Theo TS. Vũ Kim Chi, hiện nay Việt Nam không còn nằm trong các nước được nhận nhiều tài trợ từ nước ngoài do đời sống kinh tế - xã hội nói chung của Việt Nam đã phát triển hơn, mà chuyển sang các nghiên cứu hợp tác song phương. Đồng quan điểm, cả hai diễn giả đều nhấn mạnh việc tìm hiểu mục tiêu tài trợ của từng quỹ, xây dựng hồ sơ năng lực tốt bằng cách tham gia nhiều mạng lưới, hiệp hội và hội nghị khác nhau để mở rộng mạng lưới, chú ý các quy định về tài chính của từng quỹ và mạnh dạn đề xuất cho nhiều quỹ cùng lúc… Thậm chí, các giảng viên có thể nêu ra các rủi ro có thể gặp phải trong quá trình thực hiện dự án/nghiên cứu và cách thức giải quyết các khó khăn đó để cùng trao đổi.
Một số khuyến nghị có thể được các cơ sở giáo dục đại học xem xét, đó là:
- Thứ nhất, tăng cường tham gia các mạng lưới, hiệp hội… trong nước cũng như quốc tế.
- Thứ hai, tích cực tìm kiếm và nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo để tiếp nhận nhiều hơn nữa các sinh viên, nghiên cứu sinh quốc tế trao đổi tại Việt Nam.
- Thứ ba, tích cực kết nối để tiếp nhận các học giả Fulbright đến làm việc và giảng dạy, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo.
- Thứ tư, mở rộng các nghiên cứu liên ngành trong cũng như ngoài nước.
Bên cạnh đó, để tăng cường tính quốc tế, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định “thành thạo tiếng Việt” đối với nghiên cứu sinh nước ngoài ở Việt Nam được đưa ra thảo luận khá sôi nổi. Hiện nay, nghiên cứu sinh và giảng viên Việt Nam hoàn toàn có thể làm việc và nghiên cứu bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ khác. Việc quy định bắt buộc về tiếng Việt sẽ trở thành rào cản tiếp nhận nghiên cứu sinh quốc tế đến Việt Nam. Nếu rào cản này được tháo gỡ, sự hợp tác trong nghiên cứu nói riêng cũng như sự đa dạng trong đào tạo sau đại học nói chung sẽ được mở rộng và phong phú hơn.