Trong chương trình, ông Nguyễn Hồng Long - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D), điều phối viên khu vực Đông Dương của dự án SPIN (Sustainable Product Innovation ) đã trao đổi với đại diện các doanh nghiệp về nội dung “Đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững”. Qua đó, các doanh nghiệp đã được tư vấn về chiến lược phát triển chung, các bước để phát triển sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được cung cấp thông tin về cơ hội hỗ trợ chuyên môn và hỗ trợ tài chính trực tiếp từ phía dự án SPIN.
“Phát triển bán hàng qua Internet” là nội dung tiếp theo được trao đổi tại chương trình do ông Hoàng Trọng Nghĩa - Giám đốc công ty Grandpa’s Garden - một doanh nghiệp vay vốn Thriive năm 2012 trình bày. Ông Nghĩa đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng một hệ thống website gồm: hệ thống quản lý nhân viên online, đơn hàng online cũng như hệ thống quản lý số liệu kinh doanh và cách xử lý khi hệ thống bị thâm nhập. Việc sử dụng thương mại điện tử để tăng doanh số và lợi nhuận là nhu cầu của rất nhiều doanh nghiệp vay vốn Thriive, do đó phần chia sẻ này nhận được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của đại diện các doanh nghiệp.
Chương trình “Bàn tròn tư vấn” kết thúc với phần giới thiệu về “Quy trình xuất khẩu sản phẩm tới thị trường quốc tế” của PGS.TS. Hà Văn Hội - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN). Phần trình bày giúp các doanh nghiệp tìm hướng giải quyết cho một số trường hợp gian lận thương mại liên quan tới thủ tục xuất khẩu và giúp các doanh nghiệp hình dung rõ hơn từng bước đàm phán ký hợp đồng, các thủ tục hải quan bắt buộc và hình thức thanh toán bằng thư tín dụng một cách hiệu quả nhất.
Cán bộ CEDS, các doanh nghiệp và tình nguyện viên Thriive Hà Nội cùng nhau chuẩn bị bữa ăn cho các em nhỏ tại Trung tâm Đào tạo nghề cho người khuyết tật Vì ngày mai
Phần giao lưu giữa các doanh nghiệp, các tình nguyện viên Thriive và em nhỏ khuyết tật đã diễn ra trong nhiều tiếng cười, niềm vui. Thanh Bình - một tình nguyện viên, đồng thời là sinh viên Trường ĐHKT - đã viết thư về cho Thriive chia sẻ: “Các bạn ở trung tâm tuy có những điều thiệt thòi nhưng mình nhìn thấy ở họ nghi lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống. Đây có lẽ là kỷ niệm đẹp, khó quên đối với mùa hè của sinh viên năm nhất như mình. Cảm ơn Thriive và CEDS đã tạo cho mình cơ hội để cùng các doanh nghiệp tham gia một hoạt động ý nghĩa như vậy”.
Không khí vui vẻ và đầm ấm của buổi giao lưu
Thriive Hà Nội sẽ tiếp tục con đường của mình trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển thông qua việc cho doanh nghiệp vay vốn không lãi suất và giúp đào tạo tư vấn phát triển kinh doanh. Đồng thời, dự án cũng hướng đến nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tham gia dự án nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Thriive - Chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN và Tổ chức Thriive Hoa Kỳ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn không lãi suất để mua sắm máy móc, trang thiết bị sản xuất. Vốn vay được trả trong vòng 2 năm bằng cách cung cấp miễn phí các sản phẩm/dịch vụ của chính doanh nghiệp với giá trị tương đương vốn vay gốc cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình Thriive tại Hà Nội đã thực hiện được 8 giai đoạn, từ 2005 tới nay, với 80 lần cho vay, 66 doanh nghiệp đã được vay tổng số tiền là 760.000 đô la Mỹ. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho 1200 lao động và gần 96.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm dịch vụ từ thiện của chương trình. Năm 2013, giai đoạn 9 của dự án sẽ được khởi động. Dự kiến 12-14 doanh nghiệp sẽ được vay vốn của chương trình. Các doanh nghiệ quan tâm vui lòng theo dõi thông tin trên website www.ceds.edu.vn. |