Khoa Quản trị kinh doanh
 
Tọa đàm Lập trình sự nghiệp cùng TS. Alan Phan

Chương trình thu hút hàng trăm sinh viên ĐHK
Tối 31/5/2013, tại Hội trường 801 Nhà E4, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức “Diễn đàn Lập trình sự nghiệp cùng TS Alan Phan - Đi tìm bản lĩnh Việt trong nền kinh tế tương lai”. Đây là cơ hội để các sinh viên Trường Đại học Kinh tế được giao lưu và lắng nghe chia sẻ từ chuyên gia kinh tế nổi tiếng này.


Đây không phải là lần đầu tiên TS. Alan Phan giao lưu với sinh viên ĐHKT nhưng buổi giao lưu lần này vẫn khiến các sinh viên vô cùng háo hức. Sự hấp dẫn không chỉ đến từ khách mời mà cả chủ đề của chương trình - “Lập trình sự nghiệp”. Diễn đàn mong muốn mang đến một góc nhìn trực diện về các vấn đề thực tế mà sinh viên đang phải đối diện, đặc biệt là những điểm yếu của chính họ.
Thái độ quyết định kết quả
Đây là một trong những điều mà TS. Alan Phan chia sẻ với những khán giả của mình thông qua câu chuyện đời của 3 anh em ruột trong chính gia đình ông. Cậu em út của ông tốt nghiệp luật sư năm 1975. Sau năm 1975, cậu sang Guam, rồi qua Mỹ sống với tâm trạng mất mát và rơi vào rượu chè, nghiệp ngập. Mặc dù được gia đình nhiều lần hỗ trợ, giúp đỡ, bảo ban nhưng cậu ta không thoát khỏi thái độ sống tiêu cực, buông rơi, không nỗ lực.
Người em gái của ông Alan Phan là một kế toán viên. Khi sang Mỹ, ở nơi đất khách, cô cố gắng đi học lại đúng chuyên ngành kế toán của mình và xác định theo đuổi nghề kế toán chuyên nghiệp. Sau nhiều nỗ lực và trải nghiệm công việc, cô được nhận vào làm việc tại KPMG - hãng kế toán - kiểm toán hàng đầu ở Mỹ. Và cho đến nay, cô đang là một chuyên gia cao cấp của KPMG. Sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đã giúp cô từng bước có được vị trí chuyên môn cao trong một lĩnh vực khó khăn và nhiều thách thức.
Người cuối cùng trong câu chuyện chính là TS. Alan. Trước 30/4/1975, ông là đồng sở hữu nhiều công ty lớn với hơn 20 ngàn lao động. Sau giải phóng, ông gần như trắng tay và theo đoàn tỵ nạn đến Mỹ. Với ông, được và mất rất nhẹ nhàng và ông chọn cách sống theo đam mê của mình, không oán trách, không dằn dặt mà luôn nghĩ về tương lai. Kết quả cuộc đời ông như chúng ta đã thấy. Rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ.
TS. Alan kết luận: “Thái độ sẽ quyết định kết quả. Nếu bạn sống với thái độ tiêu cực, bạn sẽ chẳng được gì cả”.

TS. Alan Phan tại diễn đàn
3 điểm yếu của sinh viên Việt Nam
Sau câu chuyện về đời mình, ông cũng chỉ ra 3 điểm yếu lớn nhất của sinh viên Việt Nam hiện nay. “Lười biếng” là tính xấu đầu tiên mà TS. Alan Phan phân tích. Ông cho rằng, rất nhiều sinh viên hiện nay biếng học, lười tư duy, muốn nhận được những thứ có sẵn chứ ít khi tìm tòi. Nhiều người khi gặp khó khăn chỉ muốn tìm lấy lời khuyên là giải pháp trực tiếp từ người khác chứ không chịu tự mình đọc thêm, tìm hiểu thêm. Ông nêu lên một sự đối lập, ngày xưa khi muốn tìm hiểu điều gì sinh viên cũng phải lên thư viện tìm sách; bây giờ mọi thứ quá dễ dàng với “Google” và internet nhưng các sinh viên lại lười hơn sinh viên ngày trước rất nhiều.
Điểm yếu thứ hai được TS. Alan Phan đề cập là “Ỷ lại và đổ thừa”. Trông chờ phụ huynh xin việc cho, hoặc khi gặp vấn đề trong công việc, cuộc sống thì hay đổ thừa do số phận, do hoàn cảnh… là những biểu hiện của điểm yếu này. Việc ỷ lại và đổ thừa không những làm cho người trẻ thiếu sự chủ động trong việc giải quyết vấn đề của mình mà còn trở thành gánh nặng cho người khác. TS. Alan nhấn mạnh đây là điều mà mỗi người chúng ta cần phải xem lại mình.
Một điểm yếu nữa của sinh viên hiện nay là “Hay bỏ cuộc, thiếu kiên nhẫn”. TS Alan Phan nhận định, đây là điểm yếu nhất trong 3 điểm được chỉ ra. Ông chia sẻ: Công việc, cuộc sống không phải lúc nào cũng bình lặng, êm đềm theo mong muốn của mình, mà sẽ luôn có những khó khăn, bất trắc đến từ mọi phía. Muốn thành công, chúng ta phải kiên nhẫn và kiên trì. Với cách tư duy và thực hiện nửa vời, dễ nản lòng, những người trẻ khó có thể đạt thành tựu nào đáng kể.

Những việc cần làm để xây dựng bản lĩnh Việt
Từ những nhận định đó, TS. Alan Phan đưa ra những lời khuyên cho sinh viên, mà theo ông “Thiết lập mục tiêu cụ thể” chính là việc đầu tiên cần làm, đặc biệt là mục tiêu nghề nghiệp. Việc lựa chọn này phải tự tay mình thực hiện chứ không phải là quyết định của ai khác. Từ nghề nghiệp được chọn, các sinh viên cần có mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Tiếp đó là việc “Lập kế hoạch cụ thể và dài hạn”. Đây là một trong những việc ít thấy sinh viên Việt Nam làm. Nhiều sinh viên thường chỉ có những mục tiêu chung chung, kế hoạch chung chung, ngắn hạn nên dễ bị thay đổi, đảo lộn khi có biến cố.
Và cuối cùng là “Tranh thủ những cơ hội tốt để vượt lên”. TS Alan Phan kể rằng, trong cuộc đời ông có rất nhiều biến cố may mắn đến với mình và mình đã nắm bắt, tận dụng được. Chính vì thế, ông cũng khuyên các sinh viên hãy sẵn sàng đón nhận những cơ hội tốt đó.
Trao đổi về những lời khuyên của TS. Alan, có sinh viên hỏi: “Có mâu thuẫn không giữa lời khuyên hãy lập kế hoạch và lời khuyên hãy tranh thủ thời cơ?”. TS. Alan Phan lý giải thêm: “Bạn cần có kế hoạch cụ thể nhưng nếu có cơ hội để làm được nhiều hơn, gặt hái được nhiều hơn thì tại sao bạn không giành lấy cơ hội đấy?”. Kế hoạch là để chuẩn bị đón nhận cơ hội một cách chủ động hơn.
Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi về chọn nghề, lập nghiệp cũng đã được các bạn trẻ đặt ra cho TS. Alan Phan. Những câu hỏi này cũng như giải đáp của khách mời sẽ đã được Ban tổ chức tổng hợp và gửi đến các sinh viên trong thời gian gần nhất.

Hoàng Trọng Nghĩa (Công ty Hướng nghiệp và Phát triển giáo dục Icando) Ảnh: Phương Thúy