Buổi làm việc đã tháo gỡ được nhiều vấn đề còn vướng mắc
Đây là 1 trong nhiều ý kiến được đưa ra trong buổi thảo luận Đẩy mạnh trao đổi sinh viên nước ngoài tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN ngày 6/12/2018.
Buổi thảo luận do PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng chủ trì, và có sự hiện diện của các Trưởng, Phó Phòng/Khoa/Viện cùng một số chuyên viên chuyên trách.
Một thực tế đặt ra đó là, tại một số chương trình trao đổi sinh viên nước ngoài, sinh viên “ngại” đăng ký tham gia bởi vì không được công nhận tín chỉ, khi tham gia chương trình trao đổi SV xong và về nước, sinh viên phải học lại các môn học còn nợ. Chính điều này đã tạo ra rào cản, khiến cho số lượng sinh viên hăng hái tham gia các chương trình trao đổi với đối tác nước ngoài chưa được đông đảo. Một lý do nữa đó là, sinh viên chưa tìm hiểu đầy đủ, chưa được tư vấn đầy đủ, hoặc chưa được phổ biến thông tin trước khi chọn môn học bên trường đối tác dẫn đến bỏ lỡ việc học các môn tương đương và học “thừa” những môn không tương đương.
Đứng trước vấn đề này, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - PGS.TS Nguyễn Trúc Lê cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa truyền thông nội bộ, chính việc thông tin chưa lan tỏa mạnh mẽ khiến cho sinh viên không được tư vấn môn học. Ông đề nghị Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển làm đơn vị tư vấn cho sinh viên chọn môn học trước khi ra nước ngoài trao đổi để khi sinh viên trở về nước, Trường có đủ căn cứ công nhận tín chỉ tương đương cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên ra trường đúng thời hạn.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê chủ trì buổi làm việc
Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê yêu cầu các Khoa/Viện và cả sinh viên đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông hình ảnh sinh viên quốc tế đến ĐH Kinh tế học tập. Ước tính, mỗi năm học có hàng chục đoàn sinh viên quốc tế đến ĐHKT giao lưu, học chuyển đổi, trong đó có cả học viên cao học lẫn nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ rất nhiều quốc gia như Pháp, Nhật, Đức, Ba Lan, Srilanka… tạo nên một môi trường quốc tế hóa năng động tại ĐHKT nhưng công tác truyền thông nhằm lan tỏa điều này đâu đó vẫn chưa được đẩy mạnh, thống nhất.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế đóng góp ý kiến về việc xây dựng đề cương môn học và slide trình chiếu. Theo PGS. Khôi, đề cương của một số môn đã lạc hậu, chậm hơn so với quốc tế. Ông kiến nghị phải nhanh chóng chỉnh sửa để có sự thống nhất giữa đề cương quốc tế và đề cương môn học tại ĐHKT. Đối với slide, PGS. Khôi cũng bày tỏ băn khoăn rằng hiện tại có môn có tới 3, 4 slide của nhiều thầy cô, thậm chí một số nội dung cứng còn chưa thống nhất, nên và cần thống nhất thành 1 slide, có khác chỉ là khác cách truyền đạt kiến thức của từng thầy cô.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi cho rằng nên xem lại đề cương một số môn học
TS. Nguyễn Hương Liên - Phó Chủ nhiệm Khoa Kế toán - Kiểm toán đã đề xuất tăng số môn học bằng tiếng Anh của sinh viên hệ CLC, và đối với sinh viên quốc tế đến ĐHKT sau khi kết thúc khóa học cần phải có bảng khảo sát chất lượng thể hiện tính khách quan từ góc nhìn người học. Ngoài ra, TS. Liên cũng mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với ĐH Cracow (Ba Lan) trong đào tạo cử nhân Kế toán, sớm có những đoàn sinh viên ĐHKT sang Ba Lan và ngược lại.
TS. Hương Liên (ngồi giữa) cho rằng cần tăng số môn học bằng tiếng Anh
Lắng nghe ý kiến của TS. Liên, PGS.TS Lê Trung Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Phát triển rất tán thành và cho rằng không chỉ riêng ĐH Cracow mà trong thời gian tới ĐHKT sẽ hợp tác với một số trường nổi tiếng khác của Ba Lan. “Vấn đề quan trọng nhất đó là chúng ta phải đẩy mạnh công nhận tín chỉ cho sinh viên, thậm chí sinh viên hệ liên kết (ĐH Troy) cũng được tham gia trao đổi với nước ngoài (hợp tác 3 bên) như sinh viên hệ chính quy, bên cạnh đó là đẩy mạnh đào tạo liên ngành và phải gắn được với nghiên cứu quốc tế” PGS.TS Thành bày tỏ quan điểm.
Buổi làm việc diễn ra trong không khí sôi nổi
Về phía Khoa Kinh tế Chính trị, khoa có số lượng sinh viên đông đảo, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Chủ nhiệm khoa cho biết, hiện tại sinh viên quốc tế đến ĐHKT rất đông, có thể nói là càng ngày càng nhiều lên như cấp số nhân, vì vậy để tiếp tục thu hút, là địa chỉ đỏ cho sinh viên quốc tế lựa chọn, PGS Hiệp đề xuất nên đưa nhiều các môn tự chọn cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là các môn về lịch sử, văn hóa, đây là các môn mà sinh viên quốc tế rất thích học và mang tính đặc trưng. Ngoài ra, các Khoa/Viện có thể chuyển đổi cách quản lý sinh viên quốc tế như mô hình của Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Quốc tế (CITE), đẩy mạnh study tour, đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên quốc tế. “Tôi tình cờ gặp sinh viên quốc tế ở trường ta ở rất nhiều nơi như sân bóng, công viên, khu du lịch, bản thân họ đến Việt Nam không chỉ để học mà còn để tìm hiểu văn hóa đất nước chúng ta, chính vì vậy chúng ta nên tận dụng các hoạt động này để gắn kết sinh viên quốc tế” PGS. Hiệp chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp bộc bạch
Tóm tắt lại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê ghi nhận những đóng góp tích cực của các lãnh đạo Khoa/Phòng/Viện và cho rằng đây đều là những đóng góp Đúng và Trúng, nhiều vấn đề thậm chí đã được mổ xẻ từ lâu nhưng chưa giải quyết được dứt điểm. Ông cũng khẳng định rằng, với chủ trương quốc tế hóa giáo dục đã được truyền thông tới toàn bộ sinh viên và xã hội, Nhà trường sẽ nhanh chóng giải quyết những vấn đề còn tồn tại như công nhận tín chỉ, thiết kế thêm study tour… để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên ĐHKT tham gia trao đổi và thu hút sinh viên quốc tế về ĐHKT.