Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Chứng khoán vẫn nhiều lạc quan dù thị trường tài chính Việt Nam còn thách thức

Việc đồng USD có thể giảm giá trong năm 2019 là cơ hội để thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài đối với các thị trường chứng khoán mới nổi có các yếu tố cơ bản tốt như Việt Nam


   Đó là nhận định của ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 với chủ đề “Bứt phá từ những động lực tăng trưởng” tổ chức sáng ngày 12/03/2019.

Thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn những thách thức

   Dự báo năm 2019, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kinh tế thế giới có thể duy trì được tốc độ tăng của năm 2018. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, không loại trừ khả năng tình hình kinh tế thế giới có thể chuyển biến nhanh và phức tạp hơn do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ngoài ra, việc Fed thận trọng trong việc tăng lãi suất khiến nhiều tổ chức tài chính lớn dự báo đồng USD có thể sẽ suy yếu trong năm 2019.Còn về tình hình Việt Nam năm 2019, tăng trưởng kinh tế có thể đạt khoảng 6.9% - 7% nếu tiếp tục được hỗ trợ bởi tổng cầu tăng khá. Lạm phát tổng thể có thể được kiểm soát khoảng 4%.

   Ông Tuấn cho rằng, có sự mất cân đối nhất định giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Thị trường vốn tuy có sự chuyển biến về tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế song còn nhỏ và chưa phát triển. Cụ thể, vai trò của nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế; sản phẩm thiếu đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm như phái sinh, chứng khoán hóa…; việc cung cấp thông tin hạn chế khi chưa có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm… Đặc biệt, sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn cho các doanh nghiệp. Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp ước khoảng 7% GDP, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của các nước trong khu vực (21%). Điều này khiến cho việc cung ứng vốn dài hạn cho nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn của khu vực ngân hàng cũng gia tăng hơn.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần được tiếp tục cải thiện như: Tỷ lệ an toàn vốn chưa phản ánh đầy đủ mức độ an toàn vốn của hệ thống NHTM và chịu nhiều áp lực tăng vốn theo Basel II; xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 còn vướng mắc chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo; cơ sở hạ tầng tài chính còn chưa bắt kịp với chuẩn mực quốc tế; dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản và xây dựng tuy được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao. Điều này khiến việc hạ chi phí vốn cho nền kinh tế tiếp tục gặp trở ngại. Chưa kể, hoạt động tín dụng đen vẫn diễn biến rất phức tạp, gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.

   Hoạt động tín dụng đen chủ yếu lợi dụng và núp bóng doanh nghiệp như hiệu cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng với phương thức, thủ đoạn của hoạt động này rất tinh vi, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra để xử lý. Điều này phản ánh một phần khả năng có tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được với tín dụng ngân hàng, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

   Sự phát triển của công nghệ tài chính trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống tài chính tại Việt Nam. Cụ thể như các vấn đề liên quan đến phòng chống tội phạm công nghệ cao, bảo mật dữ liệu người dùng, nâng cao sự hiểu biết của người sử dụng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sản phẩm tài chính.

VN-Index có thể dao động từ 800 - 950 điểm nhưng có nhiều lạc quan

   Mặc dù thị trường tài chính Việt Nam năm 2019 còn nhiều thách thức, song ông Tuấn cũng không phủ nhận vẫn có triển vọng đáng kể.

      Thứ nhất, về cung tiền, tín dụng cho nền kinh tế tăng ở mức thận trọng. M2 tăng khoảng 12-14%. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2019 dự kiến tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý, khoảng 14% để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, dòng vốn tín dụng tiếp tục được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

      Thứ hai, dự báo mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định trong năm nay do áp lực lạm phát giảm bớt khi giá dầu thế giới được dự báo không biến động.

      Thứ ba, năm 2019, áp lực lên tỷ giá có thể không quá lớn bởi các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo: Khả năng USD sẽ suy yếu hơn. Lạm phát tổng thể có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá dầu thế giới có xu hướng giảm, do đó giảm áp lực lên tỷ giá. Đây là các yếu tố tích cực giúp chính sách tỷ giá chủ động hơn để tiến dần đến điểm cân bằng ngang giá tiền tệ.

      Thứ tư, về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index có thể dao động từ 800 - 950 điểm chủ yếu do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như: Kinh tế Mỹ được dự báo suy giảm tăng trưởng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục diễn biến khó lường, xu hướng suy giảm của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi tạo đỉnh trung hạn. Tuy nhiên, việc Fed thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất sẽ là yếu tố có lợi cho các thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, việc đồng USD có thể giảm giá trong năm 2019 là cơ hội để thu hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài đối với các thị trường chứng khoán mới nổi có các yếu tố cơ bản tốt như Việt Nam.

Thay đổi theo tư duy thị trường là vấn đề lớn nhất cần cải cách

      Để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt cho năm 2019, ông Tuấn chia sẻ một số giải pháp cần được thực hiện.

      Thứ nhất, củng cố vững chắc hơn nền tảng kinh tế vĩ mô, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng bền vững thông qua các biện pháp như: đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị kết nối với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước…

Hai là, chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng duy trì chính sách tín dụng thận       trọng, linh hoạt. Theo đó, tăng trưởng tín dụng năm 2019 giữ ở mức tương đương như năm 2018 (khoảng 14%). Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng vốn ngân hàng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... Tiếp tục mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất ở các ngành ưu tiên. Chủ động tiến dần đến điểm cân bằng ngang giá tiền tệ do năm 2019 được dự báo khả năng đồng USD giảm giá và áp lực từ phía lạm phát không nhiều với giá dầu có xu hướng giảm là những yếu tố tích cực giúp chính sách tỷ giá.

      Ba là, tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống quản trị các ngân hàng thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm áp dụng các chuẩn mực quản trị NHTM theo thông lệ quốc tế, đẩy nhanh tiến độ áp dụng Basel II (áp dụng đối với tất cả các NHTM thay vì thí điểm 10 NHTM như giai đoạn vừa qua).

      Còn TS. Trần Du Lịch – Chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra quan điểm, nhược điểm lớn nhất về thể chế là không đồng bộ. Giải quyết những mối quan hệ, vai trò giữa Nhà nước và thị trường, tài chính, hành chính công không đồng bộ vì tư duy quản lý kinh tế Việt Nam không phải là tư duy thị trường. Trước tiên phải thay đổi theo tư duy thị trường, cũng là vấn đề lớn nhất cần phải cải cách.

Theo đó, ông Lịch cho rằng, hoàn thiện thể chế cần phải dựa trên 5 nhóm quan điểm.

      Thứ nhất, làm rõ chức năng của Nhà nước, với tư cách là 1 trong 3 chủ thể của kinh tế thị trường (Nhà nước, người sản xuất và người tiêu dùng hay Nhà nước, doanh nghiệp và người dân).

      Thứ hai, xóa bỏ tư duy cơ cấu kinh tế địa phương, tách biệt hoạt động kinh tế với hành chính công quyền, hình thành các vùng kinh tế, xây dựng các chương trình phát triển quốc gia thay cho các loại chính sách ưu đãi tràn lan.

      Thứ ba, xóa bỏ tư duy lồng ghép công vụ: công vụ quốc gia và công vụ địa phương

      Thứ tư, tách biệt ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương. Xóa bỏ cơ chế “ngân sách lồng ghép” gọi chung là Ngân sách Nhà nước như hiện nay. Đây là cơ sở để cải cách nền tài chính quốc gia, xóa cơ chế xin cho về ngân sách.

      Thứ năm, phát huy vai trò của các định chế phi lợi nhuận thay cho quan điểm xã hội hóa về dịch vụ công như hiện nay. Nhà nước cung cấp dịch vụ công ích, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục…


Cát Lam Vietstock