Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam mỗi năm đều tập trung vào bốn nội dung chính: khái quát tình hình kinh tế thế giới; phân tích và đánh giá nền kinh tế Việt Nam trong năm nghiên cứu; đi sâu và làm rõ một vấn đề nổi bật của nền kinh tế; và đưa ra hàm ý chính sách cùng các kịch bản dự báo cho các biến số vĩ mô chủ yếu trong năm tiếp theo.
Các báo cáo đã được xuất bản:
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2009: Kinh tế Việt Nam 2008: Suy giảm và thách thức đổi mới
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2010: Lựa chọn để tăng trưởng bền vững
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2011: Nền kinh tế trước ngã ba đường
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012: Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2013: Trên đường gập ghềnh tới tương lai
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014: Những ràng buộc đối với tăng trưởng
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015: Tiềm năng hội nhập, thách thức hòa nhập
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016: Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017: Đẩy nhanh cải cách vì một nhà nước kiến tạo
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018: Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019: Trước ngưỡng cửa nền kinh tế số
- Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2020: Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển
Bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang biến động không ngừng, đặc biệt trong những năm gần đây, toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển song có những xu hướng trái ngược, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng cả ở cấp độ và quy mô, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.
Giai đoạn 2011-2020, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, song một số vấn đề thách thức mang tính nội tại còn cần phải vượt qua, đồng thời trong giai đoạn tới sẽ phải đối mặt với bối cảnh thế giới nhiều bất ổn hơn và tác động mạnh mẽ hơn. Năm 2021 có thể coi là một năm bản lề của giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021, do đó, sẽ đi sâu phân tích nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới, đặc biệt định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể hơn, báo cáo sẽ tập trung vào các nội dung chính sau:
- Toàn cảnh Kinh tế thế giới năm 2020 và một số triển vọng 2021, trong đó tập trung vào một số nền kinh tế lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế Việt Nam, trên cơ sở đó đưa ra các hàm ý đối với Việt Nam.
- Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
- Lợi thế so sánh và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, đi sâu phân tích hai ngành điện tử và thực phẩm.
- Năng lực cạnh tranh của Việt Nam, đặc biệt xét trên góc độ đóng góp của TFP, đi sâu vào hai ngành điện tử và thực phẩm.
- Bối cảnh toàn cầu mới và khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2021 và định vị lại Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các chuyên gia, các nhà hoạch định chính
sách, các cơ quan truyền thông, đóng góp các kết quả nghiên cứu của mình vào
dòng chảy chung của khoa học kinh tế và các tư vấn chính sách cụ thể tới các
nhà quản lý. Với mong muốn như vậy, VEPR trân trọng thông báo tới quý vị buổi
công bố Báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam 2021 với tựa đề “Định vị lại Việt
Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu” dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày
29/7/2021.