Trang Hợp tác phát triển
 
Thông điệp của Hiệu trưởng: Trường ĐHKT - ĐHQGHN năm 2013: "Đoàn kết, đồng lòng; Sáng tạo, đổi mới; Nắm bắt cơ hội; Vượt qua thách thức; Kiên trì mục tiêu phát triển chất lượng, hiệu quả”

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Năm 2012 là một năm đầy ý nghĩa đối với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (2007-2012) và hướng tới 40 năm truyền thống được tổ chức thành công đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.


Tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong các năm trước, với sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cùng các cấp lãnh đạo; với nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, Trường ĐHKT đã đạt được những kết quả khả quan trong năm 2012: Số lượng bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế tăng mạnh và đạt một số giải thưởng NCKH cấp Bộ và ĐHQGHN; Sinh viên khóa đầu tiên Chương trình đào tạo cử nhân đạt chuẩn quốc tế ngành Quản trị Kinh doanh tốt nghiệp; Thắng thầu nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước; Tổ chức và tham gia tổ chức các hội thảo quốc tế quy mô lớn, có sự lan tỏa cao (Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2012; Hội thảo sản xuất bền vững và quản trị môi trường; Hội thảo Việt Nam học); Giảng viên đầu tiên của Trường được bổ nhiệm ngạch Giảng viên cao cấp, 2 giảng viên của trường được công nhận chức danh Phó giáo sư; Tạo bước đột phá, triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác đào tạo ngắn hạn với các địa phương và doanh nghiệp (Thành phố Hà Nội; tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...); Tăng cường và mở rộng cơ sở vật chất,... Đặc biệt, Trường ĐHKT đã đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đơn vị đào tạo cấp quốc gia theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của ĐHQGHN và là đơn vị đầu tiên tự đánh giá chất lượng đơn vị đào tạo theo các tiêu chí AUN của Bộ tiêu chuẩn này.

Năm 2013 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Luật Giáo dục Đại học mới, Nghị quyết Trung ương 6 về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Kết luận về đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là năm đầu tiên địa vị pháp lý của ĐHQGHN được khẳng định bởi Luật với Nghị định mới và Quy chế hoạt động mới. Bối cảnh nói trên vừa mang lại những thuận lợi nhưng cũng đặt Trường ĐHKT trước những thách thức lớn. Thuận lợi vì mục tiêu phát triển của Trường hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung cũng như những nỗ lực đổi mới hướng đến chất lượng của ngành giáo dục. Thách thức bởichúng ta cần có khả năng thích nghi linh hoạt với sự thay đổi; khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của xã hội và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế và trong điều kiện chúng ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực giảng dạy cho một số ngành đặc thù; Hạn chế về cơ sở vật chất và những bất cập trong cơ chế, chính sách…

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phát huy tối đa sức mạnh sẵn có (đoàn kết, đồng lòng; sáng tạo, đổi mới), chủ động nắm bắt các cơ hội để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức nhằm đạt mục tiêu phát triển chất lượng và hiệu quả. Cụ thể là:

1. Vững tin và kiên trì mục tiêu phát triển: Vững tin về những thành quả đã đạt được, chúng ta cần phải nhận diện rõ thách thức, khó khăn mới để sẵn sàng vượt qua; thống nhất cao về những ưu tiên trong kế hoạch nhiệm vụ để có những giải pháp đột phá, kiên trì mục tiêu phát triển theo hướng chất lượng và hiệu quả trong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ tư vấn vì một Trường ĐHKT phát triển bền vững.

2. Rà soát, điều chỉnh và ban hành các văn bản quản lý phù hợp tình hình mới: Bắt nhịp với những thay đổi trong cơ chế chính sách của các Bộ, Ban, ngành, chúng ta cần rà soát, điều chỉnh và ban hành các văn bản quản lý nội bộ phù hợp đồng thời tạo sự thông suốt về thông tin trong quản lý; sự phối hợp nhịp nhàngtrong việc thực hiện các quyết sách mới của cấp trên; gắn kết mọi hoạt động của Nhà trường với kiểm định chất lượng; Xác định công tác quản lý, quản trị cần làm tốt như là mấu chốt quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động.

3. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH thông qua: Mở mới các chương trình đào tạo có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, phát huy được những lợi thế của Nhà trường; Thúc đẩy hơn nữa việc tham gia đấu thầu và đấu thầu thành công các đề tài, chương trình, dự án quốc gia hoặc quốc tế nhằm đẩy mạnh hướng nghiên cứu về phát triển bền vững; Tăng cường số bài báo công bố quốc tế gắn với các Hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế… Đẩy mạnh hoạt động tư vấn; Hoạt động đào tạo ngắn hạn cho các địa phương, bộ ngành trong đó chú trọng các chương trình phát triển của Chính phủ (như chương trình Tây Bắc, Tây Nguyên…) với tinh thần xuyên suốt vẫn là phải gắn hoạt động đào tạo với hoạt động nghiên cứu và thực tiễn.

4. Tiếp tục tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi: Chúng ta nỗ lực cao để cải thiện môi trường làm việc ở mức tốt nhất và hỗ trợ các nguồn lực để mỗi cá nhân và tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một môi trường làm việc tốt bao hàm: Cán bộ và giảng viên được tạo điều kiện thuận lợi để làm việc, giảng dạy và nghiên cứu; Được đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực bản thân và có cơ hội mở rộng quan hệ giao lưu; Cơ sở vật chất được hiện đại hoá phục vụ mọi mặt hoạt động; Văn hoá cộng đồng tốt tạo sức gắn kết tập thể lớn; Thu nhập tương xứng với sự cống hiến…

5. Tiếp tục duy trì sự đồng thuận, phát huy sức mạnh đoàn kết và trí tuệ tập thể: Sự đoàn kết, nhất trí cao, đặc biệt là sự quyết tâm của lãnh đạo cùng với năng lực, sự say mê và tâm huyết của các cán bộ, giảng viên là điều kiện có tính quyết định sự thành công trong tất cả các hoạt động của Nhà trường. Do đó, chúng ta cần chú trọng việc duy trì và đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, công tác lãnh đạo và chỉ đạo các hoạt động của Nhà trường để khích lệ các cá nhân đóng góp trí tuệ đồng thời tạo được sự thống nhất cao trong toàn Trường.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến ĐHQGHN ngày một phát triển với những chủ trương, định hướng đúng đắn, trong vai trò đầu tàu dẫn dắt và kết nối các đơn vị thành viên. Chúng ta tự hào khi thấy Trường ĐHKT đã nhanh chóng hòa nhịp với sự phát triển chung của ĐHQGHN, được lãnh đạo ĐHQGHN tin tưởng, đầu tư và giao thực hiện những nhiệm vụ “mới”. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục duy trì tinh thần “tiên phong”, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chúng ta cũng kỳ vọng vào những “thay đổi có tính chất lan tỏa” tiếp theo của ĐHQGHN vì sự phát triển của ĐHQGHN nói chung, các trường đại học thành viên nói riêng và mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ; sự đầu tư có hiệu quả của ĐHQGHN cho Trường ĐHKT.

Tôi tin tưởng rằng, với nền tảng là thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, với trí tuệ, sức trẻ, đoàn kết; với “tinh thần UEB: Sáng tạo – Đột phá – Chất lượng – Hiệu quả”; chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn thách thức, cùng nhau hướng về phía trước và sẵn sàng hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2013.

Chúc một năm mới thịnh vượng sẽ đến với Trường ĐHKT và ĐHQGHN!


PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN


Các tin khác