Khoa Quản trị kinh doanh
 
Trao đổi sinh viên trong nước - Khái niệm không mới nhưng tạo nên sự khác biệt

(ĐHKT) Nếu như bạn đã rất quen thuộc với các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với các trường đại học hàng đầu trong khu vực và trên thế giới thì sắp tới, một cơ hội mới sẽ đến với sinh viên UEB với các chương trình trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với các trường đại học uy tín khối ngành Kinh tế ở Việt Nam.



Sự thay đổi của thị trường lao động - yêu cầu bắt buộc tạo nên sự khác biệt trong CTĐT đại học

Thị trường lao động giai đoạn hiện nay đang trải qua những biến động lớn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, yêu cầu đối với nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số phải có khả năng thích nghi cao, biết ứng dụng tri thức một cách sáng tạo. Cụ thể, ngoài yêu cầu cứng về kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhằm thực hiện công việc cụ thể thì người lao động cần phải có những kỹ năng mềm cốt lõi như: khả năng tư duy sáng tạo, tính chủ động trong công việc, khả năng thích nghi, kỹ năng tìm kiếm, khả năng ngoại ngữ, làm việc nhóm, quản lý thời gian hiệu quả… Chính vì vậy, việc tạo dựng một môi trường học tập mở dành cho sinh viên là điều vô cùng cần thiết để tạo nên sự khác biệt. Khuyến khích sinh viên tham gia trao đổi chương trình, môn học, tín chỉ tại các trường thuộc khối kinh tế uy tín tại Việt Nam sẽ là một trong những hướng đi mới làm nên yếu tố cạnh tranh trong chương trình đào tạo bậc đại học của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.

Lợi ích của sinh viên khi tham gia chương trình trao đổi trong nước:

  • Sinh viên được trải nghiệm môi trường học tập đa dạng, đa văn hoá trong thời gian học tập, lưu trú tại địa phương nơi trường trao đổi. 
  • Sinh viên có cơ hội học tập, giao lưu với các giảng viên, sinh viên từ các trường đại học khác nhau trong cả nước.
  • Sinh viên được rèn luyện những kỹ năng mềm, như kỹ năng quản lý bản thân, quản lý thời gian, quản lý tài chính… gia tăng khả năng hội nhập, thích ứng với các biến động của môi trường và xã hội sau khi tốt nghiệp.
  • Sinh viên được trải nghiệm, học hỏi, tích luỹ vốn sống, kiến thức xã hội, văn hoá, lịch sử, ẩm thực địa phương, vùng miền…

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN hướng tới đổi toàn diện hoạt động giảng dạy

Trong thời đại công nghệ số và mạng Internet vượt qua giới hạn về không gian và thời gian, những kiến thức, thông tin cơ bản ở hầu khắp các lĩnh vực đều rất dễ dàng để tìm kiếm, kéo theo những yêu cầu bắt buộc trong việc giảng dạy, chất lượng đào tạo của các trường đại học cần thay đổi, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Đón đầu những xu hướng của tương lai, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có những bước chuyển mình để hội nhập, đổi mới toàn diện hoạt động giảng dạy, tạo môi trường học tập mở, linh hoạt cho sinh viên.

Thông qua việc thực hiện khảo sát ý kiến online, với kết quả hơn 90% sinh viên mong muốn đăng ký học trao đổi trong nước từ 3 tín chỉ trở lên, trong đó 03 địa điểm học tập được đa số sinh viên lựa chọn là TP. HCM (67,1%), Đà Nẵng (54%), Đà Lạt (34,6%), Nhà trường đã nắm bắt được đúng, đủ và cụ thể nhu cầu của sinh viên để triển khai các chương trình trao đổi thực sự phù hợp với các em, tạo cơ hội để các em trải nghiệm môi trường học tập mới, phát triển các kỹ năng kết hợp với việc tìm hiểu văn hoá, kiến thức thực tiễn của từng địa phương, vùng miền.

Dự kiến các chương trình trao đổi sinh viên với các trường đại học trong nước sẽ triển khai từ hè năm 2021. Các UEBer đã sẵn sàng chưa?

 
  • Thông báo tuyển sinh trao đổi sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế học kỳ II, năm học 2020-2021: Link
  • Thông báo tuyển sinh trao đổi sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) học kỳ II, năm học 2020-2021: Link
  • Thông báo tuyển sinh trao đổi sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng học kỳ II, năm học 2020-2021: Link  
 

Trần Kim (tổng hợp)