Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Tạp chí U.S News & World Report: ĐHQGHN ở vị trí 938 các đại học tốt nhất toàn cầu

Tạp chí của Hoa Kỳ U.S. News & World Report vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu - Best Global Universities. Theo đó, ĐHQGHN có thứ hạng 938 thế giới, tăng 11 bậc so với kỳ xếp hạng năm 2021.



Tạp chí U.S. News & World Report ngoài việc tập trung vào xếp hạng các trường đại học, cao đẳng của Hoa Kỳ, đã thực hiện và công bố Bảng xếp hạng Best Global Universities (Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất toàn cầu) để đáp ứng nhu cầu người học ở Hoa Kỳ mở rộng ra ngoài các trường đại học trong nước; đồng thời giúp các trường đại học của Hoa Kỳ có thể so sánh với các trường đại học khác trên thế giới.

Kỳ xếp hạng năm 2022 có 2005 trường đại học thuộc 90 quốc gia tham gia, trong đó có 1750 trường được xếp hạng. Best Global Universities đánh giá và xếp hạng các trường đại học dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu khoa học do Tập đoàn Clarivate Analytics InCites cung cấp. Như vậy, với thứ hạng 938, ĐHQGHN thuộc top 1000 cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới. Đồng thời, ĐHQGHN cũng được xếp thứ 241 ở khu vực Châu Á.

Về phương pháp xếp hạng, Best Global Universities đánh giá các trường đại học bằng 13 tiêu chí (Bảng dưới đây) hoàn toàn khách quan và tập trung vào uy tín nghiên cứu (qua khảo sát) và chất lượng nghiên cứu qua phân tích dữ liệu khoa học được công bố trong CSDL của Clarivate Analytics InCites. Trong đó, chỉ những trường ĐH có 1250 bài báo được xuất bản trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019 mới được xem xét; đồng thời uy tín về nghiên cứu do Clarivate Analytics InCites thực hiện. Các học giả tham gia đánh giá uy tín nghiên cứu là những tác giả được lựa chọn từ CSDL Web of Science, bao gồm Science Citation Index Expanded (SCIE), Social Sciences Citation Index (SSCI) and Arts & Humanities Citation Index (A&HCI).

Tiêu chí đánh giá và xếp hạng

Tiêu chíTrọng số
Uy tín nghiên cứu toàn cầu12,5%
Uy tín nghiên cứu trong khu vực12,5%
Tổng số ấn phẩm10%
Sách2,5%
Hội thảo2,5%
Tác động trích dẫn được chuẩn hóa10%
Tổng số trích dẫn7,5%
Tổng số ấn phẩm thuộc 10% ấn phẩm được trích dẫn nhiều nhất12,5%
Tỷ lệ % ấn phẩm thuộc 10% ấn phẩm được trích dẫn nhiều nhất10%
Hợp tác quốc tế5%
Số ấn phẩm có hợp tác với tác giả quốc tế5%
Tổng số bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong top 1% ấn phẩm được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực tương ứng5%
Tỷ lệ % tổng số ấn phẩm thuộc nhóm 1% bài báo được trích dẫn nhiều nhất5%

Trong kỳ xếp hạng năm 2022, Việt Nam có 5 trường tham gia xếp hạng: Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân (mới tham gia), Đại học Quốc Gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Theo đó Đại học Quốc gia Hà Nội có thứ hạng 938 thế giới, tăng 11 hạng so với kỳ xếp hạng năm 2021 và đứng thứ 3 ở Việt Nam. Đặc biệt, trong 13 tiêu chí xếp hạng của U.S. News & World Report, tiêu chí đánh giá hợp tác quốc tế của ĐHQGHN có thứ hạng cao nhất và ở vị trí 95 thế giới. Cũng trong kỳ xếp hạng này; lĩnh vực Vật lý của ĐHQGHN tiếp tục được xếp hạng và ở vị trí 635 thế giới.

Khu vực châu Á có 827 trường được tham gia xếp hạng. Xếp hạng trong top 5 trường đứng đầu Châu Á vẫn là những trường quen thuộc đến từ Trung Quốc, Singapore, Ả Rập Xê Út như: Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) top 1 Châu Á và thứ 26 thế giới; Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) top 2 Châu Á và thứ 29 thế giới; Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) top 3 Châu Á và thứ 33 thế giới; Đại học King Abdulaziz (Ả Rập Xê Út) top 4 Châu Á và thứ 44 thế giới; và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) top 5 Châu Á và thứ 45 thế giới.

Ngày 23/6/2021, Tạp chí Times Higher Education - THE công bố Bảng xếp hạng những đại học trẻ tốt nhất thế giới - Young University Rankings 2021. Theo đó, Việt Nam có hai đại diện có mặt trong bảng xếp hạng uy tín này là Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) (top 251 - 300) và Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (ĐHQGHCM) (top 401 ).

Bảng xếp hạng đại học trẻ năm 2021 của THE (Young University Rankings) là bảng xếp hạng riêng các đại học thế giới tốt nhất được thành lập dưới 50 năm. Trên thực tế, bảng xếp hạng này được sử dụng phương pháp đánh giá tương tự bảng xếp hạng đại học thế giới của THE (World University Rankings) nhưng trọng số của các tiêu chí trên được điều chỉnh lại để phản ánh sứ mệnh và vai trò của các đại học trẻ, trong bối cảnh toàn của cầu hóa giáo dục, các đại học là mở rộng quy mô và tập trung đầu tư vào nghiên cứu.

Ngày 09/6/2021, tổ chức QS (Quacquarelli Symonds - Anh) công bố bảng xếp hạng đại học thế giới cho năm 2022 (QS World University Rankings 2022 – QS WUR 2022), theo kết quả xếp hạng, Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ 4 liên tiếp đứng trong nhóm 801-1000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu. Mặc dù liên tục duy trì ở nhóm thứ hạng này trên bảng xếp hạng, nhưng điểm xếp hạng của ĐHQGHN ngày càng gia tăng, dẫn tới thứ hạng tuyệt đối trong bảng xếp hạng cũng dần được nâng cao. Cụ thể, trong ba lần xếp hạng trước, ĐHQGHN đứng trong nhóm 78,5% (2019), 74,9% (2020), 67,5% (2021) các trường đại học hàng đầu. Ở lần xếp hạng lần này, ĐHQGHN vươn lên đứng trong nhóm 61,6% các trường đại học hàng đầu thế giới.

Ngày 02/06/2021, trong Bảng xếp hạng các trường đại học khu vực Châu Á năm 2021 do tạp chí Times Higher Education (THE Châu Á) công bố, ĐHQGHN tiếp tục có mặt trong năm thứ hai với vị trí trong nhóm 251 – 300, đứng đầu Việt Nam.

So với kết quả xếp hạng năm 2020, ĐHQGHN đều tăng điểm ở tất cả các tiêu chí xếp hạng của bảng xếp hạng THE Châu Á. Trong đó, điểm tăng mạnh nhất ở tiêu chí Trích dẫn (8%), tiếp đó là tiêu chí Nghiên cứu (tăng 7,4%), 3 tiêu chí còn lại Giảng dạy, Thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ và Triển vọng Quốc tế tăng nhẹ lần lượt là 1,6%, 1,6% và 0,6%.

 Để thực hiện và công bố Bảng xếp hạng đại học Châu Á năm 2021, Times Higher Education đã sử dụng bộ tiêu chí gồm 13 chỉ số thuộc 5 nhóm Giảng dạy (30%), Nghiên cứu (30%), Chỉ số trích dẫn (30%), Thu nhập từ chuyển giao tri thức và công nghệ (7,5%) và Triển vọng Quốc tế (7,5%). Với cách đánh giá như vậy, những cơ sở giáo dục đại học không phải là đại học nghiên cứu hoặc không mạnh về nghiên cứu khó có thể có mặt trong Bảng xếp hạng này.

 


Theo VNU