Một trong những phương thức xét tuyển đang được đông đảo thí sinh 2k4 và phụ huynh quan tâm trong mùa tuyển sinh đại học 2022 chính là xét theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức. Và để chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi Đánh giá năng lực sắp tới, hãy chắc chắn rằng bạn đã “nằm lòng” những thông tin sau nhé!
Cần chuẩn bị gì khi đăng ký dự thi Đánh giá năng lực?
1. Thư điện tử (email): Thí sinh phải có email cá nhân, không sử dụng email của người khác để đăng ký tài khoản. Tài khoản này phải được duy trì 24 tháng kể từ ngày đăng ký dự thi, tra cứu thông tin.
2. Ảnh chân dung (bản điện tử, định dạng jpg, dung lượng không quá 5MB, kích thước 4x6): Ảnh phồng nền sáng màu, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu. Ảnh được chụp trong 06 tháng tính đến thời điểm đăng ký dự thi.
3. CMND/CCCD: Đối với CCCD bắt buộc 12 số
4. Điểm trung bình chung học tập của các học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12
Quy trình đăng ký dự thi
Bước 1: Truy cập khaothi.vnu.edu.vn, chọn Đăng ký ở trang chủ. Nếu đã đăng ký tài khoản thì chọn Đăng nhập bên cạnh để thao tác tiếp theo.
Bước 2: Đăng ký tài khoản
Lưu ý: Họ tên bằng tiếng Việt có dấu, nhập chính xác địa chỉ email; ghi nhớ và bảo mật mật khẩu đã khai báo. Điền đầy đủ các thông tin yêu cầu và nhập mã bảo vệ vài ô trống.
Thí sinh phải đọc “Thỏa thuận của kỳ thi ĐGNL” và chọn Đã đọc thỏa thuận và đồng ý đăng ký để thực hiện các bước tiếp theo. Hệ thống tự động gửi email đăng ký tài khoản cho thí sinh (hãy kiểm tra Hộp thư (Inbox) hoặc Thư rác (Spam) địa chỉ thư điện tử).
Bước 3: Đăng nhập
Thí sinh đăng nhập với địa chỉ email và mật khẩu đã tạo ở Bước 2, mã bảo vệ hiển thị và chọn Đăng nhập
Bước 4: Nhập hồ sơ.
Sau khi đăng nhập tài khoản, thí sinh cập nhật hồ sơ. Thông tin của thí sinh được sử dụng làm Phiếu báo dự thi và Giấy chứng nhận kết quả thi.
Lưu ý: Email và CMND/CCCD thí sinh không thể tự sửa chữa, không được phép trùng lặp. Hãy đảm bảo nhập chính xác. Thông tin nhập vào là tiếng Việt có dấu. Một số trường thông tin đánh dấu (*) là không bắt buộc nên có thể bỏ qua hoặc cập nhật sau.
Bước 5: Đăng ký ca thi
Ở mục 2 – Đăng ký ca, hệ thống chỉ hiện thị những ca thi đang mở tại thời điểm đăng ký. Một số đợt thi hiển thị trên màn hình nhưng ở trạng thái sắp mở.
Chọn địa điểm thi và ca thi: Thí sinh được chọn nhiều đợt thi; thời gian giữa 2 ca thi (gồm cả ngày thi) tối thiểu 28 ngày. Bạn không thể chọn các ca thi đã đủ số lượng thí sinh đăng ký (hết chỗ).
Sau khi hoàn tất chọn ca thi, bấm Đăng ký ca thi, màn hình sẽ hiện lên cửa sổ thông báo: “Bạn đã đăng ký ca thi thành công. Bạn có thể đăng ký ca thi khác hoặc chuyển đến bước nộp lệ phí”. Thí sinh chọn OK và tiếp tục đăng ký ca thi khác hoặc chọn Nộp lệ phí để kết thúc đăng ca thi.
Kết thúc bước chọn ca thi, thí sinh phải nộp lệ phí trong 48 giờ. Nếu thí sinh không hoàn thành việc nộp lệ phí, hệ thống sẽ tự động loại xóa ca thi đã đăng ký sau 48 giờ. Lệ phí đã nộp không hoàn trả.
Bước 6: Nộp lệ phí
Ngay sau khi chọn Thanh toán, màn hình hiện ra 2 phương thức thanh toán:
Thanh toán lệ phí qua Viettel Pay
Thanh toán lệ phí qua Bank Plus
Sau khi hoàn thành việc nộp phí đăng ký dự thi, thí sinh nhận được email thông báo xác nhận tình trạng thanh toán phí đăng ký dự thi trong 24 giờ. Hãy kiểm tra Hòm thư (Inbox) hoặc Thư rác (Spam) hộp thư của bạn.
Bước 7: Tra cứu thông tin và in Phiếu báo dự thi
Thông tin dự thi tại mục 4 – Tra cứu gồm thông tin ca nhân và ca thi, đơt thi. Số báo danh, phòng thi, ca thi sẽ được cập nhật tối thiểu trước 3-5 ngày thi chính thức. Hệ thống tự động gửi email thông báo số báo danh, phòng thi, ca thi và đường dẫn tải Phiếu báo dự thi cho thí sinh cập nhật trước 3 ngày thi. Trường hợp có thay đổi về ca thi sẽ thông báo cho thí sinh qua email.
Bước 8: Điểm bài thi
Tối thiểu sau 4 ngày thi, điểm bài thi của thí sinh được cập nhật tại mục 5 – Chứng nhận/Kết quả.
Cấu trúc bài thi Đánh giá năng lực
Bài thi Đánh giá lực nặng học sinh THPT gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học, Văn học/ Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên – xã hội.
Lĩnh vực | Câu hỏi | Thời gian (phút) | Điểm tối đa | |
Phần 1: Tư duy định lượng
| Toán học | 50 | 75 | 50 |
Phần 2: Tư duy định tính
| Văn học – Ngôn ngữ | 50 | 60 | 50 |
Phần 3: Khoa Học
| Tự nhiên – xã hội | 50 | 60 | 50 |
Tham khảo cấu trúc đề thi tại đây.
Phương pháp làm bài thi ĐGNL
Với các bài thi có câu hỏi trắc nghiệm khách quan thì điều quan trọng là bạn phải kiểm soát tốt thời gian làm bài bằng cách phân phối thời gian đọc hiểu đầu bài, đọc hướng dẫn từng phần trước khi lựa chọn đáp án. Với mỗi phần, hãy chia thời gian của từng phần theo số câu hỏi và xác định thời gian cần thiết để hoàn thành tất cả các câu hỏi. Nếu có thể, bạn hãy tiết kiệm thời gian để xem lại câu hỏi, làm lại các câu khó trong phần đó trước khi chuyển sang phần kế tiếp.
Trước khi bắt đầu mỗi phần, hãy đọc cẩn thận hướng dẫn trả lời, xem xét tất cả các câu trả lời và chọn đáp án phù hợp nhất. Các câu hỏi về toán học và khoa học tự nhiên cần tìm kiếm câu trả lời chính xác. Bạn có thể làm nháp và lựa chọn đáp án mà bạn cảm thấy đúng nhất trong số các đáp án đã cho. Giám thị sẽ cho phép bạn sử dụng các máy tính thực hiện các phép toán đơn giản. Một số câu hỏi đòi hỏi bạn phải làm nháp, tính toán, suy luận để có đáp án đúng trong khi cũng có các câu hỏi khác có thể dễ dàng nhận ra đáp án và cần phải làm rất nhanh để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. Nếu bạn không tìm thấy đáp án như bạn tính, hãy đọc lại đề bài và xem xét lại tất cả các đáp án đã cho, so sánh các câu trả lời đã chọn với các câu còn lại và tìm hiểu xem chúng khác nhau ở điểm gì? Sự khác biệt này có thể gợi ý cho bạn câu trả lời đúng. Hãy loại trừ các câu trả lời sai nhiều nhất có thể, sau đó có thể lựa chọn đoán câu hỏi dựa trên những mối liên hệ giữa đáp án và đầu bài.