Các diễn giả có mặt tại tọa đàm
Đây là chủ đề của buổi tọa đàm do nhóm học sinh khóa 1991 - 1994 tại Hà Nội tổ chức tại phòng 801, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN chiều ngày 25/3.
Buổi tọa đàm có sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế; PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, ĐHKT; ông Nguyễn Vinh Trường - Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội; ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội; bà Nguyễn Minh Chi - Giảng viên ĐH Kiến trúc; bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - đại diện Tạp chí Thông tin và Phát triển.
Phụ huynh và học sinh rất quan tâm đến định hướng tương lai
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm đông đảo của các bậc phụ huynh có con đang học lớp 12 cũng như những em học sinh năm nay sẽ tham gia kỳ thi THPT trên địa bàn Hà Nội.
Mở đầu tọa đàm, ông Nguyễn Vinh Trường đã giới thiệu tổng quan về tình hình việc làm hiện nay, ngành nào đang khát nhân lực và ngành nào đang bão hòa. Ông Trường cũng cho biết, hiện nay nhu cầu lao động chất lượng cao đang là xu thế của thị trường lao động, các ngành lao động tay chân, trước nay không “hot” nhưng nếu có tay nghề cao vẫn có thể lương vài chục triệu một tháng như đầu bếp, thiết kế, cơ khí. Bên cạnh đó, các ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán nhu cầu lao động vẫn còn thiếu nhiều, tuy có nhiều trường đào tạo nhưng chỉ có sinh viên tốt nghiệp các trường top mới có việc làm ổn định, lương cao.
Đứng về phía cơ sở đào tạo, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú cho rằng, với việc cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, các cơ sở đào tạo phải có cuộc cách mạng hoàn toàn, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chất lượng cao để theo kịp với nhu cầu thị trường lao động. Hiện tại Khoa Tài chính - Ngân hàng đang đi theo hướng đó, dạy học bằng tiếng Anh, tăng cường thời gian thực tập thực tế cho sinh viên và đẩy mạnh học chuyển tiếp với các đại học nước ngoài, với mong muốn giúp sinh viên ra trường có đầy đủ kiến thức và kỹ năng để thực hành nghề nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, nhiều phụ huynh và học sinh đã đặt câu hỏi tới các vị diễn giả liên quan đến phương thức xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN cũng như những lợi ích mà sinh viên nhận được từ Nhà trường, ĐHKT sẽ làm những gì để trở thành bệ phóng giúp sinh viên tốt nghiệp vững bước tương lai.