Kỷ niệm 10 năm thành lập
 
“Thế giới như tôi thấy”

GS.TS Trần Ngọc Hiên
Thực ra “Thế giới như tôi thấy” là tên của một cuốn sách tập hợp những bài viết, bài nói chuyện, thư từ và tiểu luận khoa học của một trong những con người vĩ đại nhất thế kỷ XX: Albert Einstein. Sở dĩ nó được đưa thành tiêu đề của bài viết bởi trong buổi nói chuyện với chúng tôi, GS.TS Trần Ngọc Hiên đã nhắc đi nhắc lại, làm lãnh đạo thì cần phải đọc cuốn sách này.


Và có lẽ bởi vậy, trong câu chuyện kể lại 2 năm làm Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, thầy cũng thường kể về chuyện “Làm trưởng khoa như... ông thấy”. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với GS.TS Trần Ngọc Hiên.
Tôi thích sự sống động của cuộc sống
Phải nói thật rằng, tôi không nghĩ rằng mình sẽ được Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội mời làm Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị. Lúc đó tôi đã rất bận rồi. Hơn nữa, tôi quen với cuộc sống bên ngoài, không thích điều gì trong khuôn khổ. Bởi vậy, khi thỏa thuận chỉ đến Khoa 2 lần một tuần và được quyền đưa ra các quan điểm riêng, tôi mới chính thức làm việc tại đây”. Đó là những lời tâm sự của thầy Hiên trong buổi trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng của thầy.
Trở lại 18 năm về trước, khi Khoa Kinh tế Chính trị còn thuộc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (ĐHTHHN), thầy Trần Ngọc Hiên nhận được lời mời từ Trường ĐHTHHN, nay là ĐHQGHN về làm Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị, ông suy nghĩ nhiều lắm. Vốn kiêm nhiệm nhiều vị trí ở các đơn vị khác nhau, vấn đề đầu tiên ông nghĩ đến khi chính thức nhận vị trí Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị là làm thế nào để giảng viên, cán bộ trong Khoa có nhiều cơ hội đi thực tế hơn.
Có thể ít người tin nhưng ngay từ thời đó tôi đã đi khắp nơi, nghiên cứu các mô hình kinh tế doanh nghiệp bằng chính tiền của các doanh nghiệp. Thời đó, giảng viên, cán bộ các trường đại học thường chỉ làm việc ở trường và dạy thêm là nguồn thu nhập đáng kể. Tôi không muốn đơn giản chỉ là vậy. Tôi thích những bài học từ thực tế và tôi cố gắng thay đổi điều đó ở Khoa”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, để thay đổi tư duy này là cả một vấn đề lớn bởi vào thời điểm đó, thu nhập chính của giảng viên rất thấp, dạy thêm dù là nghề tay trái nhưng lại đem lại một thu nhập đáng kể.
Và ông đã phải thay đổi theo cách từng bước từng bước một. Việc đầu tiên là vẫn duy trì tiến trình giảng dạy đã được xác định nhưng bắt đầu hỗ trợ mọi người bám sát thực tế. Cách làm mà ông cho là tốt nhất chính là mỗi tuần đưa ra một đề tài để thảo luận. Tuy nhiên, thời gian là kẻ thù của biện pháp này dù hầu hết các giảng viên đều ủng hộ. Việc dạy thêm chiếm quá nhiều thời gian và cách để xóa bỏ điều đó là làm sao để thực tế không làm ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế. Và biện pháp dùng tiền của doanh nghiệp để đi thực tế được áp dụng.
Tôi hơi tiếc đã không có nhiều thời gian ở lại với Khoa vì phải nhận công tác khác. Nhưng tôi đã tin tưởng vào cách làm đó và như ai cũng thấy, hiện nay hầu hết các trường đều áp dụng cách làm này. Và lời khuyên của tôi đối với bất cứ trường đại học nào là hãy gắn liền với doanh nghiệp”.
Trường ĐHKT đang cởi mở
Đó là ý kiến của ông khi chúng tôi đề nghị ông nhận xét về Nhà trường. Hiện nay, Trường ĐHKT đã tìm được rất nhiều giảng viên tâm huyết và có thực tế về kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Hơn nữa, Trường đang áp dụng nhiều biện pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp với nhiều trường đại học tiên tiến trên thế giới. Đó là cách làm hay và cách để chúng ta tiếp nhận, học hỏi phương pháp đào tạo cũng như nghiên cứu tiên tiến của nước ngoài.
Ông cho rằng, làm lãnh đạo không hề dễ và rất chia sẻ với những ai đang phải chịu trách nhiệm đối với một trường đại học. “Họ có quá nhiều việc cần phải giải quyết. Đó là làm thế nào để thu hút được nhân tài, làm thế nào để biết ngôi nhà của mình cần gì. Đó thực sự là một bài toán khó”, ông khẳng định.
Quan điểm của tôi cho rằng, trong công tác cán bộ, cần nhất cấp trưởng phải giỏi, có khung tốt và thực sự chất lượng. Tiếp đó, việc tuyển chọn giảng viên thì cần phải đảm bảo cho họ những chế độ để họ yên tâm làm việc. Nhà trường cũng cần phải liên tục bồi dưỡng cho họ về mặt trí thức. Quan trọng hơn nữa, ai không làm được việc thì phải được chuyển”.
Theo ông, ngay sau khi Việt Nam mở cửa, ngành giáo dục được quan tâm hơn, bắt đầu xuất hiện tình trạng nể nang trong cả nghiên cứu khoa học lẫn quan hệ giữa các cá nhân với nhau. “Đôi khi điều đó làm hỏng tất cả những gì chúng ta đang nỗ lực thay đổi. Ngày trước, hầu hết các giảng viên không chú trọng lắm về học hàm, học vị. Trong khi đó bây giờ không có học hàm học vị thì khó có được một vị trí nhất định. Bởi vậy, rất dễ xuất hiện những vấn đề về nể nang, tạo điều kiện cho nhau để đạt được điều gì đó có lợi cho mỗi cá nhân. Nhưng nó sẽ tạo ra một môi trường không bứt phá lên được, một môi trường khoa học yếu về chất lượng”.
Theo những gì ông biết về Trường ĐHKT trong thời điểm hiện tại thì lãnh đạo Nhà trường đang nỗ lực xóa bỏ những mối quan hệ như vậy và chú trọng vào phát triển các vấn đề về nghiên cứu khoa học. Đó thực sự là một hướng đi đúng và tạo ra một môi trường học tuyệt vời. “Một trường đại học chuẩn là phải có phương pháp luận, không được phủ nhận hết hay tiếp nhận hết. Đó phải là một nhà trường có tư duy biện chứng và phương pháp hệ thống và tôi cho rằng, Trường ĐHKT đang hướng tới điều đó”.
Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn muốn gửi tới lãnh đạo Trường ĐHKT một lời mong muốn: “Hãy đọc “Thế giới như tôi thấy” và hãy là những nhà lãnh đạo tốt của thế kỷ XXI!


Cao Mạnh Tuấn (thực hiện)

(Trích kỷ yếu Trường Đại học Kinh tế - 5 năm thành lập và hướng tới 40 năm truyền thống: Đổi mới và Phát triển)