Trang Đào tạo đại học
 
Thông báo: Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 9/2021)

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN xin trân trọng thông báo những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 9/2021)


1. Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ
a) Hiệu lực thi hành: Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 15/10/2021 và thay thế Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014.
b) Đối tượng áp dụng: Các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ thạc sĩ; Các tổ chức, cá nhân có liên quan.
c) Nội dung cơ bản:
   Ngày 30/8/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ.
   Theo đó, quy định hình thức và thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ như sau:
- Về hình thức đào đạo:
+ Hình thức đào tạo chính quy áp dụng cho chương trình định hướng nghiên cứu và chương trình định hướng ứng dụng.
+ Hình thức đào tạo vừa làm vừa học áp dụng cho chương trình định hướng ứng dụng.
   Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy đối với mỗi hình thức đào tạo thực hiện theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT.
- Về thời gian đào tạo:
+ Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa phải phù hợp với thời gian quy định trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời bảo đảm đa số học viên hoàn thành chương trình đào tạo;
+ Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với hình thức đào tạo vừa làm vừa học dài hơn ít nhất 20% so với hình thức đào tạo chính quy của cùng chương trình đào tạo;
+ Thời gian tối đa để học viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo nhưng không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo...
>> Xem văn bản chi tiết tại đây.
 
2. Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 9 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc sửa đổi Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam kèm theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT được ban hành.
a) Hiệu lực thi hành: Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/10/2021 và sửa đổi Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017.
b) Đối tượng áp dụng: Các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ; các sở giáo dục và đào tạo; các đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
c) Nội dung cơ bản:
   Ngày 08/9/2021, Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam kèm theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT được ban hành.
   Theo đó, đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ bao gồm:
- Đối với định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, gồm:
+ Cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài) hoặc sư phạm tiếng nước ngoài (thuộc nhóm ngành Đào tạo giáo viên);
+ Đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ.
- Đối với định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (dành cho học sinh phổ thông), gồm:
+ Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học - ngoại ngữ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở GĐ&ĐT (nếu được Chủ tịch UBND tỉnh uỷ quyền) thành lập.
   Như vậy, các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ không còn được tổ chức thi đánh giá năng lực từ bậc 1 đến bậc 3 nữa.
   Ngoài ra, từ ngày 01/7/2023 sẽ không còn hình thức thi trên giấy đối với các kỹ năng nghe, đọc, viết như quy định hiện nay mà thay vào đó đều được tổ chức thi trên máy vi tính.
>> Xem văn bản chi tiết tại đây.
 
3. Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hợp nhất Thông tư về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/8/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập thuộc diện được hưởng học bổng và trợ cấp xã hội; các tổ chức và cá nhân có liên quan.
c) Nội dung cơ bản:
   Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1998, được sửa đổi, bổ sung bởi:
   1. Quyết định số 239/1999/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung, sửa đổi khoản a Điều 1 của Quyết định số 1121/1997/ QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2000.
   2. Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.
   3. Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học quy định tại Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 5 năm 2006.
>> Xem văn bản chi tiết tại đây.
 
4. Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hợp nhất Thông tư quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/8/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục gồm: các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng; các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trực thuộc Bộ; các tổ chức và cá nhân có liên quan.
c) Nội dung cơ bản:
   Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi:
   1. Thông tư số 25/2019/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
   2. Thông tư số 14/2021/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 25/2019/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2021.
>> Xem văn bản chi tiết tại đây. 
 
5. Công văn số 3761/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 31 tháng 8 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2021-2022
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/8/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Các Sở Giáo dục và Đào tạo; Các Đại học, Học viện, Trường Đại học, Trường Cao đẳng sư phạm.
c) Nội dung cơ bản:
Công văn số 3761/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 31 tháng 8 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2021-2022 như sau:
Về các nhiệm vụ:
   (1) Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục;
   (2) Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng của học sinh, sinh viên;
   (3) Tăng cường triển khai xây dựng văn hóa học đường;
   (4) Đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống;
   (5) Nâng cao hiệu quả, hình thức, biện pháp triển khai công tác phối hợp nhà trường gia đình và xã hội;
   (6) Tăng cường hỗ trợ tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học;
   (7) Bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường;
   (8) Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội;
   (9) Bảo đảm các chính sách cho học sinh, sinh viên;
   (10) Triển khai hoạt động tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Về các giải pháp:
   (1) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Bộ GD&ĐT;
   (2) Nâng cao hiệu quả bộ máy, tổ chức;
   (3) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên;
   (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý;
   (5) Đẩy mạnh công tác truyền thông...
>> Xem văn bản chi tiết tại đây.
 
6. Công văn số 3825/BGDĐT-PC ngày 06 tháng 9 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021-2022 về công tác pháp chế
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 06/9/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Các đại học, học viện; trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; Các sở giáo dục và đào tạo.
c) Nội dung cơ bản:
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 về công tác pháp chế như sau:
   1. Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ người làm công tác pháp chế và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy định.
   2. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đặc biệt là các văn bản dưới luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GDĐT). Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và yêu cầu của thực tiễn để xác định các lĩnh vực cần ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.
   3. Chủ động rà soát VBQPPL luật theo từng chuyên đề để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn phù hợp với các văn bản cấp trên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thiết lập hệ thống pháp luật về giáo dục đồng bộ, hiệu quả.
   4. Đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về giáo dục của địa phương, sở, trường để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật.
   5. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; xác định giáo dục pháp luật là tiền đề mang tính quyết định đến việc hình thành và nâng cao ý thức pháp luật cho mọi người...
>> Xem văn bản chi tiết tại đây.
(Cập nhật đến ngày 14 tháng 9 năm 2021)
 
 
 

Phòng Thanh tra Pháp chế