Trang Nghiên cứu
 
Nhóm nghiên cứu mạnh và chuỗi hội thảo về báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam

Các sản phẩm của chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Hà Nội về “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”. Đây cũng sản phẩm của nhóm nghiên cứu mạnh cấp Đại học Quốc gia Hà Nội “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam”.


Kể từ khi hình thành, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một loạt các hoạt động nghiên cứu khoa học đa dạng và chất lượng. Cụ thể, các thành viên đã thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, hơn 10 đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN và nhiều đề tài nghiên cứu khác.

Một số kết quả từ các đề tài nghiên cứu mà nhóm thực hiện đã được chuyển giao cho các cơ quan hoạch định chính sách như Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng lý luận Trung Ương….

Từ năm 2012 đến nay, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN thường niên tổ chức lễ Công bố báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam cụ thể như:

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam là chuỗi báo cáo được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách trong bối cảnh hiện thời.

Báo cáo năm 2011 với tựa đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường” và Báo cáo năm 2012 với tựa đề “Đối diện thách thức tái cơ cấu” đã vạch ra những vấn đề căn bản gây bất ổn kinh tế vĩ mô, đồng thời làm suy yếu tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn. Tiếp nối những báo cáo năm trước, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013 với tựa đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai” phản ánh dự cảm lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Việt Nam khó đạt được sự phục hồi suôn sẻ và bền vững trong những năm tới nếu không có những cam kết mạnh mẽ, thực thi quyết liệt về chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và trên hết, hình dung rõ ràng một mô hình kinh tế - xã hội tổng thể cho tương lai Việt Nam.
 
 

Tiếp nối những báo cáo năm trước, báo cáo năm 2014 với tựa đề “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” chỉ ra những ràng buộc trong nhiều lĩnh vực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

 

Ngoài hai chương đánh giá và nhận định về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013, nội dung của báo cáo năm nay được dành để phân tích về những vấn đề chuyên sâu về những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bao gồm những ràng buộc đối với quá trình tái cơ cấu xét từ góc độ chẩn đoán tăng trưởng; những ràng buộc về mặt tài chính - tiền tệ được tiếp cận thông qua việc đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs); nhìn lại hành trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với những kỳ vọng ban đầu; ràng buộc về mặt năng lượng được phân tích thông qua lựa chọn chính sách năng lượng của Việt Nam.

Cuối cùng, báo cáo đưa ra những nhận định chung về viễn cảnh kinh tế năm 2014 và gợi ý các nhóm chính sách phục vụ cho quá trình phục hồi kinh tế đi liền với sự ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Báo cáo năm nay với chủ đề: “Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập” đề cập đến những cơ hội cũng như thách thức với nước ta khi quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn nước rút với hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang ở những bước đàm phán cuối cùng. Ngoài hai chương đánh giá và nhận định về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2014, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2015 tập trung phân tích sâu về những tác động của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với nền kinh tế Việt Nam, vấn đề điều hành tỷ giá, an toàn vĩ mô của hệ thống ngân hàng Việt Nam và tính bền vững của thị trường lúa gạo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, báo cáo đưa ra những nhận định chung về kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2015 và gợi ý một số chính sách.


4. Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2016

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và đang bước vào một chu kỳ hội nhập quốc tế mới. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang suy giảm năng suất liên tục trong 5 năm trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách phải thiết lập những nền tảng mới, thực sự hữu hiệu, cho tăng trưởng trong trung và dài hạn. Vì thế, Báo cáo năm 2016 tập trung xem xét các vấn đề liên quan đến động lực tăng trưởng trong trung hạn cho nền kinh tế.

Ngoài các phần về tổng quan kinh tế thế giới và Việt Nam, các kịch bản kinh tế vĩ mô và hàm ý chính sách, một số vấn đề được lựa chọn để phân tích sâu bao gồm: dự báo kinh tế trung hạn (2016-2020); dịch chuyển tăng trưởng từ lượng sang chất; sáng kiến một vành đai, một con đường của Trung Quốc và tác động tới Việt Nam; cải cách thị trường dịch vụ công cộng ở Việt Nam trong trung hạn: Trường hợp thị trường quản lý chất thải rắn…

Báo cáo cung cấp hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2016 và một số thảo luận chi tiết về các chính sách ngắn hạn đang được áp dụng hiện nay, dự báo cho thấy lạm phát của năm 2016 có thể lên tới 4%, trong khi tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

5. Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017, với tiêu đề “Đẩy nhanh Cải cách vì một Nhà nước Kiến tạo”, được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 5 (Tháng 6/2017) về các vấn đề kinh tế lớn, đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, thị trường và các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ quyết tâm cũng như khả năng của Chính phủ trong việc cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động. Vì thế, Báo cáo năm nay tập trung xem xét những vấn đề liên quan tới chủ đề cải cách thể chế nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo.
 

6. Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018

Báo cáo năm nay với chủ đề “Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất” tập trung vào chủ đề năng suất lao động của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế với quan điểm cho rằng cần phải hiểu rõ hơn thị trường lao động để lý giải chất lượng nguồn nhân lực và tiến trình năng suất tại Việt Nam.

Bên cạnh việc xem xét, nhận định tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 đi sâu đánh giá đặc điểm của quá trình thay đổi năng suất lao động trong hai thập kỷ hội nhập kinh tế và chọn lọc phân tích một số khía cạnh trên thị trường lao động của Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế.

 

7. Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 tập trung vào chủ đề Việt Nam "Trước Ngưỡng cửa Nền Kinh tế Số". Xu hướng nền kinh tế số, còn được gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang diễn ra ở nhiều nước phát triển, và các chiến lược kỹ thuật số quốc gia đã được triển khai ở nhiều nước khu vực Đông Nam Á, đặt ra những thách thức mới trước khả năng phá vỡ cấu trúc ngành và thị trường, cùng sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị toàn cầu. Việt Nam sẽ không thể nằm ngoài xu thế đó. Báo cáo năm nay, bên cạnh việc phân tích, đánh giá tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, sẽ đi sâu đánh giá và nhận định tương lai cho nền kinh tế số Việt Nam, từ đó chỉ ra cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp và xã hội Việt Nam trước bối cảnh mới.
 
CÁC BÁO CÁO KTTNVN:
 

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN