Diễn ra từ ngày 26/9 đến 27/9/2020, Khóa học Nhà giáo dục Đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã cung cấp cho đội ngũ giảng viên trẻ có thêm nhiều phương pháp giảng dạy mới, kích thích sự tương tác và chủ động học tập của sinh viên, đồng thời sáng tạo sẽ giúp giảng viên không lặp lại mình qua mỗi ngày, mỗi bài giảng.
Phát biểu tại khóa học, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhấn mạnh: Đổi mới sáng tạo là hoạt động quyết định đến sự phát triển của một đơn vị, nếu không có đổi mới sáng tạo liên tục, hàng ngày thì không những đứng yên một chỗ mà còn đi giật lùi trong sự nghiệp. Trong giáo dục, nếu như ngày nào giảng viên cũng lấy đi lấy lại vài ví dụ, cách mở đề hôm nay chẳng khác gì ngày mai thì sinh viên rất nhanh chán. Vì vậy, khóa tập huấn này sẽ là cú hích phá vỡ tư tưởng “ngại thay đổi, học hỏi, phá vỡ cách dạy cũ”, chỉ có như vậy, trong lòng sinh viên, học viên chúng ta mới là người thầy, người cô sư phạm mẫu mực, sáng tạo và nhân ái.
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê phát biểu tại khóa tập huấn
TS. Hoàng Khắc Lịch - Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự cho biết, tiếp nối thành công của khóa tập huấn trước, ngay khóa tập huấn thứ hai này, các diễn giả đã phải sáng tạo cách trình bày, thể hiện mới, lấy ví dụ và tạo trò chơi do chính diễn giả nghĩ ra chỉ vài ngày trước. TS. Hoàng Khắc Lịch cũng chia sẻ câu chuyện của một vị giáo sư, sau khi lấy ví dụ minh họa cho sinh viên, về sau sinh viên đó làm giảng viên, giáo sư vô tình ngồi dự giờ và lại được nghe lại chính ví dụ của mình, giáo sư rất buồn. Và để tránh đi vào “vết xe đổ” đó, mỗi giảng viên ĐHKT cần không ngừng sáng tạo, đó chính là dấu ấn lớn nhất trong lòng sinh viên ngay cả khi đã ra trường.
TS. Hoàng Khắc Lịch - Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự kể một câu chuyện về sự bắt chước để minh chứng cho việc đổi mới sáng tạo là vô cùng quan trọng Đợt tập huấn này tập trung vào các chuyên đề về tư duy đổi mới sáng tạo với sự trình bày của TS. Trịnh Thị Phan Lan và ThS. Nguyễn Thị Hải Hà; chuyên đề Tư duy thiết kế áp dụng cho việc giảng dạy do TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, TS. Lê Thanh Huyền và ThS. Nguyễn Thị Hải Hà trình bày và chuyên đề cuối cùng là Đổi mới phương pháp giảng dạy: Phương pháp lớp học đảo ngược với sự trình bày của TS. Nguyễn Thị Hương Liên và TS. Nguyễn Thị Thư.
PGS.TS Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng mở đầu khóa tập huấn với các nội dung về đổi mới phương pháp giảng dạy Tại khóa tập huấn, các diễn giả đã khuấy động lớp học bằng các trò chơi, đố vui giống như ở bậc học tiểu học, trung học, tuy vậy hiệu quả lại rất lớn khi kích thích được kiến thức nền trong mỗi người. Các học viên được chia thành từng nhóm với lứa tuổi, ngành học khác nhau để tăng cường sự giao lưu và kích thích tư duy sáng tạo.
Các giảng viên trẻ cùng tham gia một số trò chơi khuấy động lớp học Các nhóm còn sôi nổi đóng kịch nhằm thay đổi không khí lớp học
Các chuyên đề đều rất chú ý đến việc khởi động lớp học sôi động, hiệu quả ngay khi giảng viên bước chân vào lớp đóng một vai trò quan trọng, giảng viên cần biết cách kiểm tra bài cũ mà không tạo áp lực cũng như tinh thần đối phó của sinh viên. Tăng cường các hoạt động kích thích tư duy, những hoạt động sôi động để khiến tất cả các thành viên trong lớp tham gia mà không ai cảm thấy bị lạc lõng.
Giờ học truyền cảm hứng không phải là giờ học dạy được bao nhiêu slide, dạy hết được bao nhiêu bài mà phải là giờ học kích thích được ham muốn học hỏi trong sinh viên, để khi sinh viên về nhà vẫn tò mò và tiếp tục tìm kiếm thông tin trong sách hoặc mạng internet. Sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên là một thước đo quan trọng trong giờ học truyền cảm hứng, những câu hỏi bột phát, những ví dụ không chuẩn bị trước, những câu hỏi "vặn sườn" giảng viên từ sinh viên mới cho thấy hiệu quả của một giờ học.
Giảng viên cùng tham gia chơi trò chơi sáng tạo để giải quyết vấn đề lý thuyết Khóa tập huấn cũng nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ trong giảng dạy, theo đó, giảng viên cần thạo kỹ năng tin học để có thể giảng dạy trực tuyến trong trường hợp bất khả kháng như dịch Covid-19 vừa qua, đồng thời, giảng viên phải có trình độ tiếng Anh thành thạo để cùng phối hợp với giảng viên nước ngoài giảng dạy cho sinh viên.
Kết thúc khóa tập huấn thứ hai, hầu hết các giảng viên đều trang bị cho mình thêm được một số phương pháp giảng dạy mới, điều quan trọng là hình thành được ý thức đổi mới sáng tạo liên tục. Đây không chỉ là yêu cầu tất yếu của mỗi giảng viên mà còn là thước đo đánh giá sự nỗ lực trong công việc của người lao động nói chung.
Một số hình ảnh khác của khóa tập huấn:
_______________