Trang tin tức sự kiện
 
Tạp chí Tia Sáng giới thiệu kết quả công bố quốc tế của giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tạp chí Tia Sáng đã giới thiệu kết quả nghiên cứu của TS. Trần Quang Tuyến (Khoa Kinh tế Chính trị) và các cộng sự (TS. Nguyễn Việt Cường, TS. Vũ Văn Hưởng) đã tiến hành trong hai năm qua và kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Hạnh phúc (Journal of Happiness Studies) vào tháng 1 năm 2017.


Đây là tạp chí quốc tế ISI uy tín xuất bản bởi nhà xuất bản Springer Netherlands, xếp hạng Q1 (top 25%) trong trong cả danh mục ISI [SSCI] (Social Sciences, Interdiciplinary) và Scimago-Scopus (Social Sciences). Bạn đọc có thể xem bài báo tại đây.

Lý thuyết và bằng chứng thực nghiệm cho thấy bất bình đẳng về mức sống có tác động tiêu cực tới sự hài lòng cuộc sống của người dân. Bất bình đẳng có tác động tiêu cực bởi nó có thể gây ra các ngoại ứng xã hội tiêu cực như sự căng thẳng xã hội, giảm thiểu sự gắn kết xã hội và gia tăng tội phạm. Hơn nữa, bất bình đẳng hàm ý có nhiều rủi ro về mức sống có thể xảy ra với mọi người. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, bất bình đẳng có tác động tích cực nếu người dân nhìn đó như một cơ hội tốt để dịch chuyển xã hội (social mobility: thay đổi thu nhập, công việc, địa vị). Người dân cảm thấy hài lòng với bất bình đẳng bởi họ nghĩ rằng họ có sẽ có thể cải thiện mức sống trong tương lai gần khi họ thấy những người xung quanh mình trở nên giàu có hơn.

Với sự kết hợp dữ liệu từ Cuộc điều tra người cao tuổi Việt NamCuộc tổng điều tra Nông - Lâm - Thủy sản năm 2011, TS. Trần Quang Tuyến cùng các cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu về tác động của bất bình đẳng (đo bằng mức chi tiêu tiêu dùng đầu người) ở cấp xã tới chất lượng cuộc sống (sự hài lòng cuộc sống hay hạnh phúc) ở người cao tuổi ở nông thôn Việt Nam. Khác với hầu hết các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này đo lường ảnh hưởng của bất bình đẳng ở phạm vi địa lý nhỏ nhất (cấp xã), thay vì cấp vùng hay cấp quốc gia. Đây là điều rất hợp lý bởi người dân cảm nhận cũng như bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi bất bình đẳng ở khu vực địa lý nhỏ nhất mà mình sinh sống. Nghiên cứu này cũng đo lường tác động của bất bình đẳng được đo lường bằng các chỉ số khác nhau, các chỉ định mô hình kinh tế lượng khác nhau để đảm bảo độ tin cậy của kết quả.

Kết quả phân tích hồi quy từ nghiên cứu này cho thấy rằng những người già sống ở các xã bất bình đẳng cao có xu hướng tự đánh giá mức hài lòng cuộc sống thấp hơn, ngay cả khi mô hình hồi quy đã kiểm soát các thuộc tính cá nhân và hộ gia đình. Điều đó hàm ý rằng bất bình đẳng có tác động tiêu cực tới chất lượng cuộc sống của người cao tuổi ở nông thôn. Các kết quả nghiên cứu là tin cậy với các chỉ định mô hình kinh tế lượng cũng như các thước đo bất bình đẳng khác nhau. Kết quả nghiên cứu ủng hộ quan điểm rằng nông thôn Việt Nam là một xã hội kém linh động (a less mobile society). Nghiên cứu cũng cho thấy tác động của bất bình đẳng là mạnh hơn với những người cao tuổi là người nghèo hoặc nông dân. Các phát hiện nghiên cứu có hàm ý chính sách rằng các chính sách hỗ trợ người cao tuổi nên tập trung cho người nghèo và nông dân vì chất lượng cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tình trạng bất bình đẳng.


Lan Anh