Trang tin tức sự kiện

Những tấm lòng cao cả nơi vùng cao - ký sự Mai Châu, Hòa Bình

Cán bộ và sinh viên khoa QTKD tặng quà và giao lưu cùng người khuyết tật tại Trung tâm BTXH Thuận Hòa
“Mong muốn tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin vào cuộc sống” - Lời chia sẻ chân thành, mộc mặc của chị Vi Thị Thuận, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Người khuyết tật Thuận Hòa, Bản Lác - Mai Châu, Hòa Bình đã khiến chúng tôi càng thêm khâm phục nghĩa cử cao đẹp của người nữ doanh nhân nơi vùng cao này.


Một ngày đầu tháng 5/2012, tới thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội cho người khuyết tật Thuận Hòa tại Bản Lác, Mai Châu - Hòa Bình, Đoàn cán bộ và sinh viên Khoa QTKD, Trường ĐHKT đã được chị Vi Thị Thuận, Giám đốc Trung tâm đón tiếp nhiệt tình. Câu chuyện của chị về những ngày gian khó khi đưa những người khuyết tật từ những thôn bản xa xôi, hẻo lánh về chăm sóc, dạy nghề và tạo công ăn việc làm ổn định cho họ rồi đến khi thành lập trung tâm BTXH Thuận Hòa phát triển và đạt được những thành công nhất định như ngày nay dường như làm dịu lại cái nóng cuối ngày. Chị chia sẻ, những ngày còn rong ruổi bán hàng tại những bản làng vùng cao, chị đã gặp không ít người khuyết tật, hầu hết gia đình họ đều rất nghèo bản than họ lại không thể tự chăm sóc cho chính mình chứ chưa nói đến việc giúp gia đình làm nương rẫy hay việc nhà rồi đau ốm liên miên và họ trở thành gánh nặng cho gia đình, sống rất tự ti mặc cảm. Tuổi thơ chị đã từng trải qua những ngày tháng đói khổ nên chị rất hiểu và thương cảm cho hoàn cảnh của họ. Sau đó được sự ủng hộ của những người thân trong gia đình, chị đã đón những người khuyết tật về chăm sóc dạy cho họ dệt thổ cẩm, thêu thùa, may vá.
Nghĩa cử cao đẹp của chị đã dần nhận được sử ủng hộ của chính quyền và người dân bản Lác, kể từ khi thành lập năm 2008 đến nay Trung tâm Thuận Hòa đã nhận chăm sóc và đào tạo nghề cho hơn 100 người khuyết tật từ khắp nơi trong huyện Mai Châu. Đến nay thu nhập bình quân của người lao động ở đây là 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, có khoảng hơn 10 người khuyết tật ăn ở thường xuyên tại trung tâm, nhiều người khuyết tật sau khi học nghề tại trung tâm của chị không chỉ tự lập được cuộc sống cho riêng mình mà còn có thể làm kinh tế giúp đỡ gia đình. Điều đáng nói ở đây là toàn bộ chi phí chăm sóc cho người khuyết tật đều từ nguồn vốn kinh doanh du lịch cộng đồng của gia đình chị, bản thân người khuyết tật và gia đình họ không phải đóng góp bất cứ thứ gì cho Trung tâm. Mỗi năm lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ du lịch mang lại cho gia đình chị khoảng trên dưới 1 tỉ đồng, nhưng có tới 70% số tiền này được chị dùng để quay vòng đầu tư trang thiết bị lao động, nâng cấp cơ sở vật chất chăm sóc cho người khuyết tật.


Cán bộ và sinh viên khoa QTKD đang phỏng vấn Chị Vi Thị Thuận, Giám đốc trung tâm.

Hiện nay không chỉ có người khuyết tật, Trung tâm Thuận Hòa còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm giúp đỡ các hộ gia đình nghèo trong bản phát triển chăn nuôi, sản xuất. Chị mong muốn sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm hơn nữa để giúp đỡ người khuyết tật. Nhìn thấy họ sống khỏe mạnh, vui vẻ tự tin chị như được tiếp thêm nghị lực không quản khó khăn tiếp tục theo đuổi mong ước của mình. Câu chuyện của chị là một minh chứng sống, một bài học quý báu cho các doanh nhân trẻ tương lai về trách nhiệm của mình đối với xã hội, cộng đồng.


Phạm Thu Hiền (Khoa QTKD) Ảnh: Nguyễn Thành Tư (QH-2009-E QTKD)

Tag:


Video
Đại học Troy (Troy University)
Tuyển sinh các chương trình liên kết
Thăm dò ý kiến
Bạn cần loại thông tin nào trên web này?

Đối tác
Công ty CP XNK Bình Tây (BITEX) Công ty CP Đầu tư IMG Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) Ngân hàng TMCP Đầu tư và PTVN (BIDV) Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tổng công ty Hàng không Việt Nam
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Tân Á Đại Thành