ĐHQGHN đề xuất giải pháp khoa học nhằm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ
29/11/2021 09:59

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch, sau làn sóng Covid-19 thứ tư.



Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chủ trì buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, ngay từ những ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát, các nhà khoa học Việt Nam đã có nhiều đóng góp mang tính quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch và bước vào giai đoạn bình thường mới. Vì vậy, cần có các giải pháp ứng phó với những tác động của dịch bệnh và từng bước khôi phục kinh tế. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn các nhà khoa học tiếp tục có những đóng góp để Việt Nam có thể chủ động trong phòng chống dịch bệnh theo phương châm “thích ứng an toàn – linh hoạt”.

Các nhà khoa học phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá, từ những ngày đầu xuất hiện dịch, các nhà khoa học Việt Nam đã vào cuộc kịp thời trong việc phân tích, nghiên cứu, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia phân lập, nuôi cấy thành công virus nCoV. Thành quả này tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất bộ kit xét nghiệm, sản xuất vắc xin và nghiên cứu sâu hơn về virus, góp phần đặc biệt quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các đợt dịch bùng phát vừa qua.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn (bên phải) tham dự buổi làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ

Hiện nay, vắc xin Covid-19 Nanocovax do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen nghiên cứu sản xuất đã được đánh giá giữa kỳ giai đoạn ba, đang chờ Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp. Trong khi đó, thuốc PegLambda – sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sang giai đoạn 2 trên bệnh nhân Covid-19. Ngoài ra, nhiều đơn vị nghiên cứu trong cả nước đã nghiên cứu xây dựng được mô hình dự báo diễn biến của dịch Covid-19. Hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, toán học, xã hội học… và hàng nghìn tình nguyện viên đã làm việc liên tục từ 8/3/2020 trong công tác truy vết, đánh giá nguy cơ, hỗ trợ khai báo y tế… giúp sớm sàng lọc người có nguy cơ để khoanh vùng, dập dịch. Bên cạnh đó, trên cơ sở các nghiên cứu về xu thế và giải pháp phòng dịch của thế giới, các chuyên gia công nghệ thông tin đã tham gia thiết kế các giải pháp ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch như: khai báo y tế, quét mã QR di chuyển, xây dựng hệ thống giám sát an toàn, công cụ lưu trữ dữ liệu F0, dữ liệu dịch tễ…

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, ĐHQGHN sẵn sàng tham gia cùng Chính phủ, các bộ ngành và địa phương trong việc đề xuất các giải pháp khoa học nhằm thực hiện mục tiêu kép

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, thời gian qua, ĐHQGHN đã tích cực tham gia các chương trình, giải pháp của Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, trong thời gian tới, các nhà khoa học của ĐHQGHN sẽ tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho Chính phủ và các bộ ngành, địa phương các giải pháp đê xuất để ứng phó với đại dịch Covid-19 ở Việt Nam trong tình hình mới. Trên cơ sở thực trạng hoạt động chống dịch ở nước ta thời gian qua và tham khảo một số kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, ĐHQGHN tập trung vào 2 nhóm giải pháp.

Trưởng ban Khoa học và Công nghệ Đại học Quốc gia Hà Nội Vũ Văn Tích (thứ hai từ trái sang)

Một là, nhóm giải pháp về y tế nhằm chống dịch Covid-19 trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó nêu rõ, không nên áp dụng cùng một chính sách cho tất cả các địa phương; Việc ra quyết định cần dựa vào đánh giá mức độ rủi ro, mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế cơ sở, chính quyền và xã hội; Cần chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó, biện pháp dự phòng và quy trình điều trị nếu giả định làn sóng Covid-19 tiếp theo xảy ra; đồng thời, triển khai tiêm chủng diện rộng nhằm tạo miễn dịch cộng đồng; Xây dựng mô hình chống dịch linh hoạt, vận dụng các mô hình của thế giới phù hợp với từng địa phương, từng vùng.

Hai là, nhóm giải pháp về thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cần hoàn thiện các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch bệnh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động kinh tế - xã hội; Các giải pháp về chính sách kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn cùng các chính sách về an sinh xã hội; Duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện đảm bảo sức khỏe, an toàn cho giáo viên và người học; Tư vấn tâm lý cho người bị ảnh hưởng trong địa dịch.

Trước đó, ngày 17/9/2021, ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Đề xuất giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới tại Việt Nam”. Tại hội thảo, các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN đã đề xuất nhiều giải pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới tại Việt Nam. Đây cũng là hoạt động khoa học của ĐHQGHN cùng góp thêm những ý kiến tư vấn với Chính phủ, các bộ ngành để có những giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 kịp thời và hiệu quả.

 

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận sự vào cuộc chủ động với những đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Việt Nam. Nhìn lại hai năm chống dịch, Phó Thủ tướng đánh giá: “Có những việc chúng ta đã làm tốt, nhưng cũng có những việc chưa thật tốt ở cả tầm chủ trương chính sách và thực thi. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận khách quan”.

Để có kịch bản ứng phó phù hợp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các nhà khoa học tập trung nghiên cứu giải pháp, giúp Chính phủ thiết lập trạng thái bình thường mới. Các nghiên cứu cần theo đuổi theo hướng thuận lợi, dễ dàng ứng dụng vào đời sống để có thể chủ động “đánh chặn virus”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra đầu bài đặt hàng đột xuất với các nhà khoa học và y tế triển khai đào tạo y tế cơ sở; xây dựng các kịch bản ứng xử trong các tình huống diễn biến của dịch. Theo đó, cần có hệ thống giám sát bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, có hướng dẫn tới mạng lưới y tế để giám sát tốt hơn dịch Covid-19 và các dịch bệnh tương tự. “Mục đích là để thích ứng an toàn với dịch mà không làm mất cơ hội phát triển”, Phó Thủ tướng nói.


Phạm Nam - Đại học Quốc gia Hà Nội