đề nóng và thú vị như startup, công nghệ, digital marketing, trí tuệ nhân tạo, cải tiến công nghệ. Bà bày tỏ sự cảm ơn tới Quỹ FNF đã đồng hành cùng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong cuộc thi này. Với cuộc thi Business Challenges 2018, Trường ĐHKT mong muốn sẽ tạo ra một sân chơi không chỉ dành cho sinh viên Trường ĐHKT mà còn cho các sinh viên các trường đại học khác trên toàn thành phố Hà Nội và giới doanh nghiệp start up của Việt Nam. Với sự đồng hành của quỹ FNF tại Việt Nam cùng đội ngũ các chuyên gia doanh nhân; với sự tâm huyết của các thầy cô Trường Đại học Kinh tế, với công nghệ và sự sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, PGS.TS Anh Thu tin tưởng cuộc thi sẽ thành công.

Sau các bài phát biểu, các diễn giả khách mời lần lượt chia sẻ, giới thiệu những ứng dụng công nghệ trong kinh doanh tới các sinh viên.

 

Ông Ôn Như Bình - Phó giám đốc CNTT Vnpost

 

Tại phần 1 của workshop, ông Ôn Như Bình - Phó Giám đốc CNTT VNPost đã giới thiệu về công nghệ Blockchain và ứng dụng công nghệ Blockchain trong kinh doanh. Trong logistic, ông nhấn mạnh công nghệ Blockchain giúp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giúp theo dõi hành trình hàng hóa từ điểm đầu đến điểm cuối. Công nghệ này giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng phát hiện sai sót, hàng giả, hàng nhái, từ đó giúp mọi người có niềm tin vào sản phẩm cũng như ứng dụng mình đang sử dụng. Blockchain được áp dụng trong khá nhiều các lĩnh vực như thương mại điện tử, cho vay tài chính, bầu cử...

 

Ông Tuấn Hà - CEO Vinalink và TheVuon

 

Phần 2 với chủ đề ‘Sức mạnh của Digital Marketing’, ông Tuấn Hà chia sẻ khá nhiều ví dụ về các ứng dụng của Digital Marketing trong kinh doanh, công nghệ tương tác thực tế ảo Augmented Reality… Ông cũng giới thiệu về Mô hình kinh doanh mới trong thời kỳ 4.0, tập trung vào 4 bước chính: đổi mới sáng tạo, đầu tư, tư vấn và giáo dục. Ông nhấn mạnh Digital Marketing ngày càng có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, công nghệ đang thay đổi từng ngày theo cấp số mũ... nhưng những kiến thức trên giảng đường đại học luôn là nền tảng cơ bản giúp các bạn sinh viên học hỏi, sử dụng và phát triển các công cụ kinh doanh hiện đại. 

Phần cuối của workshop, ông Trần Mạnh - CEO của Mantan Group đã chia sẻ về cách tạo lập ứng dụng (app), những kinh nghiệm và bài học trong kinh doanh. Trong phần chia sẻ của mình, ông đã nhắc tới 30 công nghệ thay đổi tương lai của bạn và tập trung vào những yếu tố giúp xây dựng và tạo lập app thành công. Qua các phần chia sẻ, giới thiệu, các diễn giả đã mang đến cho các đội dự thi và sinh viên những kiến thức mới, bổ ích về công nghệ.

 

Workshop 3 - Đột phá tư duy Công nghệ đã diễn ra thành công tốt đẹp và đem lại những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích cho sinh viên và các đội tham dự cuộc thi Business Challenges 2018. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để các đội dự thi tiếp tục bổ sung kiến thức và hoàn thiện các dự án khởi nghiệp, kinh doanh của mình.

 

Hương Đặng

Viện Quản trị Kinh doanh