Tọa đàm “Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN”
10/03/2009 00:00

Ngày 11/9/2008, tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã diễn ra tọa đàm “Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN”.


Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Ban Khoa học Công nghệ - ĐHQGHN, các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Ban giám hiệu cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Trường ĐHKT và đại diện 4 nhóm nghiên cứu:
1. Lý thuyết và Chính sách Kinh tế vĩ mô. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR).
2. Xây dựng mô hình lượng giá giá trị bất động sản tại Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS)
3. Quản trị hài hòa Đông - Tây. Khoa Quản trị Kinh doanh.
4. Các vấn đề Kinh tế Chính trị Việt Nam và Thế giới. Khoa Kinh tế Chính trị.
Tại tọa đàm, đại diện các nhóm nghiên cứu đã phát biểu làm rõ: Khái niệm “nhóm nghiên cứu” và “nhóm nghiên cứu mạnh”; Sự cần thiết của nhóm nghiên cứu mạnh, Tiêu chí hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh; Phương thức hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh; Tính gắn kết trong nhóm nghiên cứu và sự cần thiết của hỗ trợ từ thể chế…
Nhiều vấn đề liên quan đến việc tổ chức một nhóm nghiên cứu mạnh cũng đã được làm rõ và chia sẻ tại tọa đàm.
TS. Vũ Quốc Huy (GV Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Tọa đàm với chủ đề “xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu” là rất hay. Hiện tại Trường Đại học Kinh tế đã có đề án nghiên cứu xây dựng thí điểm nhóm nghiên cứu, đề án đã nghiên cứu rất công phu, hệ thống và đưa ra được một hệ tiêu chí đánh giá,… nhóm nghiên cứu có thể được hiểu là: Team Work, Research Group… Việc quy tụ và tập hợp các chuyên gia cùng nghiên cứu sẽ giúp khắc phục những hạn chế và tăng cường khả năng nghiên cứu những vấn đề lớn. Nhóm nghiên cứu là những người được tạo ở những nơi khác nhau và cùng họp/ngồi lại để nghiên cứu về một vấn đề nào đó. Đôi khi hình thể của nhóm không rõ ràng nhưng lại hoạt động được duy trì lâu dài… Một nhóm nghiên cứu cần có yêu cầu như: có động lực chung, quy mô và tính bền vững. Tôi rất hy vọng có những nhóm nghiên cứu như vậy tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
PGS.TS Phạm Văn Dũng (GV Khoa Kinh tế Chính trị - ĐHKT) nhấn mạnh: Nhóm nghiên cứu mạnh phải phù hợp với lợi ích của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Trường ĐHKT. Việc hình thành nhóm nghiên cứu với tên gọi cụ thể, mục tiêu và nhiệm vụ cũng như hướng nghiên cứu rõ ràng, kinh phí được xác định sẽ là những tiền đề quan trọng cho nhóm thành công trong tương lai.
Bên cạnh mục đích làm rõ khái niệm về nhóm nghiên cứu mạnh, các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã làm rõ những yếu tố cần và đủ cho một nhóm nghiên cứu mạnh; đại diện 4 nhóm nghiên cứu trên cũng đã làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến nhóm nghiên cứu của mình, như: sự cần thiết để thành lập nhóm nghiên cứu, dự kiến hoạt động của nhóm, dự kiến sản phẩm khoa học của nhóm nghiên cứu…
Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những chủ trương lớn của ĐHQGHN và là một trong những chiến lược phát triển của Trường ĐHKT - ĐHQGHN. Việc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức tọa đàm trên để xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ tư vấn chất lượng cao về chính sách kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh cho cộng đồng và các doanh nghiệp.
Thông qua buổi tọa đàm này, lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế sẽ có cơ sở xem xét, đầu tư xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu.
Được biết, nhóm nghiên cứu tốt nhất sẽ được Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ và 2-3 nhóm khác sẽ được Trường Đại học Kinh tế tài trợ.



TS. Nguyễn Tiến Dũng - Đại diện nhóm nghiên cứu Khoa Quản trị Kinh doanh phát biểu tại tọa đàm.

TS. Vũ Quốc Huy - GV Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu tại tọa đàm.

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà giáo, nhà khoa học.

Tin: Trần Thọ - Ảnh: Thúy Phạm