Vừa qua, Công ty Cổ phần Misa tiếp tục đón nhận 10 sinh viên Khoa Tài chính Ngân hàng đến kiến tập. Tại đây, ông Phạm Văn An, Phó Giám đốc Văn phòng Misa tại Hà Nội đã có buổi trao đổi thẳng thắng và thú vị với các sinh viên.
Vấn đề được quan tâm nhất là việc tiếp nhận các sinh viên mới ra trường đã được chúng tôi đặt ra qua cuộc phỏng vấn nhanh với ông Phạm Văn An.
- Được biết Misa là công ty thường xuyên tuyển dụng sinh viên mới ra trường vào làm việc, ông có thể cho biết số lượng sinh viên mỗi năm đến với công ty?
Ông P.V.An: Chúng tôi thường không giới hạn việc tuyển dụng nhân sự, trong đó không phân biệt là sinh viên hay người đã có thâm niên công tác. Lý do bởi doanh số của Misa luôn tăng trưởng từ 40 -60% mỗi năm nên nhu cầu nhân sự rất lớn. Riêng về việc tuyển dụng sinh viên, tùy theo ngành học, chúng tôi có những vị trí tuyển dụng khác nhau. Như các trường liên quan đến kinh tế có thể là các vị trí như kinh doanh, tư vấn, thử nghiệm chương trình… Bên các ngành công nghệ thì có thể là lập trình, thiết kế…
Có một thực tế là các công ty khi tuyển dụng thường đòi hỏi phải có kinh nghiệm và đó là yêu cầu khó đối với sinh viên. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông P.V.An: Đúng là thực tế các công ty thường yêu cầu như vậy mỗi khi tuyển dụng. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, rất khó để doanh nghiệp tìm được người có kinh nghiệm về đảm nhận ngay vị trí đang thiếu. Ít hay nhiều họ cũng sẽ phải đào tạo trong một thời gian nhất định để nhân viên quen với công việc. Vì vậy, tôi thích những người mới để đào tạo từ đầu hơn là những người cũ đã quen với công việc ở môi trường khác so với công ty chúng tôi.
Giải quyết vấn đề này, Misa đã phối hợp với các trường để đưa phần mềm vào giảng dạy trong trường để từ đó sinh viên làm quen, có những khái niệm cơ bản và khi ra trường có thể nhanh chóng bắt tay vào làm việc tại công ty.
Là một công ty thường xuyên đón nhận sinh viên về làm, ông cảm nhận thế nào về chất lượng của sinh viên khi bắt tay vào làm việc?
Ông P.V.An: Phải thừa nhận 1 điều rằng, các cử nhân hiện nay rất nhanh nhẹn so với thế hệ chúng tôi trước đây. Tuy nhiên, thực tế và những gì họ được học trong trường là khác xa nhau. Vì vậy, dù thế nào thì những công ty khi tuyển dụng sinh viên về làm vẫn cần phải có 2-3 tuần đào tạo riêng về chuyên ngành và những kỹ năng mềm để đáp ứng công việc.
Ông Phạm Văn An, Phó Giám đốc Văn phòng Misa tại Hà Nội
Ông P.V.An: Đó vẫn là sự khác xa nhau giữa thực tế và những gì được học tập. Cái hố ngăn cách này khiến họ cảm thấy bị áp lực trong công việc khi mà tất cả mọi người xung quanh đang hối hả làm việc. Và cứ như vậy, công việc này chèn lên công việc kia khiến những cử nhân mới ra trường dễ rơi vào trạng thái gồng mình lên để theo đuổi công việc được giao, từ đó họ có thể cảm thấy sợ hãi khi được giao việc.
Ngược lại, doanh nghiệp ngại điều gì nhất ở sinh viên khi quyết định tuyển họ?
Ông P.V.An: Cá nhân tôi sợ nhất là sự thụ động. Là đơn vị kinh doanh trong một thị trường phần mềm rất năng động, chúng tôi luôn muốn thông tin giữa nhân viên và lãnh đạo được trao đổi liên tục để hiểu rõ công việc, thị trường… Nhưng dường như những sinh viên mới ra trường rất ngại hỏi. Tôi từng đào tạo hơn 100 khóa những người mới vào làm việc tại Misa nhưng tôi luôn cảm thấy sự trao đổi thông tin giữa hai bên là rất ít. Dường như họ chờ đợi được giao việc hơn là chủ động đề xuất công việc. Có cái gì đó hơi ngược chiều ở đây, tức là có thể họ rất nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng lại hợi thụ động.
Ông có phải suy nghĩ nhiều không khi nhận được những lời đề nghị gửi sinh viên đến kiến tập, thực tập của các trường?
Ông P.V.An: Công ty Misa luôn sẵn sàng đón nhận các sinh viên do các trường cử đến kiến tập, thực tập. Hiện tại Misa đã có những cam kết với một số trường nhằm hỗ trợ các sinh viên đến tìm hiểu, trao đổi và làm việc. Hơn nữa, Misa cũng coi việc tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập là nguồn để tuyển dụng những nhân sự phù hợp cho công ty trong việc kinh doanh và phát triển thị trường.
Vậy theo ông, nhà trường nên có những sự trang bị gì cho sinh viên trước khi gửi họ đến các doanh nghiệp?
Ông P.V.An: Quan điểm của tôi là sự trang bị đó phải được chuẩn bị từ khi sinh viên bắt đầu vào trường học tập. Từ việc mời các CEO của các công ty, tập đoàn đến trao đổi cho đến việc tạo điều kiện cho sinh viên làm việc bán thời gian tại các doanh nghiệp liên quan đến ngành học của mình. Về vấn đề này tôi có tìm hiểu và biết Trường ĐHKT – ĐHQGHN làm khá tốt và luôn tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội hiểu rõ công việc mình sẽ làm trước khi ra trường. Điều đó tránh được tình trạng sinh viên vừa mệt mỏi bảo vệ khóa luận, thi tốt nghiệp xong thì lại phải gồng mình thử sức tại các doanh nghiệp với các kỳ kiến tập và thực tập. Điều đó rất dễ dẫn đến tình trạng kiến tập, thực tập chỉ được coi là một đợt thăm quan doanh nghiệp.
Với tư cách là đại diện của 1 doanh nghiệp, ông có giới hạn nào cho công việc của sinh viên kiến tập, thực tập không?
Ông P.V.An: Misa không giới hạn bất cứ công việc nào đối với sinh viên mà luôn sẵn sàng bố trí công việc phù hợp với khả năng của sinh viên đó. Ngay cả trong quá trình đào tạo, nếu phát hiện sinh viên có khả năng làm được việc gì, kể cả ngoòa chuyên ngành, chúng tôi cũng sẵn sàng tạo điều kiện để em đó có thể phát triển tốt nhất.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất thẳng thắn này. Chúc quý công ty luôn làm ăn phát đạt và là địa điểm tin cậy cho các sinh viên mới ra trường.
MISA là thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực phần mềm.
|