Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú trình bày về Tín dụng xanh tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019: 'Để ngân hàng Việt vươn xa'

Tại Diễn đàn, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú – Chủ nhiệm Khoa Tài chính – Ngân hàng trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã đại diện nhóm nghiên cứu mạnh về Tài chính xanh cảm ơn BTC đã mời tham dự và có bài trình bày về Tín dụng xanh trước toàn thể lãnh đạo các Bộ, ban ngành cùng các học giả, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tham dự chương trình.



Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2019 với chủ đề “Để ngân hàng Việt vươn xa”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 8-5-2019.

Tham dự Diễn đàn có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; đại diện Văn phòng Chính phủ; các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các vụ, cục thuộc NHNN; lãnh đạo một số ngân hàng thương mại; đại diện các tổ chức tài chính quốc tế và Việt Nam; các chuyên gia tài chính, ngân hàng; đại biểu Quốc hội; một số doanh nghiệp lớn…

 

Diễn đàn tập trung thảo luận vào ba mảng chính của thị trường tài chính, ngân hàng đó là bức tranh tổng quan về điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2018 và những nét chính trong 2019, củng cố nội lực hệ thống ngân hàng, và tương lai phát triển của hệ thống ngân hàng với những xu hướng lớn như tín dụng xanh, ngân hàng số...

Tại Phiên thảo luận đầu tiên Bức tranh tổng quan về điều hành chính sách tiền tệ có sự tham gia của ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN; tiến sỹ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực và ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC. Phiên thảo luận đã đánh giá NHNN đang “thông minh lên và thông minh nhất”. Ba điều NHNN cần làm là tăng sự chủ động; ổn định kỳ vọng; kết hợp với sự khéo léo trong sử dụng các công cụ tiền tệ trơn tru, linh hoạt, khéo léo để ứng xử.

 

Phiên thứ hai với chủ đề "Củng cố nội lực" và nội dung thảo luận là "Hệ thống ngân hàng cần làm gì để củng cố về tài chính, con người, chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai?" với sự tham gia của ông Bùi Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát NH, Cơ quan Thanh tra Giám sát NH – NHNN, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, ông Võ Tấn Long, Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia nhấn mạnh có 2 khía cạnh quan trọng thời gian tới cần đẩy mạnh khi tái cơ cấu là: cần nâng cao năng lực quản trị của NH (về rủi ro tín dụng, năng lực quản trị bản thân...) để bắt kịp các mô hình mới. Hai là nâng cao năng lực của nguồn nhân lực trong ngân hàng.

Tại phiên thứ ba, mở đầu bằng những thông tin tổng quan về chiến lược phát triển ngành ngân hàng 5 năm tới, những thách thức, cơ hội để các ngân hàng Việt Nam vươn cao hơn trong khu vực châu Á với bài trình bày của ThS Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện chiến lược ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước; Ông Trần Thái Bình, Phó Giám đốc Khối Công nghệ Sacombank chia sẻ chủ đề đầu tư vào công nghệ của hệ thống ngân hàng các nước và Việt Nam, những đón đầu cần thiết trong thời gian tới. Và PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, trình bày chủ đề: "Tín dụng xanh: xu hướng của tương lai, những đề xuất chính sách cho tín dụng xanh".

 
PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú trình bày tại Diễn đàn 

Theo PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú, ngân hàng xanh phải gắn với phát triển xanh và bền vững. Do đó, các ngân hàng không chỉ đảm bảo phát triển hoạt động của mình mà phải phát triển bền vững cho xã hội và môi trường.

Theo các tổ chức quốc tế, có 5 cấp độ về tín dụng xanh:

Cấp 1: Giảm thiểu sử dụng tài nguyên trong hoạt động ngân hàng. Đây là cấp độ hầu hết các ngân hàng Việt Nam đạt được.

Cấp 2: Cung cấp tín dụng cho các dự án xanh.

Cấp 3: Hoạt động kinh doanh có hệ thống liên quan tới tín dụng xanh, coi đây là mảng kinh doanh lớn.

Cấp 4: Chủ động xây dựng chiến lược xanh.

Cấp 5: Chủ động tham gia hệ sinh thái chiến lược, gắn với các cam kết về môi trường.

Theo OECD, tín dụng xanh là cấu phần trong tháp đầu tư xanh, cung cấp tín dụng dự án đầu tư xanh sẽ tạo ra nghề nghiệp, chứng khoán, tín phiếu, cổ phiếu xanh, tạo ra hệ thống phát triển đầu tư xanh.

Tín dụng xanh cho doanh nghiệp tăng sẽ giảm thiểu phát thải carbon, giảm phát thải khí nhà kính.

Việt Nam mới hình thành khái niệm tín dụng xanh khoảng 10 năm nhưng thế giới đã có hàng trăm năm. Tại Mỹ, Anh, Hàn Quốc đã có các định chế tài chính xanh, đóng vai trò cung cấp tín dụng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, giảm thải CO2. Các định chế tài chính lớn này đóng vai trò quan trọng phát triển tín dụng xanh.

Các nước đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, tiếp cận mô hình từ dưới lên. Ví dụ Tại Ấn Độ, tín dụng cho sản xuất năng lượng mặt trời tại hộ gia đình được cấp thông qua các tổ chức tài chính vi mô. Trung Quốc thì đi theo hướng phát triển trái phiếu xanh.

Nói về bài học cho Việt Nam, bà Tú cho hay, vai trò Chính phủ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án là rất quan trọng. Thực tế, NHNN đã có đề án phát triển tín dụng xanh.

Từ thất bại một số nước, bà Tú cho hay, cần có sự hỗ trợ, kết hợp của cơ quan ban ngành có liên quan, không chỉ từ NHNN, Bộ Tài chính mà cần có sự chung tay của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xác định các dự án xanh.

Năm 2018, điều tra của chúng tôi cho thấy, hầu hết lãnh đạo NH hiểu rõ về mức độ ưu tiên và ngành nghề, lĩnh vực xanh tại Việt Nam. Nhưng thực tế, có tới 60% doanh nghiệp chưa bao giờ đề xuất vay vốn ngân hàng xanh do họ chưa biết có chính sách thúc đẩy đầu tư xanh từ phía NHTM. Nguồn tin chủ yếu của họ từ các dự án môi trường như GIZ, UNDP, thông tin từ phía cơ quan nhà nước rất tháp, dưới 50%.

Trên cơ sở đó, bà Tú kiến nghị, Việt Nam nên tiếp cận từ trên xuống, trong đó Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, thông qua hệ thống NH đầu tư vào dự án xanh.

Cần xây dựng chiến lược, danh mục đầu tư xanh để gợi ý cho doanh nghiệp. Định chế tài chính lớn cần thực hiện trước, nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình này.

Đối với các dự án đầu tư xanh, ví dụ EVN đầu tư năng lượng mặt trời, nếu thành công nên nhân rộng sang các mô hình khác.

Đặc biệt, công tác truyền thông phải được đẩy mạnh với lĩnh vực đầu tư xanh, trong đó có các trường đại học của chúng tôi. Người tiêu dùng cũng đóng vai trò quyết định đến tiêu dùng xanh, từ đó sẽ dẫn tới đầu tư xanh của doanh nghiệp.

Năm 2017, nghiên cứu của nhóm Tài chính xanh liên quan tới hệ số lan tỏa kinh tế với các ngành khác nhau, cho thấy ngành khai thác và xây dựng chiếm tỉ trọng đầu tư lớn trong tín dụng của các NH trong khi chỉ số lan tỏa tới các ngành hàng khác ở mức thấp nhất và tiêu thụ năng lượng ở mức cao nhất, chỉ số phát thải CO2 lớn nhất. Do đó, các ngân hàng cần điều chỉnh dịch chuyển tín dụng từ đầu tư ngành xây dựng, khai thác sang ngành nông lâm thủy sản và dịch vụ để hướng tới tài chính xanh.

 

Bước vào phiên thảo luận cuối cùng của diễn đàn với nội dung "Vẽ bức tranh ngân hàng Việt trong 5 năm tới, vị thế của ngân hàng Việt và những thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những biến động mạnh", PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú chia sẻ Tín dụng xanh là một xu hướng cần phổ biến, nhưng hiện tại một trong những khó khăn của doanh nghiệp là tiếp cận thông tin để hiểu được lĩnh vực nào ưu tiên đầu tư xanh; hỗ trợ từ cơ quan ban ngành liên quan. Sacombank, Nam A Bank đã bắt đầu cung cấp tín dụng gắn với ưu tiên môi trường. GIZ cũng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo. Ngân hàng cũng thông qua vốn ủy thác từ tổ chức quốc tế cho dự án xanh. Ngân hàng thẩm định dự án này không đơn giản, đòi hỏi kiến thức chuyên môn, không chỉ ngành cho vay mà môi trường. IFC đã có cẩm nang hướng dẫn, đánh giá tác động rủi ro và môi trường với hơn 80 ngành nghề khác nhau. Đây mới chỉ là cẩm nang hướng dẫn, chưa tạo ra sự bắt buộc để ngân hàng áp dụng. Thông qua diễn đàn PGS Tú mong muốn ngân hàng hướng tới cho vay những ngành này.

 

Ngoài ra, với cương vị là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực tương lai cho ngân hàng và các tổ chức tài chính, PGS Tú cũng chia sẻ những khó khăn thách thức đối với các cơ sở đào tạo là làm sao đào tạo được những con người xuất sắc, bắt kịp thời đại và cuộc cách mạng 4.0 để khi tham gia vào nền kinh tế sẽ thích ứng tốt, không bị đào thải trở thành dư thừa, cung cấp đủ nguồn lực cho ngành tài chính, ngân hàng phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để đề xuất tới các cơ quan có liên quan và các đơn vị đào tạo thay đổi tư duy cho sinh viên ngay trên ghế nhà trường.

 

Diễn đàn đã mang lại những thông tin bổ ích, những phân tích có chiều sâu về điều hành CSTT và quá trình tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu, về đầu tư công nghệ ngân hàng trong bối cảnh CMCN 4.0, về Tín dụng xanh – xu thế của tương lai; những gợi ý về chính sách và giải pháp cho lãnh đạo, nhà đầu tư, cho cổ đông các ngân hàng thương mại và cho cả khối doanh nghiệp.

 

Nội dung chi tiết về Diễn đàn mời quý độc giả tham khảo tại:

https://baomoi.com/tuong-thuat-truc-tiep-dien-dan-toan-canh-ngan-hang-nam-2019-de-ngan-hang-viet-vuon-xa/c/30629950.epi?fbclid=IwAR3TJ3Y7dlzN7Eo5IAbKzSA7xMO4Qf5x_o5tn1X8JRTj0WzrDiaZAl2B1Ug

DK