Thông tin cho sinh viên
 
Sinh viên ĐH Kinh tế sáng lập 2 doanh nghiệp về công nghệ thực tế ảo

Nguyễn Hữu Dũng chủ trì buổi họp trao đổi công việc với nhóm cộng sự. Ảnh: CTV
Đang là sinh viên năm thứ 3 Viện Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), Nguyễn Hữu Dũng đã tham gia sáng lập 2 doanh nghiệp về công nghệ thực tế ảo. Quan điểm của Dũng là tư duy làm chủ, nhưng trước khi làm chủ cần trải nghiệm nhiều công việc khác nhau để trang bị kỹ năng để trưởng thành.


>> Thăm quan các di sản văn hóa thế giới bằng công nghệ thực tế ảo

>> Khám phá 'thủ phủ' Ngọc Linh bằng công nghệ thực tế ảo

Trưởng thành từ những công việc làm thêm

Từ những ngày học cấp III, cậu học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định) Nguyễn Hữu Dũng đã đi làm thêm các công việc liên quan đến công nghệ. Bước chân vào giảng đường đại học, nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống sôi động ở Thủ đô, Dũng tìm việc làm thêm. Bằng sự tự tin và chững chạc, cậu sinh viên ĐHQG Hà Nội làm ở nhiều công ty khác nhau như: Topica, VCCorp…

Tháng 1/2017, Dũng cùng 3 cộng sự khởi nghiệp với dự án Revo360. Đây là dự án nhằm cung cấp dịch vụ chụp ảnh 360o và tạo chuyến tham quan ảo cho doanh nghiệp. Bằng việc sử dụng công nghệ chế độ xem phố (Street View) được hỗ trợ bởi Google Maps (hoặc bằng nền tảng tự công ty phát triển), khách hàng ngồi ở nhà nhưng vẫn có thể trải nghiệm được không gian nơi mình sẽ tới (bất kể không gian đó đã hoặc chưa xây dựng, với góc nhìn dưới mặt đất hoặc từ trên cao).

Dũng đảm nhận mảng kinh doanh, tiếp xúc với khách hàng, doanh nghiệp. Đây được xem là vị trí “xương”, bởi dự án mà Dũng và cộng sự khởi nghiệp ở lĩnh vực khá mới mẻ. “Nhiều lúc khách hàng không hiểu sản phẩm là gì và mang lại lợi ích gì cho họ. Vì vậy, em mất rất nhiều thời gian để giải thích và thuyết phục khách hàng hiểu về sản phẩm của mình”, Dũng chia sẻ.

Bằng sự nỗ lực, sau một thời gian, Revo360 đã có những khách hàng tiềm năng của mình, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, bất động sản. Tháng 6/2018, Dũng quyết định tách ra, thành lập một công ty khác cũng chuyên về lĩnh vực thiết kế nền tảng hỗ trợ công nghệ thực tế ảo, dễ sử dụng hơn cho mọi người, mang tên TAVIS.

Dũng cho rằng, thực tế ảo mặc dù xuất hiện khá lâu trên thế giới, từ khoảng những năm 1990 nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn rất ít và chưa chú ý việc xử lí, làm chủ dữ liệu gốc. “Thực tế ảo sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới. Đây là thị trường nhiều tiềm năng để phát triển”, Dũng nhận định.

Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất

Với TAVIS, ngoài nhân sự chính là những người đã có kinh nghiệm, đảm trách những vị trí quan trọng, Dũng tuyển dụng thêm 10 thực tập sinh là những sinh viên phụ trách các công việc chăm sóc website, fanpage, khách hàng, nghiên cứu đối thủ… Giải thích về việc tuyển dụng sinh viên vào làm việc, Dũng cho rằng, thực tế sinh viên hiện nay chỉ giỏi lý thuyết, còn kỹ năng, kiến thức thực tế rất yếu kém.

“Việc thành lập công ty, ngoài khát khao khởi nghiệp của bản thân, em mong muốn mình tạo thêm việc làm cho các bạn sinh viên để họ có môi trường trải nghiệm, trau dồi kỹ năng thực tế. Điều này vô cùng cần thiết đối với bất kỳ bạn sinh viên nào. Chỉ có va chạm thực tế, các bạn sinh viên mới biết nhu cầu công việc xã hội đang cần gì, từ đó các bạn có được sự định hướng, học tập, bổ sung kiến thức sao cho phù hợp với thực tiễn”, Dũng chia sẻ.

Nguyễn Hữu Dũng cho rằng khởi nghiệp đối với người trẻ, một trong những vấn đề khó khăn nhất là nguồn vốn tài chính và con người. Với Dũng, ngoài số tiền tích cóp được trong quá trình đi làm thêm, để có đủ vốn khởi nghiệp, Dũng phải nhờ thêm sự hỗ trợ từ bố mẹ, vay mượn bạn bè và gọi vốn từ nhà đầu tư.

“Từ khi khởi nghiệp đến giờ, em đã tìm đến trao đổi với 5 nhà đầu tư, 4 trong 5 số đó nhận lời, nhưng cuối cùng em chỉ chọn được 1. Ngoài những bất cập về thỏa thuận đầu tư kinh phí, hầu hết trong số họ muốn em phải làm toàn thời gian. Như vậy, có nghĩa là em phải bỏ học, hoặc gián đoạn việc học. Điều này, em không muốn. Em muốn vừa làm vừa được đi học. Việc học vô cùng quan trọng và thú vị với bản thân em, không chỉ có kiến thức mà còn tạo ra các mối quan hệ xã hội”, Dũng chia sẻ.

Đam mê khởi nghiệp nhưng Nguyễn Hữu Dũng luôn đặt việc học lên hàng đầu. Kết quả học suốt 3 năm của Dũng luôn đạt loại khá giỏi, với tổng số điểm 3.0/4.0 điểm. Dũng hiện là Chủ nhiệm CLB Quản trị kinh doanh của trường ĐH Kinh tế.

Dũng cho biết, suốt 3 năm sinh viên đại học chưa bao giờ có khái niệm ngủ nướng. Một ngày của Dũng thường bắt đầu từ 5 rưỡi sáng cho việc học và thực hiện những đam mê. “Các bạn sinh viên ước mơ làm lớn nhưng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Thay vì suy nghĩ ra trường kiếm công việc ổn định thì hãy trang bị kỹ năng, kiến thức, hoàn thiện bản thân ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường để làm chủ bản thân một cách tốt nhất”, Dũng nói.

Nguyễn Hữu Dũng cho biết, TAVIS là công ty công nghệ thực tế ảo. Dù chỉ mới thành lập trong thời gian ngắn, sản phẩm của TAVIS hiện đã được ứng dụng tại những dự án lớn như: Vinhomes Metropolis; không gian 360 Hải Âu Aviation Thủy phi cơ - Cảng Tuần Châu…

Xem bài gốc >>


Lưu Trinh (Tiền phong)