Là một hạng mục quan trọng nhất của dự án, Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý công liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại học Uppsala (Thụy Điển) được đánh giá cao cả về phía dự án, đơn vị đánh giá dự án độc lập và học viên của chương trình.
Với khung chương trình đào tạo được thiết kế dành cho đối tượng cán bộ nhà nước, được giảng dạy bởi giảng viên giỏi (bằng tiến sĩ trở lên), từ năm 2009, Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý công liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và ĐH Uppsala được biết đến như một trong những chương trình hợp tác thành công nhất ở Hà Nội về khía cạnh đóng góp cho sự đổi mới của hành chính công Việt Nam.
Tính cho đến tháng 6/2012 đã có gần 200 học viên tốt nghiệp chương trình và được ĐH Uppsala cấp bằng, góp phần làm tăng số lượng cán bộ làm trong lĩnh vực hành chính công nhận bằng thạc sĩ quốc tế. Chương trình cũng đóng góp cho sự đổi mới hành chính công bằng việc chuyển tải kiến thức chống tham nhũng và bình đẳng giới thông qua các môn học tới các cán bộ làm việc trong lĩnh vực này.
Chương trình tự hào được Ủy ban Dân tộc (CEMA) chọn lựa để đào tạo 2 lớp thạc sĩ cho dự án “Nâng cao chất lượng hoạch định và thực hiện chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Chính phủ Ailen tài trợ. Sau khi triển khai hoạt động tuyển sinh đầu vào, số lượng học viên tham gia khóa học là: 63 học viên. Theo đúng tiến độ đào tạo, tính đến ngày 16/6/2012 đã có 58 học viên đủ điều kiện xét tốt nghiệp (đạt tỷ lệ 92% tốt nghiệp).
TS. Vũ Anh Dũng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu trong hội thảo, TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN đã thay mặt nhà trường tóm tắt lại 6 thành công của khóa học:
- Đơn vị cấp bằng là Đại học Uppsala - một trường đại học lâu đời, có uy tín tại khu vực Bắc Âu. Trường được thành lập năm 1477, có thứ hạng 62 trong danh sách những trường đại học hàng đầu thế giới.
- Đơn vị quản lý là Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có điều kiện vật chất cơ sở hiện đại cùng một đội ngũ giảng viên giỏi, giàu kinh nghiệm thực tiễn, được đào tạo ở các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài trực tiếp tham gia tư vấn, giảng dạy cho chương trình.
- Học viên được học tập và nghiên cứu với các giảng viên và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý công. Theo thống kê, học viên chương trình được học tập và nghiên cứu với 22 tiến sĩ, 4 PGS, 4 GS và nhiều diễn giả nổi tiếng như: PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ, ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, PGS.TS Hoàng Phước Hiệp - Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp.
- Chương trình thạc sĩ Quản lý công (MPPM) liên kết giữa Trường ĐHKT - ĐHQGHN và ĐH Uppsala đã tuyển sinh được 5 khóa, trong đó có khóa 2 đào tạo các cán bộ quản lý nhà nước trong quy hoạch thuộc khuôn khổ Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, chương trình rất phù hợp với cán bộ quản lý nhà nước.
- Học viên lớp Ủy ban Dân tộc là những cán bộ, công chức; cán bộ thuộc diện quy hoạch, có ý thức học nghiêm túc, tham gia đầy đủ các buổi học.
- Công tác giám sát, quản lý chất lượng trong chương trình luôn được thực hiện nghiêm túc. Các học viên thường xuyên được nhắc nhở về các quy định của chương trình cũng như thái độ, mức độ chuyên cần. Sau mỗi môn học, học viên sẽ đánh giá tổng thể về môn học theo phiếu đánh giá bao gồm: đánh giá giảng viên (kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy…); tài liệu, học liệu; cách tổ chức khóa học; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ lớp học... Việc đánh giá này sẽ được thực hiện đều đặn sau mỗi môn học để duy trì và nâng cao chất lượng của chương trình. Nhìn chung, các học viên đều hài lòng với môn học, giảng viên và cách tổ chức của chương trình.
Kết quả điều tra của Đại học Uppsala và của đơn vị đánh giá dự án độc lập thực hiện với các học viên tốt nghiệp của chương trình cho thấy: các kiến thức và kỹ năng được giảng dạy trong chương trình đã có một ảnh hưởng rất tích cực đến nghề nghiệp của học viên tốt nghiệp. Đặc biệt là các mảng kiến thức về: lãnh đạo và phát triển tổ chức (organizational development and leadership); quản trị nhân sự (human resources management), lĩnh vực công của Việt Nam (Vietnam’s public sector), kinh tế chính trị và hệ thống phúc lợi (comparative politics and welfare system), đánh giá và đo lường ở các tổ chức công (Monitoring and Evaluation in public agencies)… được cải thiện đáng kể.
Đặc biệt, chương trình đã có ảnh hưởng tích cực đến định hướng và khả năng nghề nghiệp của học viên sau khi tốt nghiệp. Hầu hết các học viên được hỏi đã có những tiến bộ rõ rệt trong phát triển kiến thức, kỹ năng và hành vi hữu ích cho công việc sau này.
Buổi hội thảo đã diễn ra tốt đẹp với nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các đại biểu. Chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý công là chương trình được các chuyên gia hàng đầu của Thụy Điển và Việt Nam tư vấn thiết kế dựa trên khung chương trình chuẩn của Đại học Uppsala.
Chương trình đã chứng minh là rất hữu ích và phù hợp với cán bộ làm công tác quản lý và cán bộ thuộc diện quy hoạch của các cơ quan công quyền và cơ quan cung cấp dịch vụ công của Việt Nam. Chương trình đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận kiến nghị nếu có nguồn kinh phí, đề nghị chính phủ Ailen tài trợ thêm cho việc tổ chức các lớp đào tạo tương tự cho cán bộ ở địa phương.