Sáng ngày 6/4/2020, lớp học Kinh tế quốc tế thuộc Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (FIBE) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu giảng dạy đã đón chào một vị khách hết sức đặc biệt đến từ Đại học Toàn cầu O.P.Jindal (JGU), Ấn Độ - thầy Rahul Bhandari.
Thầy Rahul
Bhandari là Phó Giám đốc Phòng Quan hệ quốc tế, Đại học Toàn cầu O.P.Jindal
(JGU), Ấn Độ. Đồng thời, ông cũng là Giám đốc Quan hệ Quốc tế, SPECS, Vương
quốc Anh. Làm việc tại JGU, ông Rahul chịu trách nhiệm khởi xướng và duy trì
các hợp tác chiến lược với các nước ASEAN, Châu Âu, Châu Phi, New Zealand, Anh,
Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và Châu Á. Ông cũng tham gia vào việc mở rộng các
mối quan hệ của JGU với hơn 260 tổ chức đối tác trải rộng trên 55 quốc gia. Trong
lĩnh vực giảng dạy, thầy Rahul tham gia giảng dạy những vấn đề liên quan đến quan
hệ quốc tế tại các trường đại học khác nhau ở châu Á.
Thầy Rahul
Bhandari tại lớp học trực tuyển với sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Trong buổi học này, nhiều vấn đề về thuế quan và các biện
pháp phi thuế quan đã được thầy Rahul đưa ra thảo luận cùng bạn sinh viên. Đây
chính là nội dung bài giảng số 4 và số 5 của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu trong môn
học này. Đặc biệt, trên cơ sở các lí thuyết, thầy Rahul cũng giới thiệu về các
hàng rào trong thương mại quốc tế và mục tiêu của các quốc gia khi sử dụng các
hàng rào thương mại. Bên cạnh đó, thầy Rahul đã phân tích nghiên cứu trường hợp
về căng thẳng thương mại giữa Ấn Độ và Mỹ. Việc này đã giúp sinh viên hiểu rõ
hơn một trong những vấn đề nảy sinh trong chính sách đối ngoại trên thế giới.
Cụ thể, đối với trường hợp thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ, hai
bên trong nhiều năm đã không thoả thuận được về mức thuế nhập khẩu song phương
và các biện pháp giới hạn đầu tư nước ngoài cũng như các vấn đề phức tạp hơn
trong thương mại hàng nông sản. Đặc biệt, Donald Trump làm căng thẳng giữa hai
bên gia tăng khi quan tâm đến thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ và đã bãi bỏ
áp dụng GSP cho Ấn Độ, gây khó khăn cho Ấn Độ trong việc xuất khẩu sang Mỹ. Thầy
Rahul cũng giải thích về những thiệt hại mà cả Mỹ và Ấn Độ phải chịu khi Mỹ áp
đặt các biện pháp hạn chế lên Ấn Độ. Trong quá trình giảng bài, thầy Rahul cũng
thảo luận đến các lợi thế của Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Các bạn sinh viên đã bày tỏ sự quan tâm lớn tới các vấn
đề xoay quanh các chính sách đối ngoại giữa Mỹ và Ấn Độ và đặt ra rất nhiều câu
hỏi như: Mỹ đánh thuế vào Ấn Độ như thế nào? Tác động của chính sách thuế quan
đó ra sao? Ấn Độ áp dụng thuế cao vào những hàng hoá nào? Quan hệ thương mại
giữa Ấn Độ và Việt Nam hiện nay ra sao? Những lĩnh vực đầu tư tiềm năng giữa
hai quốc gia là gì? Không khí lớp học chưa bao giờ sôi nổi như thế.
Trong bối cảnh dịch Covid 19 đang diễn biến phức tạp,
những buổi học online thú vị như vậy càng trở nên hữu ích đối với các sinh viên
FIBE và được sinh viên chúng em đón nhận nhiệt tình. Đặc biệt, với định hướng quốc
tế hoá giáo dục nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức đa dạng thông qua những
buổi học đạt chuẩn quốc tế, những buổi học online như vậy chắc chắn sẽ còn tiếp
tục được tổ chức cho không chỉ các sinh viên FIBE, mà cho cả sinh viên ĐHKT.
Còn các bạn thì sao? Buổi học online của bạn đang diễn ra
như thế nào? Nếu các bạn học online mà vẫn muốn tham gia học tập từ các giảng
viên nước ngoài, thì mời bạn đến tham dự một buổi học online của FIBE-ers chúng
tớ nhé!