Trang Đảm bảo chất lượng
 
Hội thảo quốc tế: “Vị trí của Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế của Mỹ ở Châu Á”

GS.TS. Susan Schwab
Sáng 30/11/2009, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Công ty Linkworld Unlimited International Event đã phối hợp tổ chức hội thảo trên tại Hội trường 10-12 Đại học Quốc gia Hà Nội (số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội).


>> Một vài hình ảnh tại hội thảo

Tham dự Hội thảo có GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN. Gần 700 đại biểu là lãnh đạo các đối tác của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHKT và các trường đại học thành viên khác thuộc ĐHQGHN đã tham dự hội thảo.
Diễn giả trình bày vấn đề là GS.TS. Susan Caroll Schwab, chuyên gia thương mại quốc tế có uy tín, đã từng giữ chức Đại sứ Thương mại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ 8/6/2006 đến 20/1/2009. Với cương vị là Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ, cố vấn cao cấp, thương thuyết viên về thương mại quốc tế và các vấn đề liên quan của cựu Tổng thống Mỹ G. Bush, GS.TS. Susan Schwab đã gặt hái được nhiều thành công trong việc lý kết thoả thuận hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ với Peru, Columbia, Panama và Hàn Quốc. Đặc biệt, tên gọi “Susan Schwab” đã trở nên khá gần gũi với công chúng Việt Nam khi bà đã tham gia giám sát tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam và góp phần to lớn cho sự thành công trong quá trình đám phán song phương Việt - Mỹ, giúp Việt Nam kịp thời gia nhập WTO vào năm 2007, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam.
Hội thảo đã diễn ra trong không khí trao đổi khoa học tích cực và cởi mở với nhiều nội dung có ý nghĩa tham khảo to lớn cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Nội dung trao đổi bao gồm ba vấn đề chính: thứ nhất là định hướng chính sách đối ngoại của Chính quyền Obama, thứ hai, chiến lược của chính quyền Obama đối với Châu Á và thứ ba là vị thế và đối sách của Việt Nam.
Về nội dung thứ nhất, chính sách đối ngoại của chính quyền Obama đã có những thay đổi đáng kể so với các chính quyền tiền nhiệm. Chính quyền đương nhiệm nhấn mạnh hơn đến các vấn đề phát triển kinh tế toàn cầu thay cho việc tập trung vào các vấn đề đối ngoại chung của các chính quyền trước đây. Với việc nhấn mạnh vào định hướng phát triển kinh tế, Châu Á được xem là một điểm nhấn quan trọng thu hút sự chú ý của chính quyền Obama. Chính quyền Obama đang muốn thể hiện một vai trò lớn hơn, nổi trội hơn trên thế giới trong lĩnh vực kinh tế và đưa Mỹ tới gần hơn với thế giới. Trong việc thể hiện vai trò kinh tế lớn hơn này, Mỹ cũng đồng thời muốn tăng cường hơn nữa sản xuất trong nước, xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại với bên ngoài. Tuy vậy khi bình luận về tính khả thi của các mong muốn chính sách này, GS.TS. Susan Schwab đã đưa ra những khó khăn mà chính quyền Obama phải vượt qua như sự phản ứng trong nước, đặc biệt từ các phong trào lao động không ủng hộ cho việc đẩy mạnh hơn nữa nguồn lực ra bên ngoài. Đồng thời, trong nội bộ Mỹ cũng vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề như tiêu dùng cao, đầu tư và tiết kiệm thấp, trong khi đó các vấn đề như già hoá dân số, thế hệ dân số bùng nổ đến tuổi về hưu đòi hỏi nhiều nguồn lực ngân sách hơn cho các vấn đề hưu trí, y tế.
Đối với vấn đề thứ hai, Châu Á rõ ràng được đưa lên một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. GS.TS. Susan Schwab đã nhắc khá nhiều đến Trung Quốc và cho rằng trong quan hệ Mỹ - Trung có nhiều vấn đề tế nhị và hai nước đã gần như đi đến một tình thế hoà giải và hợp tác trong bối cảnh, một mặt, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ như là thị trường tiêu thụ chính các hàng hoá do Trung Quốc sản xuất và mặt khác, Trung Quốc cũng đang là chủ nợ khá lớn của Mỹ với việc Trung Quốc nắm giữ khá nhiều trái phiếu Chính phủ Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang tăng cường mở rộng thương mại với các nước Châu Á khác. Hiệp định thương mại Mỹ - Hàn Quốc được xem là một hiệp định thương mại đặc biệt hiệu quả. Hiện nay Mỹ cũng đang tiếp tục muốn mở rộng ký kết hiệp định với các nước khác trong khu vực như Singapore, Australia v.v… Trước đây là chính quyền Bush và hiện nay là chính quyền Obama cũng đang có những lưu tâm đáng kể đến việc hợp tác xuyên Thái Bình Dương.
Về nội dung thứ ba, vị thế của Việt Nam và đối sách, GS.TS. Susan Schwab cho rằng Việt Nam có một vị thế đáng kể trong chiến lược Châu Á của Mỹ bởi vì Việt Nam là một nước có tiềm năng phát triển, có cơ cấu dân số mạnh và là thành viên của nhiều tổ chức như ASEAN, APEC. Trong quan hệ Mỹ - Việt Nam, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam luôn là những quan ngại theo quan điểm của một số nhóm dân chủ ở Mỹ. Đây cũng có thể là do tác động hay hệ quả của một thời chiến tranh. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều sự hỗ trợ từ phía bên trong nước Mỹ và nhiều nhóm muốn tiếp cận và đến Việt Nam để tìm bằng chứng về việc Việt Nam đang giải quyết tốt hơn những vấn đề này. Mỹ cũng đang quan tâm hơn đến Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ, đặc biệt gần đây đang có dự án hỗ trợ xây dựng chính sách thương mại của Việt Nam do chính phủ Mỹ tài trợ. Về đối sách của Việt nam, GS.TS. Schwab cho rằng Việt Nam có thể tận dụng quy mô dân số lớn và cơ cấu trẻ theo đuổi một chiến lược tăng cường mở rộng tiêu dùng trong nước kết hợp với thúc đẩy xuất khẩu. Việt Nam có thể không trở thành một Trung Quốc thứ hai mà có thể có những sự lựa chọn khác theo nghĩa không phụ thuộc quá nặng nề về xuất khẩu và xây dựng một hình ảnh quốc gia đáng tin cậy, đặc biệt trong việc tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ.
Suốt trong 2 giờ đồng hồ, nhiều câu hỏi được đưa ra. Nhiều sinh viên đã cố gắng để có được một chỗ ngồi trong Hội trường. PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN nhận định: “Rất nhiều sinh viên của chúng tôi đến đây nghe không chỉ là để biết thông tin mà còn là để tìm đến với hoài bão, nhiệt huyết. Được tiếp xúc với những chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới, trước đây là GS. Tom Canon, hôm nay là GS.TS Susan Schwad - họ sẽ có thêm nhiều sức mạnh để phấn đấu học tập, rèn luyện… Theo tôi chuyến thăm Việt Nam của GS.TS. Susan Schwab có ý nghĩa cả về chiến lược và thực tiễn. Việt Nam hiện nay đang rất cần những nhà tư vấn có thực tiễn, am hiểu và có gắn bó với Việt Nam để đưa ra những lời khuyên sát thực. Qua cuộc làm việc này, các chuyên gia của Việt Nam cũng có dịp cọ sát để từ đó hình thành nên những nhóm nghiên cứu có hiểu biết toàn cầu, am hiểu thực tiễn của Việt Nam để đưa ra những tư vấn cho Chính phủ…”.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định:
“Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với Tập đoàn Link World Unlimited International Event mời được GS.TS. Susan Schwab sang Việt Nam và thuyết trình tại Trường Đại học Kinh tế, tiếp sau chuyến làm việc của GS. Tom Cannon, là một bước tiến mới của nhà trường trên con đường đưa nhà trường trở thành điểm đến của tri thức thế giới…”.

Bài: Lê Ái Lâm - Lưu Mai Anh
Hội thảo đã thu hút gần 700 đại biểu tham dự.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ trao đổi, "kết nối" đại biểu tham dự với GS. Susan Schwab.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ trao đổi, "kết nối" đại biểu tham dự với GS. Susan Schwab.


Nhiều câu hỏi nêu ra...
Nhiều câu hỏi nêu ra...

..đã được GS.TS Susan Schwab nhiệt tình giải đáp.
...đã được GS.TS Susan Schwab nhiệt tình giải đáp.

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN, tặng hoa và cảm ơn GS.TS. Susan Schwab đã dành những tình cảm đặc biệt cho Nhà trường.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN, tặng hoa và cảm ơn GS.TS. Susan Schwab đã dành những tình cảm đặc biệt cho Nhà trường.

____________________________
BÀI LIÊN QUAN:


Bài: Lê Ái Lâm - Lưu Mai Anh Ảnh: Diệp – Anh