Sau khi nghe ThS. Sái Công Hồng - Phó Giám đốc phụ trách TTĐBCLGD trình bày về quy trình điều tra khảo sát đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho việc xây dựng nội dung và thực hiện lấy phiếu trưng cầu để đảm bảo tính khách quan cho các nguồn thông tin. Các ý kiến tập chung chủ yếu vào một số nội dung sau:
- Việc đánh giá chỉ nên đề cập đến hoạt động giảng dạy của giảng viên.
- Các nội dung đánh giá giảng viên và đánh giá môn học nên được tách biệt để tránh có những hiểu sai về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Đặc biệt là các kết quả đánh giá nên được chuyển trực tiếp đến giảng viên để đảm bảo tính khách quan của việc đánh giá, đồng thời nhằm giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình.
- Cần xác định rõ mục đích của việc đánh giá để tránh có những hiểu sai. Các thông tin đánh giá phải đi 2 chiều từ giảng viên - sinh viên và ngược lại để không chỉ đảm bảo về chất lượng đào tạo mà còn là đáp ứng sự hài lòng của người thụ hưởng (sinh viên).
- Nên thận trọng trong việc sử dụng các kết quả đánh giá đó để việc đánh giá thực sự đem lại lợi ích trong nâng cao chất lượng đào tạo.
Đối với công tác quản lý và ra đề thi, hiện nay công tác quản lý và bảo mật đề thi về cơ bản đã được thực hiện tốt và đem lại những kết quả nhất định. Việc quản lý đề thi của các cấp đào tạo cũng nên tập trung vào một đơn vị đầu mối để đảm bảo tính bảo mật của công tác ra đề thi kiểm tra cuối khóa.
Kết thúc buổi họp TS. Nguyễn Ngọc Thanh khẳng định: Mục đích của việc đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên tại ĐHKT là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung và chất lượng giảng dạy của giảng viên nói riêng. Việc trưng cầu ý kiến đánh giá trên không nhằm mục đích đánh giá tư cách nghề nghiệp của giảng viên mà nhằm tạo điều kiện cho sinh viên - đối tượng thụ hưởng được tham gia đóng góp các ý kiến cho môn học, thông qua đó nhà trường và giảng viên có những điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của môn học và yêu cầu học tập của sinh viên. Việc quản lý đề thi, in sao đề của các cấp đào tạo (đại học, sau ĐH, tại chức) sẽ do Trung tâm ĐBCLGD làm đầu mối sau khi có các quy định phân cấp rõ ràng. Nhà trường đã có những yêu cầu cụ thể về việc ra đề thi (theo công văn số 583/ĐHKT-ĐBCLGD ngày 14/4/2011 về việc ra đề thi hết môn đối với đào tạo hệ cử nhân chính quy và đào tạo liên kết trong ĐHQGHN), các chủ nhiệm bộ môn chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung của đề thi môn học. Đề thi phải đánh giá được năng lực của người học trên 4 cấp độ: (i) tái hiện - biết, (ii) tái tạo - hiểu, áp dụng, (iii) lập luận - phân tích và đánh giá, (iv) sáng tạo và phân biệt được năng lực của người học. Cán bộ, giảng viên cần thực hiện theo đúng quy trình đã đề ra để hình thành tác phong học tập tốt cho sinh viên.