Khoa Quản trị kinh doanh
 
Sáng tạo - Hay và đúng thời điểm

Đó là nhận xét chung của Hội thảo Báo cáo tổng quan kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Nhà nước “Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước, được tổ chức vào ngày 16/4/2010 tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


Đề tài mang mã số KX.03./06-10 do PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ làm chủ nhiệm.
Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách đổi mới và, hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển “có tính bùng phát” của cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã tác động rất mạnh đến các mặt của đời sống xã hội, do đó đã thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội và có nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về cộng động này.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của sự nhìn nhận, đánh giá chưa thật đầy đủ, thống nhất về nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời gian qua là do chưa có “khung thước” đánh giá cụ thể và còn thiếu các thông tin thực tế.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Mục tiêu của đề tài là xây dựng các mô hình cầu trúc phân tầng với các bảng thang giá trị chi tiết của nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh VN trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Từ đó “kiểm định” thực tiễn (qua khảo sát chọn mẫu trên phạm vi cả nước) về sự hợp lý của các mô hình và mức độ phát triển của nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam đang ở đâu (theo các mức của bảng thang giá trị được xây dựng). Trên cơ sở các kết quả phân tích này sẽ đề xuất các quan điểm, giải pháp hợp lý nhằm phát triển NCDN, VHKD Việt Nam, nhờ đó góp phần vào xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế".
Giáo sư Dương Phú Hiệp góp ý với đề tài
GS. Dương Phú Hiệp góp ý với đề tài
Với cách tiếp cận hợp lý, phương pháp nghiên cứu hiện  đại, Nhóm tác giả đã xây dựng được 2 mô hình cầu trúc NCDN (gồm 4 yếu tố: Đức, Trí, Thể, Lợi với bảng thang giá trị gồm 38 tiêu chí) và VHKD (gồm 4 yếu tố: Triết lý kinh doanh, Đạo đức kinh doanh, Văn hóa doanh nhân và Văn hóa doanh nghiệp với bảng thang giá trị gồm 62 tiêu chí). Từ các thang bảng giá trị này, Nhóm tác giả đã thiết kế thành các câu hỏi và được thực hiện bằng cuộc khảo sát có qui mô 1000 phiếu trên phạm vi cả nước.
GS. Dương Phú Hiệp đóng góp ý kiến cho đề tài Phân tích kết quả khảo sát đã tìm ra nhiều kết quả thú vị. Với những thành công này, nhiều ý kiến hội thảo đã cho rằng “đề tài có nhiều cái mới (GS. Dương Phú Hiệp), có đóng góp lớn (PGS. Hoàng Văn Hoa), có giá trị học thuật cao (PGS. Phạm Hồng Tung),….Tuy nhiên, Hội thảo cũng đưa ra nhiều ý kiến trao đổi làm rõ hơn một số nội dung của Báo cáo.
Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn ý kiến của các nhà khoa học và tiếp thu để hoàn thiện Báo cáo tổng quan của đề tài.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo


M.T