Khoa Quản trị kinh doanh
 
Bế mạc Hội thảo Châu Á - Thái Bình Dương về Quản trị Thông tin 2016

Ngày 22/10/2016, Hội thảo Châu Á - Thái Bình Dương về Quản trị thông tin (APCIM) 2016 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Hiệp hội nghiên cứu Thông tin và Quản trị Nhật Bản tổ chức đã thàn
(UEB) Ngày 22/10/2016, Hội thảo Châu Á - Thái Bình Dương về Quản trị thông tin (APCIM) 2016 do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phối hợp với Hiệp hội nghiên cứu Thông tin và Quản trị Nhật Bản tổ chức đã thành công tốt đẹp.



Diễn ra trong 3 ngày, từ 20/10 đến 22/10/2016, Hội thảo đã mang đến 48 tham luận của các học giả trong nước và quốc tế, đưa ra những kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam về áp dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực cụ thể trong doanh nghiệp hoặc tổ chức, nhằm tối ưu hóa hệ thống vận hành, tìm ra các mô hình quản lý phù hợp để phát triển bền vững cho doanh nghiệp nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.

Trong ngày đầu tiên, các chuyên gia và học giả đã có chuyến tham quan hoạt động thực tiễn tại Tập đoàn FPT. Trong 2 ngày tiếp theo, các học giả tập trung vào thảo luận chuyên sâu với 48 tham luận được trình bày tại 2 phiên toàn thể và các phiên thảo luận song song.


Các học giả thảo luận tại các phiên song song

Các phiên hội thảo song song tập trung vào thảo luận các giải pháp cụ thể để xây dựng và phát triển một xã hội bền vững, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, các học giả đi sâu phân tích các nội dung: (1) Phát triển và ứng dụng các thành tựu công nghệ hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, (2) Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin vào trong từng lĩnh vực cụ thể nhằm tối ưu hóa hoạt động điều hành, hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp/tổ chức. (3) Hệ thống mô hình quản trị bền vững đối với các doanh nghiệp/ tổ chức trong môi trường toàn cầu hóa và đa văn hóa.

Tham gia trình bày các tham luận của hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia, học giả của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Tại phiên toàn thể, TS. Nguyễn Đăng Minh – Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, ĐHKT đã trình bày về dự án nghiên cứu “Quản lý công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam”. Bài tham luận chỉ ra thực trạng quản trị công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất một khái niệm quản trị công nghệ mới là “Công nghệ vạn vật” (Technology of things) đồng thời đưa ra mô hình quản trị công nghệ phù hợp với các điều kiện đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam. Các kết quả của dự án nghiên cứu hứa hẹn sẽ mở ra một hướng đi mới, thúc đẩy việc nâng cao quản trị công nghệ cho các doanh nghiệp Việt.


TS. Nguyễn Đăng Minh trình bày về dự án nghiên cứu “Quản lý công nghệ trong các doanh nghiệp Việt Nam”

Ngoài ra, còn có các bài tham luận của các giảng viên, nhà nghiên cứu của ĐHKT như: “Ứng dụng mô hình quản lý tinh gọn “made in Vietnam” cho các trường đại học ở Việt Nam” (Nguyễn Đăng Toàn, Cao Thị Hoàng Trâm, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Đăng Minh); “Hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng – trường hợp các doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam” (Nguyễn Thị Vân Hà, Nguyễn Đăng Toàn); “Phát triển tinh thần kinh doanh nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức trong giáo dục đại học – trường hợp Đại học Quốc gia Hà Nội” (Đinh Văn Toàn, Hoàng Văn Hải); “Ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý chuỗi cung ứng - thực tiễn và giải pháp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam” (Nguyễn Đăng Minh, Nguyễn Thị Vân Hà)...

Tại phiên thảo luận song song, các học giả đã mang đến nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao, nổi bật như tham luận “Các nhân tố thúc đẩy cải tiến sản phẩm ở khu vực Đông Nam Á: Nhìn từ góc độ ICT và kết nối” của Hiroki Idota, Yasushi Ueki, Teruyuki Bunno, Hidenori Shigeno và Masatsugu Tsuji. Bài tham luận đã phân tích vai trò của nhân tố con người trong quá trình cải tiến doanh nghiệp ở bốn nền kinh tế Đông Nam Á, bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.

Nhiều tham luận thu hút sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước

Tham luận  “Các động lực thúc đẩy Nhật Bản hướng tới nền công nghiệp 4.0” của Yoshihiko Nagasato và Takashi Yoshimura đề cập tới cuộc cách mạng kinh tế - xã hội với những cải tiến trong công nghệ và khoa học. Những công nghệ chủ chốt như “Internet vạn vật”, “trí thông minh nhân tạo”, “robot” và “dữ liệu lớn” kết nối sự vật, cho phép người dùng trực tuyến thu thập và lưu trữ lượng dữ liệu lớn; những công nghệ này giúp tạo nên các sản phẩm, dịch vụ mới cùng nhiều giá trị gia tăng cho xã hội. 

Tại một phiên thảo luận khác, các học giả Tommi Tapanainen, Ryuichi Hosoya, Taro Kamioka và Olivier Lisein đã mang đến nghiên cứu “Lãnh đạo trong khủng hoảng IT: Sự phù hợp với các quy định về quản lý nói chung”. Tham luận nghiên cứu chiến lược lãnh đạo trong thời kỳ khủng hoảng và kết luận rằng, những quy định về quản lý nói chung có thể áp dụng cho các lãnh đạo trong lĩnh vực IT. Nghiên cứu cũng phân ra 5 loại phản ứng của các lãnh đạo IT trong khủng hoảng, bao gồm: Sử dụng giác quan, đàm phán quyền lực và nguồn lực, quyết định, hợp tác, giao tiếp và giảm căng thẳng.

Ngoài ra, còn rất nhiều các tham luận thu hút sự quan tâm của các học giả, nhà khoa học cũng như giảng viên và chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


Hội thảo không chỉ là nơi trao đổi, nghiên cứu về học thuật mà còn là cơ hội để giao lưu, giới thiệu văn hóa Việt Nam...

... và văn hóa Nhật Bản

Bên lề các hoạt động học thuật, các học giả và nhà khoa học đã tham gia chương trình tham quan Hà Nội (City tour), Hạ Long, thưởng thức ẩm thực Việt Nam, trao đổi văn hóa trong các chương trình giao lưu và biểu diễn văn nghệ. Hội thảo không chỉ là nơi trao đổi, nghiên cứu về học thuật mà còn là cơ hội để các học giả nước ngoài có những trải nghiệm sâu rộng về văn hóa, con người Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ giảng viên, chuyên gia của Trường ĐHKT mở rộng hợp tác, kết nối với các học giả trên thế giới.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

- Truyền hình Thông tấn: Bản tin Thời sự tổng hợp 12h ngày 21/10/2016

- Báo Vietnamnews: Asia Pacific IT conference held in Ha Noi

- Đại học Quốc gia Hà Nội: Hội thảo khoa học Châu Á Thái Bình Dương về Quản trị thông tin 2016

- Báo Công thương: Việt Nam tiếp cận công nghệ quản trị thế giới hướng tới hội nhập

- Báo Giáo dục thời đại: Nền tảng chung cho một xã hội bền vững khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

- Báo Đời sống pháp luật: Doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ quản trị thế giới

- Thời báo Kinh tế Việt Nam: (Báo giấy) Chú trọng đầu tư vào hoạt động R&D: Đòn bẩy giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ

- Việt báo: Doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ quản trị thế giới

- Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Khai mạc Hội thảo Châu Á Thái Bình Dương về Quản trị thông tin 2016

Thanh Tú - Lương Hường