Trang tin tức sự kiện
 
Ký ức về UEB

Lại Mạnh Quân - Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Lane Xang LAP - Lào; Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Quốc tế Anh Em - IDB, Việt Nam; Cựu sinh viên K47-QTKD, Học viên K16-QTKD, Trường ĐHKT - ĐHQGHN
“Những ai không nhớ quá khứ là những người không có trái tim, những ai không nghĩ tới tương lai là những người không có trí óc”. Trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những suy nghĩ về quá khứ - hiện tại - tương lai cho dù chúng ta là trí thức, doanh nhân, công nhân hay nông dân bởi vì quá khứ giúp ta trưởng thành, hiện tại giúp ta kiểm nghiệm và tương lai giúp ta hoàn thiện để cuộc sống thật sự là “sống”.


Tôi cho rằng ký ức cũng là một thứ hạnh phúc và một người sống có ký ức có thể xem là một người hạnh phúc. Như vậy, hạnh phúc sẽ bị lãng phí nếu như ai đó không có ký ức hoặc ký ức của họ cũng chỉ là một chuỗi thời gian trôi đi không có gì để nhớ. Đối với Tôi quá khứ tràn ngập những ký ức đẹp đẽ và được học tập, sinh hoạt dưới mái trường Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (hiện nay là Trường Đại học Kinh tế - UEB, Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những ký ức đẹp đẽ đó. Tôi đến với Trường UEB không phải là một sự tình cờ mà là sự quyết tâm trở thành sinh viên UEB. Ngay từ khi học THPT, Tôi đã nói với bạn bè của mình là sẽ thi vào một trường đại học về kinh tế nào đó và sau khi tìm hiểu vị thế của VNU thì Tôi đã chọn UEB như một quyết định kiên định của mình.

Những năm tháng học tập và hoạt động phong trào Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên đã giúp Tôi rất nhiều trong cuộc sống sau này. Kiến thức giúp Tôi tự tin về chuyên môn, hoạt động phong trào giúp Tôi sở hữu các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên trong quá trình học tập có dịp giao lưu với các trường đại học khác cũng có những ý kiến là UEB đào tạo dàn trải, cái gì cũng biết nhưng không biết gì, cái gì cũng học nhưng không chuyên sâu nên sẽ là “bất lợi” cho sinh viên khi ra trường đi xin việc làm,… Tuy nhiên khi ra trường đi làm và trải nghiệm cuộc sống, Tôi nhận ra rằng chính “bất lợi” đó đã trở thành “thuận lợi” để Tôi làm việc, phấn đấu, trưởng thành và có vị trí trong xã hội. UEB đã cung cấp kiến thức tổng quát, kiến thức “nền” giúp sinh viên sở hữu một “phông” kiến thức cơ bản tốt để từ đó có thể phát triển đi sâu vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế. Với hành trang là Cử nhân kinh tế chuyên ngành Quản trị Kinh doanh (QTKD) Tôi tự tin làm việc ở các Công ty bảo hiểm phi nhân thọ mặc dù kiến thức về chuyên ngành bảo hiểm gần như bằng không, nhưng với những gì đã tích luỹ tại UEB và với sự phấn đấu của bản thân Tôi đã trở thành Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm tại đất nước bạn Lào xinh đẹp khi mới hơn 28 tuổi.

Trong quá trình làm việc, công tác Tôi càng nhận ra rằng để có một kiến thức tổng thể, để có một tư duy bao quát thì việc cung cấp một hệ thống các kiến thức cơ bản cho sinh viên còn quan trọng hơn việc dạy họ kiến thức của một “nghề” giống như câu chuyện cung cấp kiến thức cho người đi câu cá để họ có thể câu ở tất cả các ao, hồ, sông, biển,… sẽ tốt hơn việc dạy họ cách câu cá ở một cái hồ cụ thể. Điều Tôi muốn nói là “sự thích nghi” - một sinh viên sẽ gặp khó khăn nếu chỉ học kiến thức của một “nghề” nhưng không làm việc ở “nghề” đó, còn sinh viên UEB sẽ thích nghi tốt hơn với các doanh nghiệp khác nhau. “Sự thích nghi” còn được thể hiện khi doanh nghiệp gặp khó khăn nếu không đa dạng ngành nghề kinh doanh của mình, do đó những con người làm tại doanh nghiệp cũng cần phải thích nghi và có đủ kiến thức tổng quát để nắm được các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh doanh. Rộng hơn nữa đối với thời đại toàn cầu hoá, nó yêu cầu mỗi người phải trở thành một công dân toàn cầu, một trí thức hội nhập vì hội nhập giống như một mũi Laze san phẳng tất cả những gì là trở ngại của văn hoá, ngôn ngữ, thói quen, tập quán,…để tất cả những người trên thế giới đều có thể chia sẻ, hợp tác, làm việc cùng nhau. Khi đó vai trò của kiến thức tổng thể, tư duy tổng quát được phát triển tốt nhất. Thật may mắn là UEB lại đang đào tào như thế!

Không biết tự khi nào Tôi đã xác định mình gắn bó với UEB và điều đó càng đúng khi một lần nữa Tôi học Sau đại học tại đây. Có nhiều bạn bè tôi đã nói “Học ở UEB chán thế mà sao vẫn học Cao học?” Tôi cười và bảo “Mỗi người có cách nhìn khác nhau về UEB và Tôi nhìn qua lăng kính của mình”.

Lại Mạnh Quân chia sẻ với sinh viên Trường ĐHKT về "Khát vọng và nhiệt huyết trở thành doanh nhân"

Tôi luôn tự hào được học tại UEB, tự tin với kiến thức của mình sau tổng thời gian học tập là 6 năm và nếu có điều kiện thuận lợi Tôi sẽ vấn tiếp tục làm Tiến sỹ tại ngôi trường mà mình đã gắn bó suốt thời gian qua.

Đối với các Em sinh viên thế hệ đi sau! Tôi vẫn quan niệm “Sinh viên là những người giỏi nhất trong những người trẻ là những người trẻ nhất trong số những người giỏi”, Tôi biết mai đây một trong số các Em sinh viên đó sẽ có người luôn mang khát vọng để thay đổi cả thế giới hay có những Em nỗ lực hết mình để tạo nên sự khác biệt nào đó. Đó là nhiệm vụ của các Em đối với bản thân, gia đình, xã hội, là những gì mà dân tộc này muốn các Em làm. Nhưng tất cả vẫn còn là tương lai, hiện tại các Em hãy học tập thật một cách chủ động, chủ ý và học để sống, để làm việc, để trưởng thành chứ không phải học để qua kỳ thi nào đó. Bên cạnh đó các Em cần trau dồi các kỹ năng cần thiết để sau này giúp ích các Em khi ra trường vì kiến thức là điều kiện CẦN nhưng kỹ năng mới là điều kiện ĐỦ cộng với Ngoại ngữ và tin học là điều kiện ĐẦY thì các Em sẽ thành công khi hội tụ đủ các điều kiện “CẦN ĐẦY ĐỦ”

Xin cảm ơn những năm tháng học tập dưới mái trường UEB, xin cảm ơn quý Thầy, cô đã tận tâm, nhiệt huyết truyền tải kiến thức để Tôi trở thành một công dân tốt, một doanh nhân có trách nhiệm với cộng đồng, góp một phần sức lực nhỏ bé để phát triển đất nước Việt Nam, để thắt chặt thêm mối tình hữu nghị Việt Lào.

Và cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 40 năm truyền thống ngày thành lập Khoa kinh tế Chính trị (nay là trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) cho phép Tôi xin chúc UEB của chúng ta không ngừng phát triển, vươn ra Châu lục và có uy tín trên Thế giới. Chúc tất cả các Thầy, cô, các cán bộ làm việc tại UEB luôn tràn đầy sức khoẻ, nhiệt huyết, hứng khởi để tiếp tục truyền đạt tri thức của nhân loại cho sinh viên - những người làm chủ vận mệnh đất nước trong một ngày không xa./.


Trích: Kỷ yếu kỷ niệm 40 năm truyền thống Trường ĐHKT - ĐHQGHN Tháng 11/2014