“Nếu lựa chọn tổ hợp xét tuyển không phù hợp với năng lực, các em sẽ theo học rất vất vả, và thực tế đã có những em phải “đúp” hoặc chuyển ngành vì không theo học nổi hết chương trình đào tạo. Sẽ là lãng phí thời gian, tuổi trẻ và tiền bạc cho thí sinh và ảnh hưởng tới chất lượng cũng như uy tín của cơ sở đào tạo”.
Đó là ý kiến chia sẻ của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN với các thí sinh trong mùa tuyển sinh 2018.Tuyển sinh năm 2018, thí sinh như lạc vào “ma trận” tổ hợp xét tuyển của các trường đại học nên rất lúng túng cho việc lựa chọn. Chia sẻ với các thí sinh, GS. Nguyễn Đình Đức cho rằng, tổ hợp xét tuyển mới hay truyền thống không quan trọng bằng việc xem xét năng lực và kiến thức của mình có phù hợp với ngành học hay không.
“Nếu chọn ngành toán hoặc CNTT mà chọn tổ hợp Văn, Sử, Địa, là không phù hợp. Nhưng nếu thí sinh chọn ngành báo chí chẳng hạn, trước kia chọn khối C (Văn, Sử, Địa) mà nay lại chọn tổ hợp Toán, Văn, Ngoại ngữ, “lạ” so với truyền thống, nhưng lại rất phù hợp”.
Chính vì vậy, GS Đức khuyên các thí sinh nên nghiên cứu kỹ thông tin tuyển sinh của các Trường ĐH, CĐ, tương ứng; tìm hiểu kỹ các chương trình đào tạo mà các em muốn theo học, xem mình có phù hợp không để cân nhắc lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như lựa chọn ngành nghề cho phù hợp.
- Năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự chủ trong việc xác định tổ hợp xét tuyển, vậy theo ông số lượng 4 tổ hợp cho mỗi ngành/nhóm ngành có nhiều không?
Việc cho phép các trường tự chủ trong việc xác định tổ hợp xét tuyển nhằm khuyến khích các trường tự chủ trong tuyển sinh. Đồng thời chủ động nghiên cứu các phương án và lựa chọn được những thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất vào học.
Chủ trương này theo tôi là phù hợp vì hiện nay việc thiết kế chương trình đào tạo hướng tới năng lực làm việc toàn diện, theo yêu cầu chuẩn đầu ra, vị trí việc làm của từng ngành đào tạo.
Và xu thế chung là bên cạnh các kiến thức chuyên ngành, yêu cầu người học cần có kiến thức tổng hợp, toàn diện hơn, thể hiện được năng lực làm việc tốt nhất khi ra trường. Điều này đồng nghĩa với việc đầu vào của các em cũng mở hơn, giúp các em ở phổ thông sẽ tránh được việc học lệnh, học tủ và phát huy tốt nhất tư chất của từng cá nhân.
Số lượng 4 tổ hợp cho mỗi ngành/nhóm ngành nhiều hay ít không quan trọng mà phải xem tổ hợp đó có đáp ứng được yêu cầu xét tuyển, yêu cầu học tập ở bậc đại học của ngành học mà thí sinh lựa chọn hay không.
- Vậy ĐHQGHN xác định các tổ hợp xét tuyển dựa vào những tiêu chí nào?
Hiện nay ĐHQGHN và các trường đại học thành viên trong ĐHQGHN cũng chủ động xây dựng đề án tuyển sinh riêng của từng trường trình Bộ GDĐT. Các đề án tuyển sinh đảm bảo nguyên tắc tuyển đúng, tuyển đủ thí sinh có chất lượng tốt theo học.
Với đặc thù các trường trong ĐHQGHN có nhiều ngành đào tạo khoa học cơ bản, vì thế các trường ngoài chọn các tổ hợp truyền thống còn tập trung, mở rộng vào các tổ hợp khối thi theo lĩnh vực Khoa học Tự nhiên, Khoa học xã hội, Toán, Ngoại ngữ,… theo nguyên tắc và mục tiêu cao nhất là tuyển được thí sinh đảm bảo các điều kiện chất lượng đầu vào, phù hợp với các ngành đào tạo trong ĐHQGHN.
Tùy theo từng lĩnh vực Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội, Kinh tế - Luật, Ngoại ngữ,… sẽ có những tổ hợp xét tuyển khác nhau, nhưng tổ hợp xét tuyển phải có một môn chính (Toán, Văn hoặc Ngoại ngữ).
Môn xét tuyển phải phù hợp với ngành/nhóm ngành xét tuyển (không thể dùng tổ hợp 3 môn xã hội như Văn, Sử, Địa để xét tuyển vào các ngành tự nhiên/kỹ thuật/kinh tế - những ngành đòi hỏi thí sinh phải có kiển thức cơ bản về KHTN, hoặc với các ngành hóa, y đa khoa, dược nhất thiết trong tổ hợp phải có môn hóa hoặc sinh,…).
- Theo ông, việc xác định tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo gây khó khăn gì cho thí sinh và nhà trường?
Là một người đã và đang nhiều năm giảng dạy các em sinh viên trên giảng đường đại học, tôi thấy việc lựa chọn môn tuyển sinh đầu vào có ý nghĩa rất quan trọng.
Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy nếu các em không có thiên hướng về toán hoặc KHTN sẽ rất khó khăn khi theo học các ngành như toán, CNTT, cơ học, tự động hóa,…
Các em sẽ theo học rất vất vả, và thực tế đã có những em phải “đúp” hoặc chuyển ngành vì không theo học nổi hết chương trình đào tạo. Sẽ là lãng phí thời gian, tuổi trẻ và tiền bạc cho thí sinh và ảnh hưởng tới chất lượng cũng như uy tín của cơ sở đào tạo.
Theo nhận định của tôi và từ kinh nghiệm tuyển sinh của ĐHQGHN, việc xác định tổ hợp xét tuyển ngoài việc dựa vào các tổ hợp truyền thống, còn bổ sung một số tổ hợp mới nhưng cơ bản vẫn là những tổ hợp môn gần, sát với tổ hợp truyền thống.
Ngoài ra, khi xây dựng và nghiên cứu để có chương trình đào tạo mới, các cơ sở đào tạo đều đã phải tuân thủ theo quy định yêu cầu đầu vào và chuẩn đầu ra nên việc lựa chọn các tổ hợp đều có cơ sở và có căn cứ.
Còn nếu có chuyện tổ hợp xét tuyển không liên quan gì đến ngành đào tạo thì thực sự sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Ví dụ: Sinh viên học ngành Toán mà lại chọn tổ hợp xét tuyển là (Văn, Sử, Địa) thì có vấn đề rồi. Vì vậy, việc lựa chọn tổ hợp đầu vào là việc cần cân nhắc từ cả hai phía: từ các em thí sinh và các cơ sở đào tạo.
- Xin cám ơn ông!