Trang tin tức sự kiện
 
Quy hoạch không gian tổng hợp vùng bờ: thực trạng và giải pháp cho địa phương

PGS.TS Nguyễn An Thịnh (thứ 2) và TS. Hoàng Quốc Lâm (thứ 3) từ trái sang
“Quy hoạch không gian tổng hợp quản lý xung đột môi trường vùng bờ - tiếp cận phân tích địa lý và chính sách” là sản phẩm nghiên cứu của TS. Hoàng Quốc Lâm (Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và PGS.TS. Nguyễn An Thịnh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) có chuyên môn sâu về các lĩnh vực khoa học chuyên ngành sinh thái cảnh quan, quản lý tài nguyên và môi trường, kinh tế môi trường.


Đây là cuốn sách thể hiện các kết quả nghiên cứu chuyên sâu về phân tích và hoạch định không gian quản lý môi trường tại các cảnh quan vùng bờ của Việt Nam. Cuốn sách gồm 6 chương,  trình bày các kết quả nghiên cứu quy luật thành tạo và các vấn đề môi trường nổi cộm trong các cảnh quan vùng bờ; cơ sở khoa học xây dựng quy trình phân tích địa lý và chính sách; các mô hình định lượng trong phân tích xung đột môi trường; quy trình kỹ thuật xây dựng hệ thống bản đồ chuyên đề về xung đột môi trường; phân vùng chức năng; xây dựng các giải pháp quản lý xung đột môi trường.

 
Qua cuốn sách này, tác giả đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp đối với các nhà quản lý, hoạch định chính sách nhằm xem xét điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường các huyện ven biển của Việt Nam:

- Các giải pháp giải quyết mâu thuẫn không gian trong sử dụng tài nguyên: Giải quyết những mâu thuẫn giữa bảo tồn và bảo vệ môi trường với phát triển các ngành kinh tế, giữa các ngành kinh tế ven biển với nhau; Giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và tai biến thiên nhiên.

- Các giải pháp xử lý các địa điểm xung đột môi trường: Hạn chế các tác động tiêu cực của các điểm xung đột môi trường do hoạt động kinh tế đến hệ sinh thái.

- Giải pháp đồng quản lý: Bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven biển bằng phương thức quản lý hiệu quả, ít tốn kém nhưng vẫn đáp ứng được các mục tiêu bảo tồn cũng như sinh kế của con người; Xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý và bảo vệ môi trường vùng bờ để tăng trách nhiệm của người dân, giảm gánh nặng cho các cơ quan quản lý; tạo sinh kế, tăng quyền hưởng lợi của người dân từ các giá trị ở vùng bờ.

- Giải pháp về truyền thông: Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, vị thế, tiềm năng và tầm quan trọng của quy hoạch không gian trong khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường từ đó giúp cộng đồng dân cư vùng ven biển thay đổi hành vi trong cách đối xử với môi trường tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển.

- Giải pháp tổ chức, quản lý thực hiện quy hoạch: Thúc đẩy các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bảo đảm tính liên kết, thống nhất trong phát triển kinh tế biển.

- Các giải pháp về kinh tế và chính sách: Tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm ưu hóa việc khai thác, sử dụng tài nguyên ven biển theo hướng phát triển bền vững ở vùng quy hoạch qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện, thực chất.

- Giải pháp phát triển nguồn nhân lực: Phát triển nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển.

- Giải pháp về khoa học công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh công tác áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện quy hoạch không gian tổng hợp vùng bờ phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế góp phần đạt được các mục tiêu quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo Việt Nam.

Để có thêm thông tin chi tiết, quý vị có thể tham khảo sách Quy hoạch không gian tổng hợp quản lý xung đột môi trường vùng bờ - tiếp cận phân tích địa lý và chính sách.


Sách phát hành tại:

Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Phòng 711 - Nhà E4, Số 144 đường  Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Thông tin có tại:

Fanpage ĐHKT: https://www.facebook.com/UEBresearch

 

 

Giới thiệu về tác giả:

PGS.TS Nguyễn An Thịnh là một chuyên gia về kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường, đã chủ trì và tham gia hơn 50 đề tài, dự án các cấp; tác giả và đồng tác giả 20 sách khoa học; công bố trên 30 bài báo quốc tế và khoảng 100 bài báo đăng trong các tạp chí chuyên ngành trong nước. Hiện nay ông là Chủ nhiệm Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, đồng thời đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Sinh thái cảnh quan quốc tế tại Việt Nam (VN-IALE), tham gia ban biên tập của một số tạp chí quốc tế chuẩn ISI.




Nguyễn An