Khoa Quản trị kinh doanh
 
Thông tin luận án tiến sĩ của NCS NCS. Bùi Quang Tuyến

(ĐHKT, ĐHQGHN) 1. Tên luận án: Xây dựng và phát triển năng lực động tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel 2. Tác giả: NCS. Bùi Quang Tuyến 3. Chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh 4. Mã số: 62 34 01 02


5. Giáo viên hướng dẫn: 1.TS. Phạm Thị Liên; 2. TS. Phan Chí Anh

6. Tên đơn vị đào tạo SĐH: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

7. Mục tiêu và đối tượng nghiên cứu của luận án

7.1. Mục tiêu nghiên cứu:

Mục tiêu chung của nghiên cứu là thiết lập một mô hình nghiên cứu đánh giá được các nhân tố của năng lực động ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông - Nghiên cứu điển hình tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Các mục tiêu cụ thể:

Thứ nhất, làm rõ nội hàm, xác định đúng tầm quan trọng, hệ thống lại cơ cở lý luận, khung phân tích của năng lực động.

Thứ hai, xác định những nhân tố chủ yếu tạo ra năng lực động của của doanh nghiệp (Viettel) và ảnh hưởng của nó đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, đề xuất những giải pháp nhằm nuôi dưỡng, phát triển nguồn năng lực động để nâng cao kết quả kinh doanh của doanh nghiệp

7.2. Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu được xác định là năng lực động của doanh nghiệp, những nhân tố hình thành năng lực động doanh nghiệp và ảnh hưởng của năng lực động doanh nghiệp đến kết quả kinh doanh.

8. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính dùng để khám phá, điều chỉnh và bổ sung các biến quan sát và đo lường khái niệm nghiên cứu, xây dựng mô hình nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng được thực hiện thông qua phương pháp điều tra xã hội học và sử dụng phần mềm SPSS 20.0 và AMOS 18.0 để thực hiện các phân tích đánh giá sơ bộ thang đo (Cronbach Alpha test, EFA), CFA, SEM, phân tích đa nhóm, để kiểm định các giả thuyết nghiên cứu, từ đó trả lời các câu hỏi nghiên cứu đặt ra.

9. Kết quả chính và kết luận

Thứ nhất, nghiên cứu sẽ thiết lập một mô hình tiên lượng ảnh hưởng của các nhân tố năng lực động tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông.

Thứ hai, luận án đã bổ sung và hiệu chỉnh bộ thang đo về các nhân tố năng lực động cho các nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thông.

Thứ ba, nghiên cứu đã kiểm chứng mối quan hệ tác động giữa các nhân tố năng lực động tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, đánh giá được tầm quan trọng của từng nhân tố năng lực động tới kết quả kinh doanh.

Thứ tư, luận án đã đề xuất những giải pháp, khuyến nghị dựa trên phân tích kết quả nghiên cứu giúp ích cho doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong dài hạn.

Thứ năm, luận án cũng cung cấp những bằng chứng khoa học cho các nhà nghiên cứu tiếp theo thiết lập mô hình, khám phá những nhân tố mới tạo thành năng lực động để làm gia tăng sự hiểu biết về năng lực động và mối quan hệ của nó với các nhân tố quản lý.

Thứ sáu, luận án là một trong những nghiên cứu đầu tiên vận dụng lý thuyết năng lực động tại Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông. Kết quả nghiên cứu có thể đem lại những hàm ý có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp trong ngành.

 

Nguồn: http://ueb.edu.vn