Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm: Chọn liệu pháp phù hợp

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, để duy trì tăng trưởng ổn định và kềm chế lạm phát, không nên "mạnh tay" thay đổi chính sách.


Tại cuộc toạ đàm do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức vào ngày 30.7, các chuyên gia kinh tế và các DN trong ngành tài chính, NH đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các chính sách về tín dụng, tỉ giá, lãi suất, kích cầu...
Giữ nguyên lãi suất cơ bản?

PGS- TS Trần Hoàng Ngân, thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM, đặt vấn đề: Vừa qua, nhiều NH đua nhau tăng lãi suất huy động, đẩy lãi suất huy động ngắn hạn lên trên 9%. Liệu NHNN có nên tăng lãi suất cơ bản hay vẫn tiếp tục duy trì ở mức 7%?
Ông Ngân cho biết: Có một số NH thương mại nhỏ than rằng, nếu không tăng lãi suất cơ bản mà lại kiểm soát chặt tín dụng tiêu dùng, tức là kiểm soát chặt cho vay lãi suất thoả thuận, thì các NH sẽ thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, một số đại diện NH thương mại có mặt tại hội thảo cho rằng lãi suất cơ bản hiện nay là phù hợp. Việc huy động vốn không gặp trở ngại trong trường hợp các thị trường chứng khoán, bất động sản ổn định, không quá nóng và tạo những cú sốc.
Việc kiểm soát chặt cho vay bất động sản cũng như cho vay tiêu dùng là đúng đắn, giúp cho các thị trường này không quá nóng. Trên thực tế thì một phần cho vay tiêu dùng hiện nay đang chạy vào chứng khoán. NHNN chỉ nên thay đổi lãi suất cơ bản trong trường hợp lạm phát tăng.
TS. Lê Anh Tuấn - nhà nghiên cứu kinh tế - cho biết: Đã dùng nhiều kế hoạch mô phỏng để tính toán, kết quả cho thấy nếu các chính sách điều hành được duy trì ổn định thì có khả năng lạm phát trong năm nay không vượt quá 7,5%. Do đó, việc duy trì lãi suất cơ bản 7% là phù hợp.
PGS- TS Trần Hoàng Ngân cho rằng việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng từ tối đa 30% xuống còn 25- 27% là cần thiết, sau khi Quốc hội cho điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 5%. Tuy nhiên, trong trường hợp kinh tế có khả năng tăng trưởng cao thì tăng trưởng tín dụng trên 27% vẫn là tốt. Vấn đề cốt lõi là kiểm soát được chất lượng tín dụng, tập trung vào cho vay sản xuất kinh doanh.
Điều hành tỉ giá: Bài toán khó
Về tỉ giá, theo phản ánh của các NH và các nhà nghiên cứu, hiện áp lực ngoại tệ đang căng thẳng và tỉ giá thị trường tự do tăng cao. Trong hoàn cảnh này, NHNN không nên tăng biên độ tỉ giá, tạo tâm lý kỳ vọng giá USD sẽ tiếp tục tăng cao và dẫn đến găm giữ ngoại tệ.
Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN cần ban hành quy định bắt buộc kết hối, nhưng phải đảm bảo cung ứng đủ USD cho doanh nghiệp nhập khẩu hàng thiết yếu và hàng phục vụ sản xuất.
Tổng giám đốc một NH CP nhận xét: Nếu tạo được tính sẵn có trên thị trường ngoại hối sẽ dẹp bỏ được tình trạng đầu cơ ngoại tệ và "dự trữ niềm tin quan trọng hơn là dự trữ ngoại tệ".
Tổng giám đốc một Cty CK cho rằng, dùng dự trữ ngoại hối kèm theo chính sách kết hối sẽ kiểm soát được tỉ giá ổn định. Bên cạnh đó, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu trong thời điểm này cũng là rất cần thiết để kềm chế lạm phát.
Có nên ngừng kích cầu?
Một số chuyên gia đưa ra ý kiến cần xem xét và cắt giảm bớt danh sách hỗ trợ lãi suất của gói kích cầu đối với một số ngành hàng. Tuy nhiên, một lãnh đạo NH thương mại cho rằng, Chính phủ cần phải đánh giá thận trọng trước khi đi đến quyết định. Cần phân loại đối tượng doanh nghiệp và khảo sát, đánh giá hiệu quả của gói kích cầu đối với sản xuất kinh doanh, đối với thị trường lao động...
Một điều quan trọng mà các NH thương mại quan tâm là khi ngừng kích cầu, liệu sẽ có dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp không đủ khả năng hoàn vốn cho NH. Nếu ngừng gói kích cầu một cách đột ngột sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
Giữ nguyên lãi suất cơ bản VND mức 7% năm

NHNN ngày 30.7 cho biết, Thống đốc NNHNN đã ban hành Quyết định số 1811/QĐ-NHNN về việc tiếp tục áp dụng mức lãi suất cơ bản bằng đồng VN là 7%/năm. Quyết định sẽ có hiệu lực từ hôm 1.8 và thay thế Quyết định số 1539/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng VN ban hành ngày 30.6.


(Tin kinh tế hàng ngày)