Trang Đảm bảo chất lượng
 
Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: Lấy chất lượng làm giá trị cốt lõi

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự giờ lên lớp bằng tiếng Anh tại Đại học Kinh tế
Giáo dục đại học không chỉ giúp những người công dân có được kiến thức và kỹ năng (kể cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống) để có thể làm việc và hưởng mức thu nhập cao mà còn giúp cho họ trở thành những công dân tốt, những người có ý thức trách nhiệm cao đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, qua đó làm tăng chất lượng cuộc sống của mọi người dân.


Chính vì vậy, chất lượng là yếu tố quan trọng nhất và có thể nói, có ý nghĩa “sống còn” trong đào tạo đại học cũng như sự phát triển sáng tạo và bền vững của nền kinh tế - xã hội. Hướng tới chất lượng tiên tiến trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học là mục tiêu quan trọng được đặc biệt quan tâm ở Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xác định giá trị

Quán triệt tầm quan trọng như vậy của chất lượng đối với giáo dục đại học (GDĐH), ngay từ khi được nâng cấp thành Trường từ Khoa Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2007, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) đã coi chất lượng là một trong những giá trị cốt lõi nhất của Nhà trường (bên cạnh các giá trị khác như: Khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng say mê; Tôn trọng sự khác biệt, thúc đẩy hợp tác; Đảm bảo hài hòa, phát triển bền vững), là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Chiến lược phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch 5 năm phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch nhiệm vụ hàng năm của Trường ĐH Kinh tế.

Trong lĩnh vực đào tạo, Trường ĐH Kinh tế không “chạy” theo “số lượng hay quy mô” mà tập trung vào các chương trình đào tạo chất lượng lượng cao, đẳng cấp quốc tế (chương trình 16+23) và liên kết quốc tế ở tất cả các bậc đào tạo. Chương trình đào tạo được đổi mới theo hướng đảm bảo chuẩn đầu ra và hướng tới kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế. Phương pháp giảng dạy cũng được đổi mới theo hướng gắn lý thuyết với thực tiễn và lấy người học làm trung tâm, áp dụng các phương pháp đào tạo tín chỉ…

Trong lĩnh vực nghiên cứu, ngoài việc nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, ĐH Kinh tế tập trung vào các chương trình nghiên cứu trọng điểm với các nhóm nghiên cứu đa dạng (nhóm nghiên cứu “thể chế” là các trung tâm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu “linh hoạt” là các nhóm nghiên cứu của các khoa và liên khoa) với các tiêu chí đánh giá là chất lượng sản phẩm đầu ra và với phương thức hoạt động chủ yếu là mạng lưới nghiên cứu…

Trong lĩnh vực quản lý, với quan niệm trường đại học là một tổ chức cung cấp dịch vụ mang tính bán công và phi lợi nhuận nhưng hoạt động trong cơ chế thị trường, Trường ĐH Kinh tế đã áp dụng các biện pháp quản lý giống như quản lý một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán công và phi lợi nhuận. Cơ chế quản lý, điều hành của trường đã luôn được đổi mới theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng và thực hiện theo Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Nhà trường đã ban hành hệ thống văn bản quản lý, phân cấp và các quy định, quy trình làm việc cho tất cả các lĩnh vực hoạt động cũng như bộ chuẩn các sản phẩm đầu ra ở tất cả các mảng hoạt động và coi đó là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và chất lượng công việc của các đơn vị. Công tác đảm bảo chất lượng cũng được triển khai chuyên nghiệp và liên tục nhằm tạo ra “văn hóa chất lượng” trong toàn trường.

Tiên tiến hóa trong đào tạo và nghiên cứu

Để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước tiệm cận với các chương trình tiên tiến và đẳng cấp quốc tế, Trường ĐH Kinh tế đã mạnh dạn áp dụng các cơ chế “thuê cán bộ quản lý” thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước đến làm việc hoặc cộng tác; xây dựng cơ chế đánh giá cán bộ, giảng viên làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và đãi ngộ thỏa đáng. Trong đó, yếu tố chất lượng được đặt lên hàng đầu và xuyên suốt trong mọi hoạt động là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất khiến cho ĐH Kinh tế đạt được một số thành tựu nhất định trong thời gian vừa qua, góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của Nhà trường và trường đang được biết đến như một cơ sở đào tạo có uy tín trong lĩnh vực kinh tế, quản lý và kinh doanh ở Việt Nam, một cơ sở đào tạo trẻ, năng động, có tầm nhìn và quyết tâm cao theo hướng chất lượng và đẳng cấp quốc tế.

Trong đào tạo chính quy, từ năm học 2008 - 2009, chất lượng tuyển sinh đầu vào của Trường khá tốt với điểm chuẩn thuộc diện cao trong các trường đại học khối kinh tế. Tỷ lệ SV tốt nghiệp các ngành của Trường vào loại khá và giỏi luôn chiếm khoảng 70% hàng năm. Đặc biệt, năm học 2008 - 2009 có khoảng 85% SV hệ chất lượng cao và một số SV hệ chính qui đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh.Kết quả điều tra tình hình việc làm của SV tốt nghiệp những năm gần đây (từ 2006 đến 2010), cho thấy, tỷ lệ có việc làm đúng chuyên môn ngay sau khi tốt nghiệp là khá cao, đặc biệt đối với các ngành Quản trị Kinh doanh (98%); Tài chính - Ngân hàng (95%); Kinh tế đối ngoại - chất lượng cao (95%). Trong đào tạo liên kết quốc tế, Trường ĐH Kinh tế đã được Ban Tổ chức Trung ương"đặt hàng" chương trình đào tạo thạc sĩ Quảnt lý công dành cho cán bộ trong diện được quy hoạch ở các ngành và địa phương trên cả nước (trong khuôn khổ Đề án 165). Đây là chương trình liên kết với Đại học Uppsala (Thụy Điển), một trong 100 trường đại học được xếp hạng hàng đầu thế giới.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, cán bộ Trường ĐH Kinh tế đã chủ trì và bảo vệ thành công 3 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước với sản phẩm đầu ra có địa chỉ ứng dụng và góp phần tư vấn chính sách phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Số lượng bài nghiên cứu của cán bộ, giảng viên Nhà trường được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế cũng tăng mạnh. Ấn phẩm đặc thù của Trường - Báo cáo kinh tế Việt Nam thường niên đã được Hội đồng Lý luận Trung ương đặt hàng và được xuất bản bằng 2 thứ tiếng (Việt và Anh), góp phần tư vấn chính sách cho các cơ quan chức năng. Trường cũng đã tổ chức được nhiều hội thảo lớn thu hút được sự quan tâm của đông đảo các cơ quan hoạch định chính sách của Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, các bộ/ngành, các tập đoàn kinh tế lớn, các hiệp hội doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động NCKH trong sinh viên Trường ĐH Kinh tế được đẩy mạnh và đem lại kết quả cao. Từ năm 2007 đến nay, sinh viên Trường ĐH Kinh tế liên tục được tham gia xét giải thưởng sinh viên NCKH cấp Bộ/ĐHQGHN và liên tục được nhận giải thưởng, gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba đồng giải thưởng VIFOTEC và 4 giải khuyến khích. Ngoài ra, nhóm SV đạt giải Nhất đã được nhận Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn tại Hội nghị trao Giải thưởng cấp Bộ SVNCKH lần thứ 20 và SV Nguyễn Đình Minh Anh - người thực hiện chính công trình đạt giải Nhất đã được nhận học bổng toàn phần của Bộ GD&ĐT đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, Trường ĐH Kinh tế cũng đã kết nối được với mạng lưới nghiên cứu quốc tế cũng như khu vực (Quỹ Nghiên cứu Thái Lan, Quỹ JICA - Nhật Bản, Chương trình Nghiên cứu các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng…) và hoạt động này đang góp phần nâng cao năng lực cán bộ cũng như tạo tác động lan tỏa tốt trong toàn trường.

Lợi ích và tác động lan tỏa tích cực của chất lượng đào tạo là điều ai cũng phải thừa nhận, nhưng đạt để được yêu cầu về chất lượng, đặc biệt là tiên tiến hóa trong các chương trình đào tạo không phải là một nhiệm vụ dễ dàng và có thể thực hiện được trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, có thể vững tin và khẳng định rằng những nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học đã và đang được triển khai tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHHQG Hà Nội, là những nỗ lực đúng hướng và đang đưa lại những thành quả ban đầu của Nhà trường. Đây cũng chính là 1 trong 8 bài học quan trọng (Bài học về chất lượng và sản phẩm đầu ra) đã được Nhà trường rút ra từ kinh nghiệm hoạt động trong thời gian qua, bên cạnh các bài học khác như bài học về Đoàn kết, bài học về Phối hợp, bài học về Chỉ đạo thực hiện, bài học về Sử dụng con người, bài học về Liên thông và Liên kết, bài học về Ngoại lực và bài học về Tác động lan tỏa.

Bài đăng trên báo Giáo dục và Thời đại >>


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN