Trang Đảm bảo chất lượng
 
Cách tiếp cận theo quá trình trong quản lý chất lượng giáo dục đại học

Một tổ chức hoạt động hữu hiệu cần phải xác định và quản lý rất nhiều hoạt động liên kết với nhau. Một hoạt động dùng nhiều nguồn lực, và được quản lý nhằm có thể thể biến chuyển đầu vào thành đầu ra, thì có thể được xem là một quá trình.


Thông thường đầu ra từ một quá trình trực tiếp tạo ra đầu vào của quá trình kế tiếp.Việc xác định một cách hệ thống và quản lý các quá trình được triển khai trong tổ chức và đặc biệt quản lý sự tương tác giữa các quá trình đó được gọi là cách tiếp cận theo quá trình (process approach).
Phương pháp này nhấn mạnh đến tính quan trọng của:
- Việc hiểu biết và đáp ứng các yêu cầu
- Nhu cầu xem xét quá trình dưới hình thức giá trị tăng thêm
- Kết quả đạt được về hiệu quả và hiệu năng của quá trình
- Sự cải tiến liên tục các quá trình dựa trên sự đo lường mục tiêu.
Áp dụng phương pháp quản lý theo quá trình trong một tổ chức đòi hỏi phải xác định được:
- Tổ chức có những quá trình nào, phân chia các quá trình đó thành quá trình chính và quá trình phụ trợ.
- Đối với mỗi quá trình cần xác định đầu vào và đầu ra và các hoạt động bên trong của nó.
- Đưa ra các tiêu chí để đánh giá các quá trình
- Quản lý các hoạt động dựa trên cơ sở các quá trình nêu trên.
Với  đặc thù của giáo dục là: Sản phẩm của giáo dục là con người; chu kỳ tạo ra sản phẩm giáo dục dài (3 năm, 4 năm….); Sản phẩm đào tạo phong phú, đa dạng (nhiều trình độ, nhiều ngành..); Chất lượng có nhiều cấp độ; Khó đo lường, đánh giá chính xác chất lượng giáo dục, việc áp dụng cách tiếp cận này vào trong quản lý chất lượng giáo dục đại học sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Theo cách tiếp cận này cần coi giáo dục đại học là hoạt động dịch vụ, mà khách hàng là sinh viên, phụ huynh, tổ chức sử dụng sinh viên ra trường (doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức) và sản phẩm của dịch vụ đào tạo là sinh viên tốt nghiệp với phẩm chất đạo đức, sức khỏe, kiến thức, kỹ năng.
Có thể xác định các khâu cơ bản của quá trình đào tạo theo sơ đồ sau:
Phương pháp tiếp cận này đã thay đổi tư duy cũ về chất lượng đào tạo, khiến cho việc thực hiện quản lý chất lượng đào tạo có cơ sở khoa học hơn: Quản lý chất lượng đào tạo hướng tới khách hàng và thỏa mãn tốt nhất nhu cầu khách hàng. Các cơ sở đào tạo cần phải xây dựng tiêu chuẩn và qui trình tiến hành từng công việc trong đào tạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp tác động đến toàn bộ quá trình hình thành chất lượng từ khâu đầu vào, quá trình dạy và học đến sinh viên tốt nghiệp ra trường. Từ đó tăng cường và đổi mới công tác quản lý đào tạo đi vào nề nếp và khoa học. Mọi cá nhân và bộ phận trong trường cần phải tham gia tích cực vào quá trình đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo để có thể đem lại kết quả cao nhất.
___________
Tài liệu tham khảo:
1. Quản lý chất lượng trong các tổ chức - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
2. Hệ thống quản lý chất lượng cơ sở và từ vựng - TCVN ISO:9000-2005.

Bộ phận Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN