Bài báo “Attracting and Retaining International Students in Emerging Countries: A Case of Vietnam” của TS. Nguyễn Thùy Anh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) và cộng sự công bố trên Tạp chí Journal of Contemporary East Asia Studies nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn Việt Nam làm nơi du học cũng như các yếu tố tác động đến ý định ở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp của sinh viên quốc tế. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính, triển khai phỏng vấn sâu với sáu sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Laos, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar), học ở các bậc và ngành học khác nhau tại cả trường đại học công lập và tư thục ở Việt Nam.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về giáo dục đại học, Việt Nam ngày càng được xem là một điểm đến tiềm năng cho sinh viên quốc tế, đặc biệt trong vai trò là một quốc gia đang phát triển với nền kinh tế tăng trưởng nhanh và môi trường học tập ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về xu hướng sinh viên Việt Nam du học, rất ít nghiên cứu tập trung vào quá trình thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế tại Việt Nam.
Bài báo nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn Việt Nam làm nơi du học cũng như các yếu tố tác động đến ý định ở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp của sinh viên quốc tế. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính, triển khai phỏng vấn sâu với sáu sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Laos, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar), học ở các bậc và ngành học khác nhau tại cả trường đại học công lập và tư thục ở Việt Nam.
Thông qua khung lý thuyết hành động (Theory of Action), nghiên cứu cho thấy sự phức tạp trong quá trình ra quyết định của sinh viên, chịu tác động đồng thời bởi các yếu tố nội tại (giá trị cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, khả năng thích ứng) và yếu tố bên ngoài (chính sách học bổng, cơ hội việc làm, hỗ trợ từ nhà trường). Kết quả cho thấy chi phí thấp, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, cơ hội nghề nghiệp tại Việt Nam và sự thân thiện của xã hội là những yếu tố chính thúc đẩy sinh viên lựa chọn và mong muốn gắn bó với Việt Nam. Tuy nhiên, cũng tồn tại các rào cản như thủ tục visa, thiếu hỗ trợ nghề nghiệp và khó khăn trong hòa nhập văn hóa.

Đóng góp mới của bài báo
Nghiên cứu này mang lại một đóng góp phương pháp luận đáng kể khi áp dụng khung lý thuyết “hành động” (theory of action) để phân tích quá trình ra quyết định của sinh viên quốc tế. Thay vì chỉ dừng lại ở các yếu tố “kéo - đẩy” truyền thống, nghiên cứu đã đi sâu vào lý do hành động của người học, cũng như các ràng buộc nội tại và ngoại tại tác động đến việc lựa chọn Việt Nam làm điểm đến học tập, cũng như quyết định ở lại hay rời đi sau khi tốt nghiệp. Qua đó, nghiên cứu cung cấp cơ sở vững chắc cho việc xây dựng các khuyến nghị chính sách nhằm thu hút và giữ chân sinh viên quốc tế ở Việt Nam và các nước đang phát triển.
Hàm ý chính sách thực tiễn
Mặc dù phần lớn sinh viên quốc tế ghi nhận những trải nghiệm tích cực khi học tập và sinh sống tại Việt Nam, họ cũng gặp phải những thách thức nhất định như sự chú ý không mong muốn, khác biệt văn hóa, rào cản học thuật và khó khăn về thị thực lao động. Để cải thiện môi trường tiếp nhận sinh viên quốc tế, nghiên cứu gợi mở ba nhóm hàm ý chính sách thực tiễn:
1. Đơn giản hóa thủ tục visa và quy trình giấy phép lao động
Một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức hút của Việt Nam đối với sinh viên quốc tế là cải thiện quy trình visa, đảm bảo tính đơn giản và thuận tiện trong suốt thời gian lưu trú. Việc tinh giản thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ hỗ trợ phù hợp không chỉ giúp sinh viên quốc tế có trải nghiệm suôn sẻ hơn mà còn củng cố hình ảnh Việt Nam như một quốc gia thân thiện và cởi mở.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách như Nghị quyết 127/NQ-CP (14/8/2023) về cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia và Nghị quyết 128/NQ-CP, sửa đổi Nghị quyết 32/NQ-CP về miễn thị thực cho công dân một số nước. Tuy nhiên, việc thực hiện những chính sách này vẫn gặp một số trở ngại như đảm bảo vận hành trơn tru các nền tảng điện tử, giảm thiểu chậm trễ hành chính, và cung cấp giao diện thân thiện với người không nói tiếng Việt.
Khuyến nghị cụ thể:
- Các trường đại học có thể thiết lập các bộ phận hỗ trợ thủ tục visa ngay tại trường để giúp sinh viên quốc tế xử lý các vấn đề nhập cư và lưu trú.
- Tăng cường phối hợp giữa các trường với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an (Cục Xuất nhập cảnh) nhằm đảm bảo chính sách nhất quán và hiệu quả với đối tượng sinh viên quốc tế.
2. Thúc đẩy hợp tác song phương và mở rộng trao đổi học thuật quốc tế
Việc mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế là một hàm ý chính sách then chốt để nâng cao khả năng tiếp cận và lựa chọn Việt Nam của sinh viên quốc tế. Các trường đại học tại Việt Nam có thể ký kết các biên bản ghi nhớ (MoU) với các trường đại học nước ngoài để triển khai chương trình trao đổi sinh viên, nghiên cứu chung và luân chuyển giảng viên.
Tuy nhiên, việc triển khai các sáng kiến này trên thực tế vẫn gặp khó khăn do hạn chế về tài chính, hạ tầng và các rào cản hành chính. Việc duy trì các mối quan hệ đối tác cũng đòi hỏi sự nỗ lực liên tục nhằm đảm bảo các thỏa thuận được thực thi thực chất và mang lại cơ hội cụ thể cho sinh viên.
Khuyến nghị cụ thể:
- Tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các quỹ học bổng, hoặc khai thác mạng lưới cựu sinh viên để hỗ trợ tài chính cho các chương trình trao đổi.
- Tăng cường hiện diện trực tuyến, tham gia các hội chợ giáo dục quốc tế, và xây dựng chiến lược truyền thông đa ngôn ngữ để quảng bá hiệu quả các cơ hội học tập tại Việt Nam.
3. Xây dựng môi trường học tập toàn diện và hỗ trợ sinh viên quốc tế hiệu quả
Việc tạo dựng và duy trì một môi trường học tập đa dạng, bao trùm và thân thiện là điều kiện cần để giữ chân sinh viên quốc tế. Các trường đại học và chính phủ cần phối hợp trong việc ban hành và thực thi các chính sách thúc đẩy sự đa dạng và giao lưu văn hóa.
Khuyến nghị cụ thể:
- Thành lập các văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế với các dịch vụ như: chương trình định hướng, lớp học tiếng Việt, tư vấn tâm lý, hướng dẫn văn hóa và hỗ trợ hoà nhập.
- Phát triển các chương trình cố vấn (mentorship), kết nối sinh viên quốc tế với sinh viên Việt Nam hoặc giảng viên nhằm hỗ trợ họ thích nghi với môi trường học tập và xã hội.
- Tổ chức các hoạt động cộng đồng như lễ hội văn hóa, câu lạc bộ trao đổi ngôn ngữ, hoạt động ngoại khóa nhằm thúc đẩy giao lưu và tạo cảm giác gắn bó.
Tuy nhiên, các trường có thể gặp thách thức về nguồn lực tài chính, năng lực quản lý sinh viên quốc tế và rào cản văn hóa nội bộ. Do đó, việc đầu tư đào tạo nhân sự, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp văn hóa và lắng nghe phản hồi từ sinh viên là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Để trở thành điểm đến hấp dẫn và bền vững cho sinh viên quốc tế, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam cần thực hiện chiến lược cải thiện chất lượng học thuật, đơn giản hóa quy trình hành chính và tạo lập hệ sinh thái giáo dục thân thiện, toàn diện. Điều này không chỉ góp phần nâng cao vị thế giáo dục đại học Việt Nam trên toàn cầu, mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa và hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
>>> THÔNG TIN BÀI BÁO
Nguyen, Thuy Anh, and Lan Anh Nguyen. 2024. “Attracting and Retaining International Students in Emerging Countries: A Case of Vietnam.” Journal of Contemporary East Asia Studies, December, 1–25. https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/24761028.2024.2445457
>>> THÔNG TIN TÁC GIẢ TRƯỜNG ĐHKT
 | TS. Nguyễn Thùy Anh hiện là giảng viên, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Chính trị, Khoa Kinh tế Chính trị. TS. Thùy Anh nhận bằng Cử nhân và Thạc sĩ Kinh tế Chính trị tại Khoa Kinh tế Chính trị - Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2011, với học bổng Chính phủ Nhật Bản, cô lấy bằng Tiến sĩ về Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Waseda, Tokyo. Các mối quan tâm nghiên cứu của TS. Thùy Anh liên quan đến kinh tế chính trị, đặc biệt là quá trình toàn cầu hoá, khu vực hóa, và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của TS. Thùy Anh cũng tập trung vào các chủ đề về chính sách kinh tế, xã hội, quốc tế hóa giáo dục đại học, môi trường học tập hòa nhập, đại học xanh và phát triển bền vững, kinh tế số, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. |
P. NCKH&HTPT tổng hợp