Khái niệm quản trị cuộc đời nên được hiểu như thế nào, thưa ông?
Quản trị cuộc đời là những điều đặc biệt cần thiết cho cuộc đời nhưng lại chưa hoặc rất ít được dạy ở trường, nhất là ở bậc phổ thông trước khi bước vào đại học. Người ta thường nói: 12 năm học phổ thông là để làm người, còn 4 năm học đại học là để làm việc. Nhưng từ "làm người" nhiều khi người ta nói riết đi nên nó trở nên sáo rỗng và mất đi cái thiêng liêng. Nếu học tốt quản trị được cuộc đời thì mình sẽ sống đàng hoàng, thành công trong mọi nghịch cảnh.
Không có kỹ năng "Quản trị cuộc đời" có phải là lý do khiến nhiều bạn trẻ từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã trăn trở: Rồi mai này đời ta sẽ đi đâu về đâu...?
Đúng vậy. Đó là câu hỏi của những bạn trẻ chưa xác định được cái chiến lược của cuộc đời mình. Tôi lấy ví dụ, trong phim "Alice ở xứ sở thần tiên" có đoạn: Alice hỏi mèo là tớ nên đi đường nào bây giờ. Mèo nói: Điều đó tùy thuộc vào nơi bạn muốn đến là chỗ nào? Alice nói: Tớ thực sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến. Mèo trả lời: Thế thì cậu cũng không cần phải quan tâm mình nên đi đường nào. Một khi cậu không quan tâm nơi mà mình muốn đến thì đi đường nào mà chẳng được! Điều đó có nghĩa là: Nếu bạn không biết mình sẽ đi đến đâu thì sẽ chẳng bao giờ tới đích!
Làm thế nào để một người trẻ có thể định hình được chiến lược của cuộc đời mình, thưa ông?
Có 3 điều giúp người ta xác định được chiến lược cuộc đời để dám mơ ước điều gì đó: Thứ nhất là ý nghĩa cuộc đời mình nằm ở đâu; thứ hai là căn của tôi là gì và thứ ba là cốt của tôi đến cỡ nào. Không có 3 điều này thì mơ cũng chỉ là tào lao! Cái căn chỉ chiếm một phần rất nhỏ bé nhưng nếu thiếu nó sẽ rất khó để người ta thành công. Kế đó là cái cốt đến đâu. Có người nói em có căn kinh doanh, nhưng cốt của em đến đâu? Cốt đại bàng hay cốt gà. Cốt gà thì chỉ kinh doanh tạp hóa được thôi, có cốt đại bàng mới mong là chủ tập đoàn đa quốc gia.
Đầu tiên các bạn phải làm rõ đích đến của mình là chỗ nào. Sau đó nhận biết mình là ai và mình đang ở đâu? Cái khó nhất là biết mình là ai.
Và khi đó, để biết mình là ai thì người ta nên làm gì, thưa ông?
Tôi lấy ví dụ, nếu bạn làm cho một công ty, khả năng của bạn làm được 5 triệu đồng nhưng họ chỉ trả bạn 2,5 triệu đồng, vậy bạn sẽ làm việc như thế nào? Nếu các bạn làm 2,5 triệu đồng (tức là dưới sức mình) thì các bạn hiển nhiên mất đi 2,5 triệu đồng và mất luôn cả danh dự, phẩm giá của mình. Còn nếu làm 5 triệu đồng thì các bạn có thể bảo vệ danh dự của mình nhưng mất đi cơ hội để biết mình là ai. Lời khuyên của tôi là các bạn hãy làm ra 10 triệu đồng!
Nhưng mình làm thế không phải là vì mình thương người ta mà vì mình thương chính bản thân mình mà thôi. "Cách tốt nhất để biết mình là ai là: Hãy quên mình đi khi làm một việc gì đó hoặc khi phục vụ ai đó". Do vậy, đi làm không phải chỉ để kiếm tiền mà là để kiếm tìm những thứ khác, để rồi không phải là tạo ra tiền mà là rất nhiều tiền. Đó là cách nghĩ của người khôn ngoan.
Tài sản lớn nhất mà các bạn trẻ đang có chính là tuổi trẻ và thời gian để thực hiện những điều mình muốn. Khi mà con người ta không còn hữu ích thì đó là khi con người ta đã chết. Người ta luôn phải tâm niệm sống có ích kể cả khi đã qua đời! Việc các bạn tham gia công tác Đoàn - Hội ở trường rất đáng quý, nhưng đừng nghĩ các bạn làm điều đó vì phục vụ cho những sinh viên khác, mà là đang giúp chính mình có những trải nghiệm mà không phải lúc nào cũng có cơ hội thực hiện.
Các bạn có thể biến 4 -5 năm đại học của mình thành có ý nghĩa hoặc không là gì cả. Thước đo trưởng thành của con người không phải là tuổi tác mà chính là những gì các bạn đã trải qua trong cuộc đời này.
Trên con đường kiếm tìm công danh, các bạn trẻ nên tuyệt đối tránh điều gì, thưa ông?
Có ba chiến lược nên tránh, thứ nhất là "Gì làm nấy", đây là điều nguy hiểm nhất trong xã hội. Cái gì em chơi được là em chơi thôi chứ chẳng cần biết nó có thích hợp và mang tính tích lũy hay không. Thứ hai là "cố đấm ăn xôi", nghĩa là biết đi đường đó là sai, ngừng sớm là bớt thiệt hại nhưng vẫn cố đi vì không biết đi đường nào khác và ngại gian khổ. Cũng giống như nhiều bạn sinh viên, biết ngành mình học không hợp nhưng trót học 1 - 2 năm rồi nên vẫn cố tiếp tục, để rồi ra trường cũng chẳng thể làm được điều gì lớn lao. Cũng là một dạng cố đấm ăn xôi nhưng xôi chẳng thấy đâu, toàn ăn đấm không. Thứ ba là "tham dì mất má", nghĩa là trong cuộc đời làm nhiều thứ, mình làm tốt cái này nhưng thích cả những cái khác nữa, bỏ chuyển sang để rồi cũng chẳng đến đâu. Phải xác định con đường của mình, kiên trì với nó. Đừng có hái hoa bắt bướm nhiều quá thì sẽ chẳng bao giờ đến được đỉnh cao của mình. Nhưng nếu tham dì mà không mất má thì lại là một điều tốt.
Giữa cái công và cái danh, điều gì có ý nghĩa và đáng để con người ta theo đuổi hơn, thưa ông?
Muốn có danh thì phải có công. Có công sẽ có danh. Những người nổi tiếng hàng đầu thế giới là những người làm được nhiều việc nhất cho người khác. Những người chỉ chú tâm đi tìm tiền bạc, danh vọng sẽ chẳng bao giờ thấy. Hoài bão là muốn làm điều gì đó cho mình (vì mình), còn sứ mệnh là mang lại điều gì đó cho ai (sống để làm gì). Mỗi người chỉ có một cuộc đời, do đó phải biết rõ mình muốn dùng cuộc đời vào việc gì và việc đó có đáng hay không. Trong cuộc đời, người ta có thể lãng phí nhiều thứ như tiền, tài, tình,… nhưng đừng bao giờ phí phạm cuộc đời. Đừng cố gắng trở thành một người thành công mà hãy cố gắng trở thành người có giá trị.
Những hành động sai lầm của con người (ngu) xảy ra trong ba trạng thái: Khi bị tổn thương, sự thù hận và phó mặc cuộc đời. Người phương Đông sinh ra là người khôn ngoan, phương Tây thì bản chất là ích kỷ. Chính giáo dục là thứ biến người ta thành đại nhân. Nhưng tại sao sau này người ta lại trở thành ác nhân và ngu nhân? Đó là giáo dục, con dao hai lưỡi.
Loại người đáng sợ nhất trong cuộc đời là giả nhân, tức là nghĩ một đường, nói một nẻo, làm một kiểu.
Tất cả những gì mà mình nhận được từ cuộc đời luôn luôn là sau những gì mà mình đã làm cho cuộc đời. Nếu các bạn muốn có được tình yêu thương từ những người khác thì các bạn chỉ có thể có được khi làm việc đó với họ.
Nhiều sinh viên hiện nay cho rằng, sống lý tưởng là dại dột. Ông nghĩ sao về điều này?
Người khôn ngoan là người thực dụng hay lý tưởng? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Nếu chỉ thực dụng hoặc lý tưởng thôi thì đều sẽ chết. Nếu mình sống vì người sẽ không được người khác chấp nhận. Còn nếu chỉ biết sống vì mình thì chẳng ai muốn thân, muốn làm bạn, kể cả người thân mình cũng chẳng chấp nhận được. Nếu lúc nào cũng vì người thì mình sẽ chẳng có được thứ gì. Mà không được gì thì ngu gì mà cứ làm mãi? Theo tôi, người khôn ngoan là người vô cùng lý tưởng và cực kỳ thực dụng! Lý tưởng thực tế khác với lý tưởng sáo rỗng và thực dụng khôn ngoan thì khác với thực dụng ngu ngốc. Chỉ có ích kỷ mới làm nên điều lớn lao.
Nhưng có hề gì khi bản chất của con người là ích kỷ và nhiệm vụ của giáo dục là biến cái ích kỷ ngu ngốc thành cái ích kỷ khôn ngoan. Ích kỷ là động lực phát triển của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia… nhưng quan trọng là ích kỷ kiểu gì để phát huy mặt tốt.
Với nhiều bạn trẻ, tấm bằng đại học giống như tấm hộ chiếu để vào đời. Không có nó, hẳn một người sẽ gặp rất nhiều khó khăn... Ông nghĩ sao về điều này?
Việt Nam luôn tự hào là tuy nghèo nhưng học giỏi nhưng tại sao học giỏi mà vẫn nghèo? Vậy cái giỏi đó là giỏi gì, thi hay học. Giỏi giải quyết những vấn đề của xã hội, cá nhân, đất nước hay thế giới. Hãy học đừng vì bằng cấp, mà hãy học vì đẳng cấp của chính mình!
Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời này. Nếu bạn không hài lòng với bất cứ điều gì (gia đình, đất nước, thế giới…) thì chính bạn phải là người thay đổi chứ không phải là người khác.
Học các trường danh tiếng để làm gì? Nếu chỉ để lấy kiến thức thì tôi ở nhà, lên Internet cũng được. Học trường tốt là học cách suy nghĩ của họ. Sinh viên ở MIT, Harvard… ra trường luôn với suy nghĩ trong đầu là có thể làm gì thay đổi thế giới, còn sinh viên mình, cố gắng ra trường kiếm việc làm và… chấm hết!
Với tôi khái niệm về người thầy khá rộng. Có 5 người thầy quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người:
Thứ nhất là sách (vĩ đại, rẻ nhất và dễ có nhất). Một cuốn sách hay có thể làm thay đổi một cuộc đời, một xã hội mà giá có khi chỉ bằng một tô phở. Chỉ cần khoảng 50.000VNĐ bạn đã có thể mang về đầu giường mình một người thầy có thể dạy mình từ nửa đêm tới khi gà gáy.
Thứ hai là người thầy bằng xương bằng thịt. Bất cứ ai giúp bạn khai sáng, hiểu được những điều mà trước đây bạn chưa biết thì đều là thầy tốt của bạn, họ có thể là cha mẹ, bạn bè, hoặc là một người xa lạ.
Thứ ba là những trải nghiệm. Đôi khi chúng ta phải trả giá để có được những kinh nghiệm sống.
Thứ tư là những nhân vật lớn, có uy tín trong xã hội. Các bạn có thể học từ họ qua sách, báo, TV, Internet… Nhưng bạn phải xác định ai đáng tin, ai đáng học. Đừng học hoài để rồi ngẫm ra lại học toàn những điều vô nghĩa!
Cuối cùng là Internet. Sự vĩ đại của nó thật khó diễn tả mà trong đó "bác" Google là có sức mạnh lớn nhất. Nhưng vấn đề là các bạn lên mạng để làm gì. Tôi lấy làm lạ là nhiều người lên mạng chỉ để "chat" (nói chuyện, tán gẫu). Tại sao "chat" hư người? Đại nhân bàn về ý tưởng, trung nhân bàn về công việc còn tiểu nhân bàn về người khác! Quan trọng là biết khai thác Internet phục vụ công việc và cuộc sống của mình.
Trong mỗi đời người nên tự trả lời những câu hỏi ngắn: Sống vì mình/vì người, sống thực dụng/ích kỷ, nên vì cái chung hay cái riêng, nên chơi hay làm việc, sống vì công hay vì danh?...