Thông tin cho sinh viên
 
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN: Minh bạch, thuận tiện, tiết kiệm, an toàn

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và đoàn thanh tra kiểm tra một điểm thi tại Hà Nội, sáng ngày 2/6
Ngày 2/6/2015, các thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng của kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐHQGHN đợt 1. Đây được xem là bước đi quan trọng, căn bản đầu tiên trong quá trình thực hiện lộ trình đổi mới phương thức tuyển sinh của ĐHQGHN theo Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.


Từ ngày 30/5 đến ngày 2/6/2015 (dự phòng 3/6), ĐHQGHN tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2015, lấy kết quả xét tuyển vào các ngành đào tạo của ĐHQGHN.

Tính đến cuối ngày 2/6/2015 - ngày thi cuối cùng theo lịch, theo thống kê của Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐHQGHN, tổng số thí sinh có mặt dự thi là 43.369/45.350 em đăng ký, chiếm gần 96%. Ở 9 cụm với 21 điểm thi trên cả nước, sau 8 ca thi, tổng số thí sinh bị kỷ luật, đình chỉ thi là 9 em do cùng lỗi mang điện thoại vào phòng thi; có tất cả 119 thí sinh phải chuyển sang ca thi tiếp theo, chiếm 0,27% và chỉ có 1 trường hợp thí sinh ở Nghệ An phải chuyển ca thi vì lý do sức khỏe đã được các cán bộ y tế phục vụ kỳ thi hỗ trợ kịp thời. Các thí sinh thao tác sai trong quá trình làm bài thi hay gặp sự cố máy tính đều được chuyển sang ca thi tiếp theo, tập trung nhiều tại 3 cụm thi ở Hà Nội. Tại các cụm thi ở Nghệ An, Đà Nẵng hay Thái Nguyên… số thí sinh chuyển ca thi rất ít. Điều đó chứng tỏ trình độ công nghệ thông tin, yếu tố kỹ thuật không phải là trở ngại lớn với các em thí sinh ở vùng sâu vùng xa.

Kết quả sơ bộ tính toán về điểm số của thí sinh tại 5 điểm thi gồm Trường Đại học Công nghiệp (Hà Nội), Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Trường Đại học Vinh (Nghệ An), Trường Đại học Kiến trúc (Đà Nẵng) và trường Đại học Thái Nguyên (Thái Nguyên) cho thấy, trong tổng số 10.337 thí sinh dự thi, có 72,8% thí sinh đạt 70 điểm trở lên (trên tổng số 140 điểm); có 2 thí sinh đạt điểm cao nhất - 125/140 điểm tại điểm thi ở Nghệ An và ở Hà Nội.
Trong 4 ngày thi, tỷ lệ thí sinh dự thi đánh giá năng lực ổn định ở mức xấp xỉ 96% qua các ca thi cho thấy kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN theo phương thức mới đã được xã hội đồng tình ủng hộ và hưởng ứng cao. Đây cũng là tỷ lệ thí sinh đến dự thi tuyển sinh vào ĐHQGHN cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Các em đã rất hợp tác, nghiêm túc, tích cực và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ coi thi và Quy chế thi. Có thể nói, các thí sinh đã nhập cuộc chủ động, nghiêm túc và thích ứng tốt với hình thức thi trên máy tính. Hình thức thi mới này đã giúp hạn chế tối đa các tiêu cực trong thi cử, thí sinh không trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài, cũng không có em nào cố ý gây ra những trở ngại dù là nhỏ nhất trong quá trình thi và cũng không còn cảnh thí sinh mang phao vào phòng thi như trước đây, chứng tỏ tính minh bach cao của kỳ thi.

Sau khi thi, đa số thí sinh đều cho rằng hình thức thi mới tiện lợi, công bằng, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức rộng và đánh giá đúng, toàn diện năng lực của từng người.
Không có cán bộ nào vi phạm, bị kỷ luật; cũng không phát sinh sự cố an ninh nào. Trong 7 địa phương, không có cụm thi nào bị sự cố về điện, máy chủ và đường truyền. Không có trường hợp nào bị dừng, chuyển cả ca thi vì lý do kỹ thuật. Tổng số 7497 máy tính được huy động sử dụng (cả chính thức và dự phòng) chỉ có một số ít máy tính phát sinh lỗi trong quá trình vận hành.
Qua phân tích kết quả tại các điểm thi có thể thấy tỷ lệ trên 70% tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên, như vậy chứng tỏ tỷ lệ các câu hỏi khó, dễ là hợp lý, khả năng phân loại thí sinh của bộ đề là tốt. Sự phân hóa thí sinh cũng khá rõ ràng, bảo đảm yêu cầu đặt ra. Thí sinh tỏ ra hào hứng với cách ra đề.

Quang cảnh buổi làm việc với báo chí lúc chiều tối ngày 2/6/2015 sau khi kết thúc kỳ thi


Trao đổi với báo chí chiều tối ngày 2/6/2015, Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh năm 2015 của ĐHQGHN cho rằng có thể nói đây là bước đi quan trọng, căn bản đầu tiên của ĐHQGHN trong quá trình đổi mới phương thức tuyển sinh; đồng thời khẳng định kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2015 đã diễn ra thành công tốt đẹp, các vấn đề phát sinh không nằm ngoài tiên lượng của ĐHQGHN.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cũng ghi nhận, còn nhiều việc ĐHQGHN phải tiếp tục làm để hình thức thi mới ngày càng hoàn thiện hơn ở tất cả các khâu từ phần mềm, quy chế tuyển sinh, quy trình thao tác tới cấu trúc, ma trận đề; rút kinh nghiệm về việc phân bổ thời gian, phương tiện hỗ trợ thí sinh,…
Cũng theo Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn, có thể từ những năm sau, đề thi đánh giá năng lực sẽ dần dần được đưa vào nội dung thi một tỷ lệ nhất định những kiến thức bên ngoài chương trình phổ thông một cách phù hợp.
Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Thành công của kỳ thi này có được trước hết nhờ vào định hướng đúng, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ĐHQGHN và quyết tâm của toàn thể cán bộ, học sinh, sinh viên ĐHQGHN. Nhờ sức mạnh tập thể và sự chuẩn bị chu đáo, ĐHQGHN đã vượt qua mọi thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Kỳ thi này đã vượt lên trên việc yêu cầu tuyển sinh vào ĐHQGHN nói riêng, ĐHQGHN đã vào cuộc với tâm thế phấn đấu cho sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung. ĐHQGHN vẫn sẽ giữ vững triết lý, định hướng và phương pháp đã đề ra, nhưng sẽ có điều chỉnh chiều sâu về các yếu tố kỹ thuật…sao cho phù hợp hơn.
Với tinh thần cầu thị, chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe các góp ý của các nhà chuyên môn, nhà giáo, phụ huynh, đặc biệt là các em thí sinh để phương thức đổi mới tuyển sinh ngày càng hoàn thiện hơn”.



Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới. Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp,...
Đổi mới tuyển sinh theo phương thức Đánh giá năng lực (ĐGNL) ở ĐHQGHN là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết cũng như thể hiện được vai trò tiên phong của ĐHQHN trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Kỳ thi đánh giá năng lực được Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lộ trình đổi mới thi và đánh giá học sinh.
Từ kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, có thể khẳng định đây là thành công bước đầu của ĐHQGHN trong nỗ lực đổi mới thi cử theo hướng ngày càng khách quan, chính xác, công bằng, minh bạch, thuận tiện, đỡ tốn kém, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và cả xã hội.

Theo VNU Media