Trang tin tức sự kiện
 
Thực trạng trình độ phát triển kế toán quản trị tại Việt Nam

Kế toán quản trị đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp. Sự phát triển kế toán quản trị giữa các doanh nghiệp, các ngành nghề và giữa các quốc gia thường rất khác nhau. Nghiên cứu của nhóm tác giả TS. Nguyễn Thị Phương Dung, TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy, TS. Nguyễn Thị Hương Liên và NCS. Nguyễn Thị Hải Hà đã chỉ ra thực trạng trình độ phát triển kế toán quản trị tại 3 loại hình doanh nghiệp (thương mại, dịch vụ và sản xuất) và các điều kiện phát triển kế toán quản trị tại Việt Nam. Nghiên cứu được công bố dưới dạng chương sách, với tiêu đề “Management Accounting Practices in Vietnamese Enterprises,” xuất bản trong cuốn sách Management Accounting in China and Southeast Asia”, thuộc chuỗi sách về chủ đề “Contributions to Management Science” do NXB Springer ấn hành.


Chương sách này tìm hiểu mức độ mà các phương pháp kế toán quản trị (MAP) khác nhau đã được thực hiện trong các doanh nghiệp Việt Nam. Nhằm nghiên cứu giai đoạn phát triển của thực tiễn kế toán quản trị ở Việt Nam, nhóm tác giả sử dụng bảng câu hỏi khảo sát để thu thập thông tin về chủ đề này. Trong số 700 công ty nhận được phiếu khảo sát, nghiên cứu thu về 250 câu trả lời hợp lệ, đạt tỷ lệ 35,7%. Từ đó, nghiên cứu trình bày kết quả thực trạng vị trí, giai đoạn phát triển của kế toán quản trị tại các doanh nghiệp Việt Nam theo mô hình của Liên đoàn Kế toán viên Quốc tế (IFAC) và các phương pháp kế toán quản trị được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn. Ngoài ra, khảo sát chỉ ra vai trò quan trọng nhất của kế toán quản trị trong doanh nghiệp là đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ cho công tác lập kế hoạch và kiểm soát, giúp nhà quản lý đưa ra các quyết định về sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư. Rất ít doanh nghiệp đánh giá cao vai trò của kế toán quản trị hiện đại trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và giảm thiểu lãng phí. Như vậy, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thực nghiệm về mức độ phát triển của MAPs trong các doanh nghiệp Việt Nam. Nghiên cứu cũng giúp các nhà nghiên cứu và quản lý hiểu được các giai đoạn phát triển hiện nay của kế toán quản trị ở Việt Nam dựa trên thước đo quốc tế, từ đó có những định hướng nâng cao năng lực bộ phận kế toán quản trị phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Đóng góp nổi bật của nghiên cứu là nhóm tác giả đã đo lường, phân loại và cung cấp bằng chứng thực nghiệm về các giai đoạn phát triển của thực tiễn kế toán quản trị trong các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam dựa trên mô hình đánh giá trình độ phát triển kế toán của IFAC. Theo đó, nghiên cứu đã tổng hợp các đặc điểm chính trong tiến trình phát triển kế toán quản trị tại Việt Nam theo các giai đoạn, cụ thể:

  • (i) Giai đoạn trước năm 1954: Từ năm 1858 đến 1945, kế toán Pháp du nhập Việt Nam và được sử dụng như một công cụ để Pháp kiểm soát các thuộc địa, song kế toán ở Việt Nam chưa phát triển và không có nguồn gốc từ người Pháp. Sau khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, Bộ Tài chính được thành lập và kế toán được sử dụng chủ yếu để theo dõi các khoản thu chi ngân sách nhà nước, hoặc sử dụng trong các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quốc phòng.
  • (ii) Giai đoạn 1954 - 1975: Hệ thống kế toán Việt Nam đầu tiên được thành lập, dựa trên sự kế thừa từ hệ thống kế toán của Pháp và sau đó chuyển sang chế độ kế toán cộng sản Xô Viết.
  • (iii) Giai đoạn 1975 - 1986: Kế toán Việt Nam trong giai đoạn này tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi kế toán Xô Viết, áp dụng trong mô hình kế hoạch hóa tập trung.
  • (iv) Giai đoạn 1987 - 1994: Với sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế mở cửa, định hướng thị trường, hệ thống kế toán đã bắt đầu có sự chuyển dịch, tập trung hơn vào nhu cầu quản trị của doanh nghiệp
  • (v) Giai đoạn 1995-hiện nay: Nền kinh tế định hướng thị trường từng bước hình thành, hệ thống kế toán Việt Nam được sửa đổi, điều chỉnh theo các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát tới 700 doanh nghiệp sản xuất, thương mại và dịch vụ có trụ sở tại các thành phố lớn với các cách tiếp cận định lượng bao gồm các thống kê mô tả như giá trị trung bình, độ lệch chuẩn và phương sai hệ số. Phân tích cụm phân cấp (cluster analysis) cũng được sử dụng như một phân tích thăm dò để phân loại các cấu trúc trong các nhóm và cho phép phát hiện các giai đoạn phát triển kế toán quản trị mà các doanh nghiệp Việt Nam đang đạt được. Sử dụng kết hợp mô hình IFACT và phương pháp cụm phân cấp cũng là một trong những điểm mới nổi bật của nghiên cứu.

Kết quả thống kê mô tả cho thấy phần lớn (66,8%) doanh nghiệp Việt Nam đang ở hai giai đoạn đầu của mô hình IFAC. Có 7 doanh nghiệp sản xuất, 2 doanh nghiệp thương mại và 30 doanh nghiệp dịch vụ trong Giai đoạn 1 “Xác định chi phí và kiểm soát tài chính”. Có 59 doanh nghiệp sản xuất, 52 doanh nghiệp thương mại và 17 doanh nghiệp dịch vụ trong Giai đoạn 2, là thông tin để lập kế hoạch và kiểm soát quản lý. Có ít doanh nghiệp hơn (33,2%) đạt đến Giai đoạn 3 và 4, đây là giai đoạn phát triển cao trong mô hình IFAC. Cụ thể, có 24 doanh nghiệp sản xuất, 27 doanh nghiệp thương mại và 28 doanh nghiệp dịch vụ trong Giai đoạn 3 là giảm lãng phí nguồn lực trong quy trình kinh doanh của mô hình IFAC. Chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất và 2 doanh nghiệp dịch vụ đạt mức cao nhất Giai đoạn 4 của mô hình, là tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, kết quả cũng chỉ ra rằng các phương pháp kế toán quản trị được áp dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí định mức, phân bổ chi phí, lập dự toán để kiểm soát giá thành sản phẩm, dự toán doanh thu, phân tích tỷ số tài chính, phân tích tỷ suất sinh lời và phân tích lợi nhuận theo sản phẩm.

Những phát hiện từ nghiên cứu này có thể mang lại lợi ích cho nhiều bên. Đầu tiên, ban lãnh đạo của doanh nghiệp có thể hiểu được các mức độ xếp hạng của kế toán quản trị trong doanh nghiệp dựa trên mô hình IFAC. Dựa trên cùng một thang đo quốc tế, nghiên cứu giúp so sánh trình độ kế toán quản trị giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp trên thế giới. Thứ hai, những phát hiện từ nghiên cứu đã đóng góp thêm vào nguồn tài liệu tham khảo, lấp đầy khoảng trống trong lĩnh vực kế toán quản trị khi nguồn tài liệu ở Việt Nam còn khan hiếm. Về mặt lý thuyết, những phát hiện này sẽ cung cấp thông tin và bằng chứng cho các học giả, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục cũng như các cá nhân hành nghề hiểu được mức độ sử dụng của các thực hành kế toán quản trị ở Việt Nam. Mức độ sử dụng các thông lệ kế toán quản trị là một thước đo tốt để chỉ ra mức độ tiến bộ của kế toán trong nước. Không chỉ các doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc áp dụng kế toán quản trị mà nền kinh tế của đất nước cũng được kích thích do tác dụng phụ của việc áp dụng này. Việc sử dụng các thông lệ kế toán quản trị tiên tiến và đúng đắn có thể giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng khốc liệt.

 

>> Xem chi tiết: Nguyen T.P.D., Nguyen T.H.T., Nguyen T.H.L., Nguyen T.H.H. (2021), “Management Accounting Practices in Vietnamese Enterprises,” In: Rickards R.C., Ritsert R., Terdpaopong K. (eds), Management Accounting in China and Southeast Asia. Contributions to Management Science, Springer, Cham, 161-189.

 


Danh sách tác giả:
  • Nguyễn Thị Phương Dung - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
  • Nguyễn Thị Hồng Thúy - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
  • Nguyễn Thị Hương Liên - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
  • Nguyễn Thị Hải Hà - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Trong đó, tác giả thuộc ĐHKT - ĐHQGHN:

 
  TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy nhận học vị Tiến sĩ chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán và Phân tích tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. TS. Nguyễn Thị Hồng Thúy hiện là giảng viên, Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Các hướng nghiên cứu chính của bà gồm: Kế toán bền vững, Quản trị công ty, Quản trị rủi ro, Kiểm toán nội bộ, Kiểm toán gian lận.
  TS. Nguyễn Thị Hương Liên nhận học vị Tiến sĩ Kinh tế chuyên ngành Phát triển Quốc tế tại Trường Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản. TS. Nguyễn Thị Hương Liên hiện là giảng viên, Phó trưởng Khoa Kế toán - Kiểm toán của Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Các hướng nghiên cứu chính của bà gồm: Kiểm soát nội bộ theo chuẩn mực quốc tế; Kiểm toán nội bộ theo định hướng rủi ro; Thao túng báo cáo tài chính và chất lượng kiểm toán độc lập; Kế toán xanh hướng tới phát triển bền vững.
  ThS.NCS. Nguyễn Thị Hải Hà nhận học vị Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế Tài chính Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, hiện đang theo học chương trình Nghiên cứu sinh chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán và Phân tích tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. ThS.NCS. Nguyễn Thị Hải Hà hiện là giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Các hướng nghiên cứu chính của bà gồm: Tài chính doanh nghiệp, Chất lượng thông tin tài chính, Kiểm toán nội bộ, Xu hướng hòa hợp chuẩn mực kế toán quốc tế.

Hồng Thúy