Trang tin tức sự kiện
 
20% giảng viên dạy tốt sẽ đem về 80% hiệu quả

Hiệu trưởng ĐHKT từng giảng dạy cho rất nhiều tập đoàn, tổng công ty về quản trị hệ thống
Đây là nguyên tắc Pareto 80/20 mà Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN truyền cho lãnh đạo cấp bộ môn trong ĐHQGHN ngày 15 và 16/11/2018.


Hai ngày dạy cho 4 lớp với chung một chủ đề là Kỹ năng quản trị đại học dành cho lãnh đạo cấp bộ môn chuyên đề quản trị hệ thống. Học viên là lãnh đạo bộ môn đến từ tất cả các trường trong ĐHQGHN, trong đó có 15 giảng viên đến từ Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

Với phần trình bày các nguyên tắc Pareto 80/20, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê còn nhấn mạnh Quản trị hệ thống tốt cần biết chọn lựa công việc theo thứ tự ưu tiên và tập trung nguồn lực cho các công việc đã chọn lựa đó. Từ đó, chỉ cần tối đa 20% nhiệm vụ quan trọng nhất sẽ đem lại 80% hiệu quả, các lãnh đạo bộ môn cần xác định được năng lực của từng giảng viên để chọn ra những giảng viên nằm trong 20% và tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ giải quyết tới 80% công việc. Bên cạnh đó là cũng hướng đến tinh gọn bộ máy, những bộ phận nào chồng chéo công việc, nhân sự không tích cực có thể sát nhập, luân chuyển hoặc cắt bỏ.

 
PGS.T Nguyễn Trúc Lê khẳng định 20% nhân lực tốt sẽ có thể thực hiện 80% công việc

Ngoài nguyên tắc 80/20, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê còn cung cấp cho các học viên công cụ tư duy và các phương pháp quản trị hệ thống, xác định những điểm mạnh điểm yếu của bộ môn, xác định cơ hội và thách thức trong điều kiện của bộ môn.

 

Hiệu trưởng ĐHKT đề nghị lãnh đạo các bộ môn cần có quy định về giám sát và đánh giá triển khai quản trị theo bộ chỉ số KPIs từ cấp Trường, cấp Khoa/Viện, cấp Bộ môn và cấp thấp nhất là cấp cá nhân. Chỉ có như thế mới lượng hóa được số lượng và chất lượng công việc, làm căn cứ để trả lương và bình xét thi đua. Nếu như chỉ đánh giá ở cấp Khoa hoặc Bộ môn mà bỏ đi cấp cá nhân sẽ dẫn đến đánh giá không công bằng, đánh giá cào bằng và không tìm ra được giải pháp để thúc đẩy công việc và nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Trong không khí sôi nổi của lớp học, lãnh đạo các bộ môn đã cùng nhau thảo luận về những khúc mắc còn tồn tại ở bộ môn mình, đặc biệt là vấn đề có nên mạnh dạn để giảng viên ứng dụng các phương pháp mới vào giảng dạy hay không? Quản trị bằng hình thức nào là đơn giản và phù hợp nhất.

 

Từ các thắc mắc đó, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đã giới thiệu cách ứng dụng thực tiễn vào bộ môn trong thời điểm hiện nay đó là khích lệ giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Nên và cần đơn giản hóa sự phức tạp, mục tiêu phải lượng hóa cho từng sản phẩm, tuyệt đối không được chung chung, đại khái. Trong 1 hệ thống, các cấp lãnh đạo, chuyên viên phải đồng nhất ngôn ngữ về  KPIs, ai cũng phải nắm rõ KPIs là gì và phải liên tục giám sát chỉ số này, báo cáo với hai hình thức trực quan nhất là Biểu đồ và Chỉ số thể hiện sự lượng hoá rõ ràng.

 
 

Anh Phạm Vương (Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục) sau khi tham dự lớp học cho biết, các nội dung mà PGS.TS Nguyễn Trúc Lê đưa ra rất đúng và trúng, đây đều là những vẫn đề mà các đơn vị đang gặp phải. Nhưng ngoài ra, tôi rất muốn PGS.TS Nguyễn Trúc Lê thiết kế thành bài giảng dài hơn, nhiều ví dụ hơn và đi sâu vào kỹ thuật triển khai, “định lượng những công việc định tính”. Và, PGS.TS Trúc Lê có thể xây dựng thành một mô hình điển hình, chi tiết từng công đoạn, để có cái nhìn trực quan cho các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN nhìn vào để học tập triển khai.

 
Anh Phạm Vương cho rằng buổi học đã đánh trúng nhiều điều còn vướng mắc 

Kết thúc 4 lớp dạy, do thời lượng thiết kế bài giảng có hạn nên rất nhiều học viên bày tỏ PGS.TS Nguyễn Trúc Lê sẽ tiếp tục mở khóa học trong thời gian sắp tới với thời lượng dài hơn. Một số người cho biết, họ sẵn sàng mời các doanh nghiệp ở ngoài vào học trả phí nếu như khóa học đi vào chi tiết từng đầu mục công việc của doanh nghiệp.

 

Văn Công