Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Lợi nhuận ngân hàng khả quan dù phải trích dự phòng lớn

Các ngân hàng đua nhau báo lợi nhuận ở mức cao sau khi có báo cáo tài chính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Trong đó, lợi nhuận nhiều nhà băng vượt hơn 50% kế hoạch năm, cho dù ngân hàng đã trích đủ dự phòng rủi ro cao cho nợ xấu


Ngân hàng MB cho biết, chi phí hoạt động của MB trong nửa đầu năm là 3.549 tỷ đồng. Ngân hàng trích 1.659 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25,6% so với cùng kỳ. Cuối tháng 6/2018, MB còn 2.639 tỷ đồng nợ xấu, tăng 423 tỷ đồng so với đầu năm chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng mạnh 294 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 144 tỷ đồng. VCB trong khi đó trích 3.235 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 233 tỷ (tương đương 7,8%) so với cùng kỳ. Cuối tháng 6, nợ xấu tuyệt đối tại VCB là 6.983 tỷ đồng, tăng 12,5% so với hồi đầu năm. Nhưng trong đó, nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi lên 4.084 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của VCB cuối tháng 6 chỉ tăng nhẹ từ mức 1,14% lên 1,15%.

Nợ xấu của TPBank đến cuối tháng 6/2018 là 862,7 tỷ đồng, chiếm 1,17% dư nợ cho vay của ngân hàng, tăng lên so với mức 1,09% thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất) vốn chiếm hơn 50% tổng nợ xấu, tăng 69% so với đầu năm. Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý 2/2018 của LienVietPostBank là lợi nhuận từ mảng dịch vụ tăng mạnh, tăng gần 195% so với năm trước. Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận không đạt như kỳ vọng của LienvietpostBank khi quý 2/2018 chỉ đạt gần 160 tỷ đồng, giảm 64% so cùng kỳ và 6 tháng đầu năm đạt 666,3 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch đặt ra.

Theo lý giải của các ngân hàng, một trong những lý do khiến lợi nhuận thấp hơn là do phải trích dự phòng. Đơn cử như BIDV- một trong những nhà băng lớn, song do phải trích lập dự phòng rủi ro tới hơn 10.000 tỷ đồng nửa đầu năm nay nên BIDV chỉ ghi nhận lợi nhuân trước thuế5.037 tỷ đồng, tạm xếp sau Vietcombank, VietinBank, Techcombank.

Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong 2 quý đầu năm nay. Theo báo cáo tài chính quý II/2018 (chưa soát xét) cho thấy, thu nhập từ hoạt động lãi đạt 738,7 tỷ đồng trong kỳ, tăng 22% so với quý cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, chi phí hoạt động tăng 16% và đặc biệt chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh từ 18,3 tỷ đồng lên 118 tỷ đồng trong quý này khiến ngân hàng Bản Việt chịu mức lỗ trước thuế 33,5 tỷ đồng trong quý vừa qua. Trong khi cùng kỳ 2017 lãi 10,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng đầu năm nay Ngân hàng Bản Việt vẫn đạt 53,2 tỷ đồng trước thuế, tăng tới 264% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 ở mức 80 tỷ đồng trước thuế được Đại hội đồng cổ đông giao trong kỳ họp thường niên hồi tháng 4/2018 thì đến nay Ngân hàng đã hoàn thành 66,5% chỉ tiêu năm.

Điều đáng nói là trong nói quý II/2018, chỉ có duy nhất lợi nhuận hoạt động đầu tư chứng khoán của ngân hàng là giảm gần 5,5% khi lãi 17,3 tỷ đồng. Còn các hoạt động khác của Ngân hàng Bản Việt đều kinh doanh có lãi, đóp góp tích cực vào lợi nhuận Ngân hàng nửa đầu năm nay. Theo báo cáo tài chính, trong quý 2, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 220 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ có lãi 4,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lãi 582 triệu đồng. Kinh doanh ngoại hối lãi 11 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ. Tính đến 30/6, tổng tài sản Ngân hàng Bản Việt đạt 41.181 tỷ đồng, tăng 3,2% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng hơn 2,1% đạt 25.553 tỷ đồng. Còn số dư tiền gửi của khách hàng có mức tăng trưởng gấp 2,5 lần so với cho vay đạt 28.399 tỷ đồng, tăng gần 5,1% so đầu năm.

Theo TS Bùi Quang Tín, Chuyên gia tài chính – ngân hàng, lợi nhuận của ngân hàng năm nay sẽ được cải thiện nhờ tín dụng tăng và mảng dịch vụ đem lại thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, TS Tín cho rằng, gánh nặng dự phòng rủi ro vẫn đè nặng các nhà băng khi quá trình phát mãi tài sản xử lý nợ xấu vẫn là một vấn đề khó, cho dù đã có Nghị quyết 42, song thực tế quá trình xử lý nợ xấu còn vướng mắc.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo thống kê - NHNN tiến hành vào tháng 6/2018 cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý 3/2018 và cả năm nay, với tỷ lệ lần lượt là 76,1% và 82,6%. Đồng thời, có 88% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2018 của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19,05% trong năm 2018.


Ánh Dương Theo Nhịp sống kinh tế