Phát triển đô thị thông minh là một quá trình liên tục và lâu dài, cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Hơn nữa, chính sách là một trong những vấn đề trọng tâm có ảnh hưởng đến 06 yếu tố cấu thành ĐTTM bao gồm: Doanh nghiệp thông minh; Cuộc sống thông minh; Giáo dục thông minh; Cộng đồng thông minh; Chính phủ thông minh; Hạ tầng thông minh; Tiện ích thông minh; Di động thông minh; Môi trường thông minh. Xây dựng mô hình ĐTTM thành công cần có lộ trình và chính sách phù hợp.
Chính sách phát triển ĐTTM trên thế giới
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách ĐTTM được chú trọng và phát triển. Các thành phố của Mỹ có chính sách tích hợp công nghệ như là một phần quan trọng trong các dự án đô thị thông minh, nhưng chỉ có một số thành phố như San Jose đề xuất áp dụng chiến lược kỹ thuật số để chuyển đổi cách thức hoạt động của mình (Hu và cộng sự, 2021). Chính sách đô thị thông minh của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai qua Sáng kiến Chiến lược Thành phố Thông minh Thổ Nhĩ Kỳ, do Hiệp hội Tin học Thổ Nhĩ Kỳ (TBV) khởi xướng. Mục tiêu của chính sách này là hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua việc triển khai các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực quan trọng như giao thông, năng lượng bền vững, y tế, an ninh và môi trường (ITA, 2024). Các đô thị ở Anh theo tiêu chuẩn BSI, tuy nhiên, khung pháp lý và các chính sách đôi khi không đồng nhất và có thể thiếu sự linh hoạt (Kubina và cộng sự, 2021). Chiến lược Công nghiệp nêu rõ cách Chính phủ Vương quốc Anh xây dựng đất nước phù hợp với tương lai. Chiến lược Công nghiệp của Vương quốc Anh đã xác định bốn thách thức lớn: AI & dữ liệu, tăng trưởng sạch, xã hội già hóa và tương lai của di chuyển. Đây là những lựa chọn chiến lược dựa trên các điểm mạnh của Vương quốc Anh nhằm đặt ra định hướng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai và hướng tới việc kích thích một nỗ lực quốc gia tập thể với doanh nghiệp, xã hội và chính phủ để đối mặt với những thách thức này và xây dựng khả năng cạnh tranh toàn cầu của Vương quốc Anh (DIT, 2020). Chính quyền thành phố Amsterdam đã ban hành và thực thi các chính sách liên quan đến đô thị thông minh thông qua các dự án của Smart City Platform, nhằm cải thiện hoạt động đô thị và tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan (Sancino và cộng sự, 2020). Chính quyền thành phố Bristol thực hiện các sáng kiến đô thị thông minh thông qua việc phát triển các kế hoạch và dự án trong khuôn khổ của Smart City Bristol. Mặc dù có sự thay đổi trong ngân sách và cơ cấu, thành phố vẫn tiếp tục thực hiện và quản lý các chính sách đô thị thông minh (Sancino và cộng sự, 2020). Chính phủ Ấn Độ đã triển khai Sứ mệnh Phát triển 100 thành phố thông minh, một sáng kiến lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển hạ tầng đô thị thông minh. Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ Quan hệ đối tác công-tư (PPP) như một chính sách trọng điểm để huy động vốn và thực hiện các dự án này (IBEF, 2024).
Bài học kinh nghiệm được rút ra từ các chính sách ĐTTM tại một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới, đó là: Cần tạo ra một chiến lược toàn diện và tầm nhìn dài hạn; Chính quyền địa phương và lãnh đạo chính trị; Xây dựng hệ thống dữ liệu mở và minh bạch; Ứng dụng công nghệ trong quản lý thành phố; Mô hình quản trị linh hoạt và sáng tạo; Sự tham gia của các tổ chức quốc tế và tổ chức nghiên cứu; Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ mạnh mẽ; Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thông qua công nghệ và nền tảng trực tuyến: Tăng cường hợp tác công-tư; Thực hiện các diễn đàn và chương trình tham gia cộng đồng; Khuyến khích sự giám sát và đánh giá cộng đồng; Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về đô thị thông minh; Phát triển các mô hình thử nghiệm và thí điểm; Chú trọng đến các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương; Cải thiện quá trình ra quyết định qua các cuộc tham vấn; Tạo ra các không gian cộng đồng cho sự sáng tạo; Chú trọng vào việc phản hồi và điều chỉnh chính sách; Tạo ra những chính sách hỗ trợ từ cấp độ quốc gia;…
Chính sách phát triển ĐTTM tại Việt Nam và một số đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ĐTTM
Tại Việt Nam, chủ trương, chính sách phát triển ĐTTM bền vững đã được nhận định trong các văn bản như: Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông Công bố bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (Phiên bản 1.0); Văn bản 693/BXD-PTĐT ngày 21/2/2020 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam;…
Kể từ thời điểm bắt đầu triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030, đến nay, cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, gồm đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh hoặc đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh, 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh. Mặc dù vậy, quá trình phát triển các dự án ĐTTM tại hầu hết các địa phương cho thấy một số tồn tại, hạn chế cần giải quyết như:
- Thứ nhất, thiếu khung pháp lý và tiêu chuẩn liên quan: Hiện nay, hệ thống pháp luật và tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến ĐTTM chưa đầy đủ. Hành lang pháp lý chưa thuận lợi cho hợp tác công tư, đặc biệt các thủ tục liên quan đến đầu tư, đấu thầu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. ĐTTM là một lĩnh vực liên ngành, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó việc xây dựng giải pháp khung trở nên phức tạp hơn.
- Thứ hai, hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị chưa đồng bộ: Dữ liệu đô thị hiện thiếu sự đồng nhất, phân tán ở nhiều ngành khác nhau, gây khó khăn cho việc dự báo, định hướng và quản lý. Kế hoạch triển khai ĐTTM hiệu quả phụ thuộc vào nguồn dữ liệu chính xác, đầy đủ, trong khi việc thu thập và xử lý dữ liệu lớn (Bigdata) lại ẩn chứa nhiều rủi ro về an ninh và bảo mật.
- Thứ ba, nguồn lực phát triển còn hạn chế: Tài chính và nguồn lực cho phát triển ĐTTM chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến đầu tư riêng biệt và thiếu hệ thống. Năng lực công nghệ thông tin, truyền thông và khả năng kết nối vạn vật còn đang bị giới hạn. Sự chênh lệch về mức độ giữa các bộ phận, đơn vị, địa phương và các khu vực là vấn đề lớn.
- Thứ tư, thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương: Cộng đồng địa phương chưa thực sự quan tâm, tham gia hoặc đầu tư vào ĐTTM. Người dân cũng bị hạn chế trong việc tiếp cận và thích ứng với các công nghệ mới,…
Do đó, trong thời gian tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách cần rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ĐTTM làm cơ sở triển khai hiệu quả các mô hình ĐTTM tại các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài tư vấn chính sách “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, phát triển đô thị thông minh và hàm ý cho Việt Nam”, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ĐTTM như sau:
- Thứ nhất, ưu tiên triển khai hàng đầu công tác hoàn thiện cơ chế chính sách kết hợp phát huy các nguồn lực trong quản lý và phát triển ĐTTM, bao gồm cơ chế đặc thù cho phát triển cho từng khu vực. Rà soát, điều chỉnh, lồng ghép cơ chế, chính sách khuyến khích các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng phát triển ĐTTM,…
- Thứ hai, rà soát đánh giá toàn diện thực trạng và điều chỉnh kịp thời các định hướng, chiến lược, chương trình, cơ chế chính sách quốc gia về quản lý và phát triển ĐTTM cụ thể tại các địa phương, nhằm tạo điều kiện phát huy lợi thế và tiềm năng và tính đặc thù của mỗi địa phương. Đồng thời có lộ trình, hướng dẫn cụ thể về xây dựng ĐTTM để giải quyết tình trạng triển khai còn lúng túng và chạy theo xu thế của một số địa phương Thúc đẩy các sáng kiến, chủ động hợp tác liên kết vùng và hợp tác giữa các ĐTTM, chùm đô thị, đẩy mạnh hợp tác công tư, hợp tác quốc tế. Đề xuất điều chỉnh cơ chế phân bổ đầu tư có trọng điểm trong ĐTTM.
- Thứ ba, chủ động đề xuất điều chỉnh, bổ sung cập nhật những nội dung đặc thù của trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng ĐTTM. Bổ sung các quy định áp dụng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chỉ tiêu xây dựng cho ĐTTM, với những khả năng vận dụng gắn với yêu cầu thực tế và đặc thù của từng vùng.
- Thứ tư, tăng cường các cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy phương thức xã hội hóa trong đầu tư các dự án phát triển ĐTTM, nhằm huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia. Đặc biệt, các cơ chế chính sách tài chính (đầu tư công PPP), hợp tác quốc tế trong đầu tư tài chính cần được rà soát toàn diện và bổ sung theo hướng thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, hình thức PPP, xây dựng - vận hành - chuyển giao, xây dựng - chuyển giao vào tất cả các lĩnh vực ĐTTM. Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách tài chính phát triển toàn diện bao gồm việc phát triển các định chế tài chính, mô hình tài chính, công cụ tài chính, đồng thời tăng cường liên kết và kiểm soát chặt chẽ các chủ thể trong hệ thống tài chính ĐTTM.
TS. Nguyễn Bích Diệp, Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
>>> Toàn văn bài viết đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, Số 672 tháng 12 năm 2024