Trang Đào tạo đại học
 
Trao đổi sinh viên - Trải nghiệm làm sinh viên quốc tế, tại sao không?

Ekonomikum Campus - nơi học tập của sinh viên khối ngành Kinh tế tại ĐH Uppsala, Thụy Điển
Trao đổi sinh viên là hoạt động được Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN triển khai nhằm tạo cơ hội để sinh viên được trải nghiệm và học tập tại nước ngoài. Là một sinh viên ĐHKT đã tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, Nguyễn Phương Linh (QH-2013-E QTKD CQT) đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Hãy cùng trò chuyện với Phương Linh để hiểu rõ hơn về hình thức du học dạng trao đổi này nhé!


- Chào Linh, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân mình được không?

Mình là Phương Linh, hiện đang là sinh viên năm cuối của Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Vào thời điểm này năm ngoái mình may mắn được chọn trở thành học sinh trao đổi tại Đại học Uppsala, Thụy Điển. Mình mê viết, thích kể chuyện, vì thế rất vui khi có cơ hội chia sẻ về khoảng thời gian đặc biệt tại đất nước Bắc Âu xinh đẹp mà mình đã trải qua.

- Mình được biết bạn đã hoàn thành kỳ học trao đổi tại Đại học Uppsala, Thụy Điển. Điều ấn tượng nhất của bạn sau quá trình trao đổi là gì?

Có 4 điều về đất nước, con người Thụy Điển nói chung và Trường Uppsala mình theo học nói riêng mà mình luôn ghi nhớ và khâm phục, đó là: Lối suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo, tranh luận thẳng thắn; tinh thần cầu tiến, học hỏi không ngừng; tôn trọng tuyệt đối và đề cao quyền con người; lối sống cân bằng, văn minh, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, người dân Thụy Điển đặc biệt dễ mến, văn minh và hiền hòa, ai nấy đều thành thạo tiếng Anh và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Có một điều đặc biệt là lớp mình theo học hội tụ sinh viên quốc tế từ Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ, do đó, mặc dù học ở Thụy Điển nhưng mình lại có cơ hội được giao lưu văn hóa, học hỏi, kết bạn và làm việc với các bạn sinh viên tới từ khắp các châu lục trên thế giới.

 

 
Bữa cơm Việt Nam cùng các sinh viên quốc tế
 
- Phương Linh có thể chia sẻ những khó khăn đã gặp trong quá trình chuẩn bị cũng như quá trình sống và học tập tại Thụy Điển được không?

Khó khăn lớn nhất mình gặp phải trong quá trình chuẩn bị là việc xin visa. Lời khuyên chân thành cho các bạn là hãy chuẩn bị hồ sơ càng sớm càng tốt, và lựa chọn hình thức đăng ký visa online (nếu có). Chú ý giữ liên lạc chặt chẽ với trường mà bạn sẽ sang trao đổi để được hỗ trợ tối đa nếu xảy ra sự cố như chậm trễ hoặc thậm chí bị từ chối visa một lần như mình.

Và có lẽ chỉ khi tham gia trao đổi mình mới thấu hiểu sự khó khăn của hàng loạt “lần đầu tiên” đến thế. Ví dụ như lần đầu tiên mình chống chọi với thời tiết khắc nghiệt tới -20 độ C, đi bộ trên băng, đạp xe trên tuyết đến cứng đờ tay chân. Lần đầu tiên mình cần tính toán và lên kế hoạch cực kỳ chi ly về vấn đề chi tiêu hàng ngày, để làm sao vừa đủ chi trả sinh hoạt phí đắt đỏ, vẫn đủ thưởng thức những điều thú vị của đất nước Thụy Điển, lại đủ tiết kiệm để khám phá khắp trời Âu. Lần đầu tiên mình cảm thấy căng thẳng tột độ trong một lớp học đa sắc tộc, khi ai cũng làm hết sức và thể hiện hết mức, vì nhận thức được bản thân chính là hình ảnh đại diện cho đất nước mình, cùng vô vàn những lần đầu tiên khác mà mình không thể kể hết.

Sống xa nhà, khác biệt văn hóa, chênh lệch kinh tế, khí hậu khắc nghiệt, nhiều lúc bạn cần phải nỗ lực 200% để thích nghi và hòa nhập với cuộc sống mới. Tuy nhiên, khi đã quen và “khôn ngoan” dần lên, mọi thứ đều lần lượt đi vào quỹ đạo vô cùng nhanh chóng và dễ dàng. Bởi không gì khác, mà chính những khó khăn, thách thức khi đi trao đổi mới là những thứ khiến bạn trưởng thành nhanh chóng.

 

- Bên cạnh những khó khăn, chắc hẳn còn có những thuận lợi và cơ hội bạn được trải nghiệm tại Thụy Điển. Bạn có thể chia sẻ với độc giả?

Thuận lợi và cơ hội luôn cực kỳ nhiều, chắc chắn rồi. Về việc học, tất cả sinh viên trao đổi đều được cung cấp tài khoản truy cập miễn phí vào hệ thống thư viện, với nguồn tài liệu trực tuyến bất tận, trải khắp các lĩnh vực. Đặc biệt thư viện online của Đại học Uppsala là nguồn thông tin chính thống và tin cậy, phục vụ đắc lực cho việc học tập và nghiên cứu trên lớp. Bên cạnh đó, nền giáo dục Thụy Điển nói riêng và phương Tây nói chung thật sự nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập, thay vì áp đặt và bắt ép học tập. Sinh viên đi học không cạnh tranh với nhau, mà “cạnh tranh” với chính bản thân mình để tự phấn đấu và hoàn thiện.

Tham gia trao đổi sinh viên cũng là một cơ hội quý giá để mang bản sắc văn hóa Việt Nam tới gần hơn với bạn bè quốc tế. Đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, trải nghiệm nhiều điều mới, bạn sẽ nhận ra tầm quan trọng của việc trở thành “công dân toàn cầu”, biết mở rộng lòng để đón nhận khác biệt, hiểu rõ hơn về bản thân và thêm tự hào về nguồn cội của mình.

 

 

Phương Linh trong chuyến thăm quan thủ đô Stockholm, Thụy Điển
 
- Để thu về những trải nghiệm thú vị và đặc sắc như vậy tại Thụy Điển, chắc hẳn Phương Linh đã phải chuẩn bị rất kỹ cho hành trình này. Theo bạn, một quy trình với các bước như thế nào là phù hợp nhất để chuẩn bị tham gia chương trình trao đổi?

Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin. Nguồn thông tin gần gũi và phù hợp hơn cả chính là website của Trường ĐHKT và các Khoa/Viện, các thông báo được gửi hàng tuần từ điều phối viên. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm nhiều kênh khác như Youth Opportunities, Ybox, các nhóm trao đổi thông tin trên mạng xã hội và chia sẻ của các anh chị đi trước.

Sau khi đã có đầy đủ thông tin (về quốc gia mình sẽ tới, chuyên ngành mình theo học, thời gian trao đổi, chi phí, mức độ phù hợp với bản thân…), bạn cần lập ra 1 danh sách những thủ tục cần làm và lần lượt hoàn thành từng đầu mục tùy theo yêu cầu của mỗi chương trình. Để hạn chế những rủi ro như thiếu giấy tờ, sót chữ ký, thất lạc hồ sơ… ngoài việc cẩn thận từ đầu, hãy nộp hồ sơ TRƯỚC thời hạn, tránh tình trạng bị động và không thay đổi được gì vào phút chót.

Khi đã trúng tuyển, những việc tiếp theo đơn giản hơn nhiều, cần làm đúng và đủ theo yêu cầu mà trường đối tác đặt ra (ví dụ: đăng ký môn học, nơi ở,…). Trong thời gian chờ đợi, nhớ tranh thủ học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, tìm hiểu về văn hóa, tham gia vào các cộng đồng du học sinh, cựu học sinh ở nước ngoài để được hỗ trợ tối đa trong thời gian mới sang còn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ.

Ngoài ra, cũng đừng quên nghiên cứu kỹ về chương trình học tập ở nước ngoài, và quyền lợi của bạn nếu được chuyển điểm về Việt Nam nữa.

 

 
Các sinh viên Viện Quản trị Kinh doanh, ĐHKT từng tham gia trao đổi tại ĐH Uppsala, Thụy Điển
 
- Phương Linh có lời khuyên nào gửi đến các bạn sinh viên quan tâm tới những chương trình trao đổi không?

Các bạn đừng chần chừ. Nếu đã có ý tưởng, hãy bắt tay hành động ngay để biến những điều đó thành hiện thực, như một câu mà mình vẫn luôn hỏi bản thân mỗi ngày: “Nếu không phải là lúc này, vậy khi nào?”. Cơ hội có nhiều và luôn rộng mở, bởi thế cũng đừng nản chí nếu thất bại lần đầu. Mình tin rằng nếu bạn thật sự mong muốn điều gì thì bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn sẽ tìm ra được lối đi phù hợp. Cuối cùng, chúc các bạn may mắn trên hành trình “săn” học bổng trao đổi và luôn tin tưởng vào những lựa chọn của mình!

- Cảm ơn Phương Linh đã tham gia buổi phỏng vấn. Chúc bạn luôn luôn vui vẻ và thành công trên con đường mà mình đã chọn!


Bùi Thị Hương Giang, Trần Hoàng Dũng Khúc Cẩm Linh, Hoàng Vinh Quang (Viện QTKD)