Trang tin tức sự kiện
 
Nắm trong tay 3 kỹ năng khi thành thạo sử dụng phần mềm Stata

TS. Trần Quang Tuyến trao chứng nhận hoàn thành khóa học cho học viên
Nhằm mục đích trang bị cho học viên, nghiên cứu sinh 3 kỹ năng quan trọng nghiên cứu vĩ mô và vi mô, Trung tâm Dữ liệu và Phân tích Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức khóa học ngắn hạn “Nâng cao kỹ năng phân tích định lượng và xử lý số liệu” tập trung hướng dẫn sử dụng phần mềm Stata trong tháng 6/2019.


Tham gia giảng dạy khóa học là các giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thống kê, kinh tế lượng và phân tích dữ liệu kinh tế-xã hội đó là TS. Trần Quang Tuyến - Phó chủ nhiệm khoa Kinh tế Chính trị, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu - Phân tích Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN; TS. Vũ Văn Hưởng  - Trưởng bộ môn Thống kê và phương pháp nghiên cứu Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN; ThS. Vũ Thị Bích Ngọc - giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đối tượng học viên tham dự là các học viên, nghiên cứu sinh đang theo học tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, ngoài ra còn một số học viên đang làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, quản lý kinh tế ở trung ương và địa phương.

Khóa học tập trung vào hướng dẫn sử dụng phần mềm Stata trong việc trích lọc,phân tích bộ dữ liệu quốc gia phục vụ cho các nghiên cứu vĩ mô và vi mô. Với số lượng buổi học có hạn nên học viên sử dụng bộ dữ liệu VHH2014 và 2016 về điều tra mức sống người dân làm nền tảng phân tích. Ở đây, học viên được hướng dẫn các câu lệnh để tạo biến, ghép biến mới theo yêu cầu nghiên cứu, từ đó có thể lấy được các kết quả phân tích như chỉ ra xu hướng, viết mô hình hồi quy về tác động ảnh hưởng các nhân tố tới vấn đề nghiên cứu, vẽ đồ thị xu hướng và thống kê mô tả.

Với các kết quả phân tích của phần mềm stata, học viên có thể thực hiện các bài báo định lượng quốc tế và trong nước có chất lượng và độ tin cậy cao. Học viên cũng được tham khảo một số bài báo quốc tế ISI, Scopus mà các thầy cô đã thực hiện dựa vào việc sử dụng phần mềm stata và bộ dữ liệu điều tra cấp quốc gia.

Ở buổi dạy đầu tiên, TS. Vũ Văn Hưởng, TS.Trần Quang Tuyến và ThS. Vũ Thị Bích Ngọc đã giới thiệu về dữ liệu khảo sát mức sống dân cư và làm quen với giao diện Stata 14, qua đó hướng dẫn cách sử dụng cấu trúc bộ dữ liệu, cách tính chỉ số thống kê cơ bản trong phân tích định lượng. Ngoài ra, các chuyên gia còn đi sâu vào giao diện làm việc với Dofile và Logfile trong Stata, sử dụng Stata khám phá dữ liệu, cách lọc, ghép và chiết xuất dữ liệu trong nghiên cứu và thực hành ghép nối số liệu từ các phần khác nhau của VHLSS và tính toán các bảng biểu.

 ThS. Vũ Thị Bích Ngọc cung cấp cho học viên những kiến thức ban đầu về phần mềm Stata

Với sự trình bày của chuyên gia TS. Vũ Văn Hưởng, ThS.Vũ Thị Bích Ngọc, học viên đã có sự “nhập môn” với phần mềm Stata, để đi sâu vào sử dụng phần mềm này TS. Trần Quang Tuyến đã có buổi đứng lớp thứ hai tập trung vào khai thác hiệu quả việc sử dụng phần mềm đối với các bộ dữ liệu thứ cấp có sẵn.

Bằng kinh nghiệm và sự nghiên cứu gần 20 năm trong lĩnh vực dữ liệu phân tích kinh tế, các chuyên gia đã trực tiếp thao tác các lệnh nâng cao trong biên tập và xử lý số liệu và xử lý giá trị Missing trong dữ liệu, hướng dẫn học viên làm quen và thực hành với các lệnh sử dụng vòng lặp và cách viết Dofile hiệu quả nhất. TS.Tuyến cho rằng, học viên, nghiên cứu sinh ngành kinh tế phải coi phần mềm Stata như “vật bất ly thân”, bởi đây là một phần mềm vô cùng quan trọng, dựa vào phần mềm người dùng sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức trong thống kê dữ liệu hơn nữa đảm bảo tính chính xác rất cao.

 Các học viên bắt đầu nhập môn tìm hiểu về phần mềm Stata

Ở phần tiếp theo, TS. Trần Quang Tuyến tiếp tục hướng dẫn học viên xác định chủ đề nghiên cứu từ dữ liệu VHLSS và xây dựng đề cương phân tích, kế hoạch xử lý dữ liệu, đồng thời thiết kế nội dung bằng biểu mẫu kết quả dự kiến sử dụng Exel, sử dụng Stata để tính toán các bảng biểu đã thiết kế. Với sự trình bày tổng thể và thực hành ngay trên máy, các học viên đã được “cầm tay chỉ việc” rất tận tình, vướng đến đâu tháo đến đấy, tránh trường hợp không hiểu mà không hỏi ngay dẫn đến hiện tượng quên và không thành thạo kỹ năng sử dụng.
 TS. Trần Quang Tuyến đi sâu phân tích các tính năng hữu ích của Stata
 

Ở buổi lên lớp cuối cùng của khóa học, TS. Trần Quang Tuyến, ThS. Vũ Thị Bích Ngọc với chuyên đề lý thuyết về phương pháp nghiên cứu định lượng: Kỹ thuật điều tra khảo sát mô hình phần tích nhân tố cũng đã cung cấp cho học viên một lượng kiến thức không nhỏ. Các chuyên gia nhấn mạnh, đây là nội dung không thể không nắm chắc của người làm nghiên cứu kinh tế, có thể coi đây là nội dung nền để triển khai các nội dung nghiên cứu chuyên sâu về vi mô nên vô cùng quan trọng.

 

 

Để đảm bảo cho sự thành công và chất lượng của nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần có được bộ dữ liệu được kết cấu và các thông tin cần thiết. Với các bộ dữ liệu thứ cấp có quy mô lớn (mức sống dân cư, điều tra doanh nghiệp…) được thu thập bởi các tổ chức uy tín, nhà nghiên cứu có thể truy suất và biên tập dữ liệu phù hợp với mục tiêu nghiên cứu. Do vậy, việc học tập kiến thức và kỹ năng cần thiết để khai thác và sử dụng có hiệu quả các bộ dữ liệu thứ cấp trở thành nhu cầu cấp thiết cho các nhà nghiên cứu.
 

 

 Khóa học đã cung cấp cho học viên kiến thức và kỹ năng cơ bản để khai thác phần mềm Stata
Kết thúc khóa học, TS. Trần Quang Tuyến đã kiểm tra học viên bằng nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến học thuật. Ông đánh giá rằng, sau khóa học học viên đã có được 3 kỹ năng cơ bàn đó là (i) Làm quen với việc xử lý và khai thác các cơ sở dữ liệu có quy mô lớn; (ii) Biết cách chiết xuất và tâp hợp dữ liệu với các kết cấu và thông tin cần thiết cho các công trình nghiên cứu như đề tài, luận án, bài báo khoa học và (iii) Có khả năng phân tích thống kê mô tả, tính toán các chỉ số và trình bày và phân tích các bảng biểu số liệu. Tôi rất vui về điều này, hy vọng rằng các học viên sẽ vận dụng tốt các kỹ năng này vào công việc và học tập, thu hái được nhiều thành công trong tương lai.
 
 TS. Trần Quang Tuyến đã trao giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho các học viên.

Văn Công