Trang tin tức sự kiện
 
Ký ức về những người thầy Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

PGS.TS. Hà Văn Hội - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh daonh Quốc tế, Trường ĐHKT, Cựu sinh viên Khoa KTCT, Khóa 7,Trường ĐHTHHN
Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mới ngày nào tôi từ một cậu học sinh của một làng quê thuộc tỉnh đồng bằng, trở thành một tân sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một trường đại học lớn nhất của cả nước. Sự bỡ ngỡ, xen lẫn tự hào khi đứng trước một ngôi trường bề thế xứng danh với vị trí hàng đầu trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam.


Là một người thi khối A, tôi chưa hình dung được mình sẽ học tập như thế nào khi vào Khoa Kinh tế Chính trị. Tuy nhiên, nhờ có sự hướng dẫn tận tình của các thầy, cô trong Khoa nên tôi hòa nhập với môi trường học tập đại học rất nhanh. Trải qua hơn 30 năm, ký ức về những người thầy, không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi:

“Bước chân ta đi trên cát để lại dấu

Con sóng xô bờ để lại thời gian

Người thầy đi qua đời ta để lại ký ức”

Tôi thuộc thế hệ sinh viên Khóa 7 của Khoa Kinh tế Chính trị (tương đương với khoá 25 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) được dẫn dắt bởi thầy Đào Văn Tập là Chủ nhiệm Khoa, thầy Hoàng Kim Giao và cô Vũ Thị Thu là Phó Chủ nhiệm Khoa. Ngày đó, các thầy, cô lãnh đạo cũng như các giảng viên của Khoa vô cùng nghiêm túc, mẫu mực nhưng lại rất gần gũi với sinh viên. Mặc dù đã đứng tuổi và bận rất nhiều công việc, nhưng trong bất cứ một sự kiện hay hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nào, các thầy, cô trong Ban Chủ nhiệm Khoa cũng có mặt để động viên, cổ vũ và chia sẻ cùng với những vui buồn của sinh viên chúng tôi. Với phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, nhưng các thầy, cô trong Ban Chủ nhiệm Khoa vẫn thường xuyên đến ký túc xá để biết được tình hình ăn, ở, sinh hoạt và học tập của sinh viên, đồng thời hỏi han, chia sẻ và giải đáp những tâm tư của sinh viên.
Tôi còn nhớ, khi Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, phát động cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với thanh niên Việt Nam”, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Tôi nghĩ mình tham gia để học hỏi là chính chứ khó có thể giành được giải vì còn có nhiều người viết giỏi hơn mình. Nhưng thật bất ngờ, khi cô Vũ Thị Thu, Phó Chủ nhiệm Khoa đến tận ký túc xá thông báo, tôi là một trong số những sinh viên được chọn báo cáo tại hội nghị của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với bản tính hơi nhút nhát, lại chưa từng trình bày trước đông người bao giờ, nên tôi vô cùng lo lắng. Biết được tâm trạng ấy của tôi, cô Thu cùng với thầy giáo chủ nhiệm xuống tận phòng ở trong ký túc xá để động viên, hướng dẫn tôi cách trình bày vấn đề sao cho rõ ràng, rành mạch. Và thật không phụ lòng của các thầy, cô, lần báo cáo ấy của tôi được đánh giá cao, đồng thời, bài viết của tôi cũng được chọn gửi lên Trung ương Đoàn. Sau khi đạt giải và tôi được đặc cách miễn thi tốt nghiệp môn Chính trị. Có lẽ, từ sau lần đó, cùng với sự tích cực tham gia công tác Đoàn, lớp mà tôi đã rèn luyện được bản lĩnh khi thực hiện công việc sau này. Tôi vẫn luôn biết ơn sự tận tình chu đáo của các thầy, cô trong khoa. Nếu không có sự động viên hướng dẫn của các Thầy, Cô thì cái “vạn sự khởi đầu nan” ấy sẽ khó có thể thành công.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn được sự dìu dắt tận tình bởi các thầy, cô từ Khóa 1, Khóa 2, vừa tốt nghiệp, được giữ lại làm giảng viên tại Khoa Kinh tế Chính trị. Một số thầy, cô được cử làm giáo viên chủ nhiệm các lớp. Hồi đó, các thầy, cô chỉ hơn thế hệ chúng tôi khoảng năm đến mười tuổi nên gắn bó với sinh viên chúng tôi như những người anh, người chị. Có những đêm, chúng tôi tranh luận đến một, hai giờ sáng về một vấn đề vừa được các thầy giảng trên lớp... và nhiều đêm thầy Chủ nhiệm cũng vẫn thức cùng chúng tôi để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề trong nội dung môn học. Chủ đề của cuộc tranh luận đầu tiên khi mới bước vào năm thứ nhất mà tôi còn nhớ như in có liên quan đến vấn đề “hàng mẫu có phải là hàng hóa không?”. Đây là một nội dung nằm ngay trong Chương đầu tiên của cuốn giáo trình Kinh tế Chính trị Mác - Lênin mà chúng tôi đang học. Cuộc tranh luận nổ ra rất hăng, ai cũng có lý lẽ để bảo vệ cho quan điểm của mình. Và thầy Chủ nhiệm, cũng là thầy giáo hướng dẫn thảo luận trên lớp, lại giải thích, nêu thêm những căn cứ để kết luận vấn đề. Sau đó, chúng tôi còn rất nhiều cuộc tranh luận khác nữa, và thầy Chủ nhiệm vẫn luôn là “trọng tài” đáng kính, hướng dẫn, gợi mở để những cuộc tranh luận đó đi đến hồi kết.
Bên cạnh những cuộc tranh luận có vẻ mang tính “tự phát” ấy, còn có những buổi sinh hoạt tập thể ngoài giờ. Khó có thể quên được những buổi tối mùa đông lạnh giá, hay vào những ngày chủ nhật ký túc xá vắng lặng, sinh viên nội trú lớp chúng tôi tập trung vào một phòng, cùng sinh hoạt rất vui vẻ với sự có mặt của thầy Chủ nhiệm. Buổi sinh hoạt không lên lịch thường kỳ, cũng không lên trước chương trình, nội dung bởi thầy Chủ nhiệm luôn tạo ra những chủ đề mở với các vấn đề từ học tập đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày... nhưng mỗi buổi sinh hoạt đó, là một lần mang đến cho chúng tôi thêm những hiểu biết mới về cuộc sống, về tri thức, về cách ứng xử thường ngày.
Ở thời điểm những năm 1980, sinh viên hoàn toàn được Nhà nước bao cấp về ăn, ở. Mặc dù được Nhà nước bao cấp, nhưng những dụng cụ sinh hoạt tối thiểu hàng ngày chúng tôi phải tự lo nên chúng tôi cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thiếu thốn. Đối với những sinh viên nội trú thì sự thiếu thốn ấy luôn thường trực, nhưng bù lại, chúng tôi có sự sẻ chia như anh em trong một gia đình. Mặc dù vậy, chúng tôi đều rất say mê và chịu khó học tập. Cho dù mùa đông rét mướt, với đôi chân không tất, quần áo không đủ ấm; nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn đi bộ từ ký túc xá Mễ Trì lên Giảng đường tại khu Thượng Đình để nghe giảng, họa hoằn lắm mới phải nghỉ một buổi vì… ốm. Và, cho dù mùa hè với cái nóng ngột ngạt, phòng ở không có quạt, nhưng chúng tôi vẫn say sưa tự học. Tôi là một trong số ít các bạn trong lớp đạt điểm 10 luận văn tốt nghiệp đại học (hiện nay gọi là khoá luận) và được giữ lại làm giảng viên của Khoa Kinh tế Chính trị.
Có lẽ, chính sự kiên trì, cố gắng cùng với lòng quyết tâm và sự say mê học tập đã góp phần giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, bởi nếu không có những người thầy, cô luôn sát cánh bên học trò từ khi mới bước vào đời sinh viên, cho đến khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, thì tôi khó có những động lực, hoài bão để hướng tới và chắc hẳn khó có được thành công như ngày hôm nay.
Cũng nằm trong bối cảnh chung thời kỳ những năm 1980, cuộc sống sinh hoạt của các thầy, cô khó khăn trăm bề, nhưng các thầy, cô vẫn vô cùng tâm huyết với những bài giảng lý thuyết, cũng như hướng dẫn hết sức tận tình để sinh viên chúng tôi tiếp cận được với phương pháp học đại học. Trong thời kỳ đó, chúng tôi được học rất nhiều môn gắn với nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, như Triết học Mác - Lênin, Kinh tế Chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa Xã hội Khoa học..., phải nghiên cứu toàn bộ bộ Tư bản của Các Mác, cũng như một số cuốn trong Lênin toàn tập. Đây quả là thử thách đối với chúng tôi khi tất cả đều thi khối A, B, chưa quen với việc đọc, hiểu những nội dung của các môn học mang tính lý luận cao, chưa kể nhìn vào những cuốn sách dày bốn, năm trăm trang đã thấy “choáng” rồi. Tuy nhiên, chính sự tận tình và tâm huyết của các thầy, cô đã giúp chúng tôi dần dần tiếp cận được với phương pháp học tập các môn học lý luận có vẻ như rất khô khan đó. Có thể nói, trong suốt năm năm học đại học, các thầy, cô trong Khoa chính là những người đã truyền cho chúng tôi niềm đam mê học tập, nghiên cứu.
Các thầy, cô của chúng tôi ngày đó, không bằng cấp cao, không nhiều của cải, nhưng cái đáng quý nhất vẫn tồn tại vĩnh cửu, đó là sự tâm huyết, yêu nghề và một tình yêu bao la dành cho lớp lớp sinh viên. Trong tim chúng tôi, các thầy, cô chính là những nhà giáo ưu tú đích thực. Cho dù ngày ấy chúng tôi không có được những phương tiện hỗ trợ hiện đại như ngày nay, mặc dù chỉ với cuốn vở giấy đen, chiếc bút máy cùng với những cuốn sách rất cũ kỹ, nhưng nhờ được học tập và nghiên cứu với những người thầy tâm huyết với nghề, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều: học kiến thức, học phương pháp nghiên cứu và quan trọng hơn cả là học cách làm người, làm một người trung thực, nhân văn, có tri thức, luôn khiêm tốn, giản dị, luôn độ lượng, bao dung.
Trải qua 40 năm phấn đấu và trưởng thành, Khoa Kinh tế Chính trị trước đây, nay đã lớn mạnh thành Trường Đại học Kinh tế -  Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay. Với một nền móng vững chắc, dựa trên bề dày truyền thống và những thành tích rất đáng tự hào, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay đã chứng tỏ sự tiếp nối và phát triển truyền thống của Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi xưa.
Thế hệ sinh viên chúng tôi trước kia, bây giờ đã trưởng thành và tiếp nối thế hệ các thầy,  ô của Khoa Kinh tế Chính trị những năm đầu thành lập, trở thành những giảng viên, những người lãnh đạo của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với tôi, khi lựa chọn vào học tại Khoa Kinh tế Chính trị, tôi vẫn chưa có một định hướng nào khi tốt nghiệp ra trường, nhưng trong năm năm học tập dưới sự dìu dắt của các thầy,  ô, tôi đã yêu nghề thầy giáo từ bao giờ chẳng biết. Và thật vui sướng khi tôi trở thành một giảng viên đại học ngay sau khi tốt nghiệp. Vậy là mong ước của tôi đã trở thành sự thật. Vẫn biết làm một giảng viên đại học sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng nhớ đến những người thầy, cô đã từng sát cánh với tôi trong suốt những năm đại học trước đây, tôi như được tiếp thêm “lửa” nhiệt huyết để quyết tâm trở thành một người kế tục xứng đáng vai trò “truyền lửa ” của các thầy, cô trước đây tới các thế hệ sinh viên hiện tại. Sau gần hai chục năm công tác, tôi đã đạt được những thành công nhất định cho bản thân, đó là sự cố gắng của tôi và quan trọng hơn là sự định hướng, giúp đỡ của các thầy, cô trong những năm học đại học.

PGS.TS. Hà Văn Hội  trong giờ giảng bài cho sinh viên ĐHKT

Giờ đây, khi trở thành một người lãnh đạo Khoa, đồng thời là một giảng viên đại học, tôi thường hay nói với các sinh viên của mình rằng: “chỉ có mười phần trăm thành công của thiên tài là do trời phú, còn chín mươi phần trăm là do nỗ lực bản thân. Bởi vậy, ai trong số các em nếu biết nỗ lực, quyết tâm cũng đều có thể trở thành thiên tài. Chính vì vậy, các em hãy nỗ lực hết mình, đừng bao giờ từ bỏ. Dù cho kết quả không như mong muốn, thậm chí là thất bại thì không có gì phải hối tiếc. Vì các em đã cố gắng hết sức có thể. Chẳng ai có thể trách được các em. Đó là những gì mà thầy đã được học, được trải nghiệm và vận dụng suốt đời”. Bên cạnh đó, qua sự trưởng thành của bản thân mình, tôi nhận thấy sinh viên ở thời kỳ nào cũng không chỉ cần kiến thức, mà các em còn cần cả sự định hướng từ một người thầy biết gắn bó, yêu thương và tâm huyết với họ. Tôi luôn hy vọng các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể trở thành chủ nhân tương lai của đất nước với một nhân cách đẹp và một trí tuệ tuyệt vời.
Tôi luôn tự nhủ, với lối sống giản dị, cởi mở, tâm huyết với nghề và luôn hết mình vì học trò của các thế hệ lãnh đạo Khoa cũng như của các thầy giáo, cô giáo trong những năm đầu Khoa Kinh tế Chính trị mới thành lập, luôn là tấm gương để chúng tôi noi theo trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình.                                                            


Trích: Kỷ yếu kỷ niệm 40 năm truyền thống Trường ĐHKT - ĐHQGHN Tháng 11/2014