Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Những đánh giá tích cực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam từ các tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới cho thấy uy tín cũng như niềm tin của quốc tế đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam Niềm tin quốc tế với ngân hàng Việt gia tăng



Tín hiệu tích cực của ngân hàng Việt

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service ngày 14/8 đã nâng hạng một số đánh giá đối với 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới này nâng điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam một bậc lên Ba3 từ B1 kèm triển vọng ‘ổn định’ từ "tích cực". Moody’s cho biết việc nâng định hạng tín nhiệm này dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, với sự hậu thuẫn của việc sử dụng ngày càng có hiệu quả nguồn lao động và nguồn vốn trong nền kinh tế.

Ngoài ra, theo tổ chức đánh giá tín nhiệm này, việc nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam còn phản ánh sự cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng.

Hồi tháng 5/2018, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn và sửa đổi Sàn Xếp hạng Hỗ trợ của 3 ngân hàng có vốn nhà nước của Việt Nam gồm VietinBank, Vietcombank và Agribank từ B+ lên BB-. Trước đó, cơ quan này đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức "BB" từ mức "BB-" với triển vọng "ổn định". Cơ sở để Fitch Ratings nâng triển vọng lên tích cực dựa vào nhiều yếu tố quan trọng như Việt Nam đang xây dựng chính sách hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô. Biện pháp này, bao gồm tỷ giá linh hoạt hơn và gia tăng tập trung vào ổn định lạm phát, đã giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh. Fitch Rating đánh giá Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã liên tục được cải thiện, động lực đem lại sự cải thiện của dự trữ ngoại hối là nhờ việc áp dụng cơ chế tỷ giá mới vào đầu năm 2016 với mục tiêu tỷ giá linh hoạt hơn, để tài khoản vãng lai thặng dư lớn và thu hút dòng FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Một tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn khác là Standard & Poor’s hiện dành cho Việt Nam định hạng tín nhiệm nợ dài hạn ở mức BB-, triển vọng ‘ổn định’.

Brand Finance đầu năm 2018 cũng đã công bố giá trị 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới năm 2018, Việt Nam có 3 cái tên góp mặt: VietinBank, BIDV, Vietcombank...

Hồi năm 2017, nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực". Bloomberg đánh giá đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc.

Các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Chuyên gia phân tích tài chính hàng đầu của WB tại Việt Nam - ông Alwaleed Alatabani đánh giá, với việc lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao là minh chứng cho sự quyết liệt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.

Tại buổi nói chuyện nghiệp vụ về "Chính sách tiền tệ của FED và tác động tới các nước" hồi tháng 8 vừa qua, GS.Andreas Hauskrecht - trường Đại học Indiana Hoa Kỳ, thành viên Nhóm Sáng kiến Việt Nam, nhận định Việt Nam đã ổn định được mặt bằng lãi suất rất tốt trong bối cảnh các nước nâng lãi suất cao, điều hành thị trường ngoại hối cũng tương đối ổn định. Ông đồng thời đánh giá, với quy mô dự trữ ngoại hối cao kỷ lục hiện nay, NHNN hoàn toàn có năng lực để kiểm soát đồng nội tệ. "Tỷ giá không phải là điều đáng lo ngại đối với Việt Nam" – ông nói.

Điều hành chính sách tiền tệ "hóa giải" thành công nhiều áp lực

Trong bối cảnh xung đột thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc leo thang, nhiều quốc gia có xu hướng tăng lãi suất thì lãi suất ở trong nước vẫn tiếp tục được điều hành ổn định. Tình hình tỷ giá cũng có áp lực nhất định nhưng NHNN đã kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý, thanh khoản thị trường vẫn bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt. Nhờ đó góp phần tăng niềm tin nhà đầu tư với môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác trong đó có chính sách tài khoá để ổn định và phát triển thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu Chính phủ, giảm chi phí vay vốn cho ngân sách nhà nước,...

Cụ thể, về lãi suất, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong 9 tháng đầu năm 2018, trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và cân đối tổng thể cung-cầu, NHNN đã hỗ trợ giảm chi phí vốn cho TCTD có điều kiện bình ổn và giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng. Các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên về mức tối đa 6%/năm đối với ngắn hạn. Mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định.

Về điều hành tỷ giá, mặc dù có những diễn biến phức tạp trên thị trường thế giới (FED tăng lãi suất USD, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung...), trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Trong điều hành tín dụng, NHNN cũng yêu cầu TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng), đảm bảo hoạt động an toàn ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động; chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Mới đây, theo kết quả công bố về chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017, NHNN đạt chỉ số cao nhất với 92,36%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các Bộ, ngành.

Với sự chỉ đạo của NHNN và nỗ lực của ngân hàng thương mại, tín dụng đã đi đúng hướng, tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, quá đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Đến cuối tháng 8/2018, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 12% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng khoảng 23% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; Tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 7,43% so với cuối năm 2017; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 13,83% so với cuối năm 2017; Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (cuối tháng 6/2018) tăng gần 5%...

Ngoài ra, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu cũng đạt những kết quả tích cực, nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngân hàng Việt, từ đó hội nhập quốc tế.


Phương Linh Theo Nhịp sống kinh tế/SBV