Vài nét về hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐHKT
12/05/2018 11:24

Với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN xác định: Nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo nền tảng cho những nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu; Nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến thực tiễn và chính sách phát triển kinh tế cũng như doanh nghiệp ở Việt Nam; Nghiên cứu những vấn đề liên ngành mới và Nghiên cứu những vấn đề cấp bách, nảy sinh trong quá trình vận hành và phát triển của nền kinh tế nói chung và của Trường Đại học Kinh tế-ĐHQGHN nói riêng.


Các sản phẩm KHCN mà trường hướng tới là các sản phẩm nghiên cứu khoa học đạt chất lượng cao, tương đương với chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học ở một số trường đại học tiên tiến Đông Nam Á, là nền tảng để nâng cao chất lượng giảng dạy và tư vấn chính sách cũng như doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.

Thông qua việc đấu thầu và thực hiện thành công các đề tài, dự án nghiên cứu quốc tế, trường ĐH Kinh tế đã kết nối được với mạng lưới nghiên cứu quốc tế và khu vực qua đó góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của các giảng viên. Trường ĐHKT đã phát triển và khai thác tương đối hiệu quả các quan hệ hợp tác hợp tác Nhà trường và Doanh nghiệp trong NCKH với các bộ/ngành, Tập đoàn Kinh tế lớn, Hiệp hội các Doanh nghiệp, v.v…

Từ năm 2009 đến nay, Trường đã tiến hành nghiên cứu và công bố ấn phẩm Báo cáo kinh tế thường niên Việt Nam; một trong những nghiên cứu mang tính đặc thù của Nhà trường và là trọng tâm của Chương trình nghiên cứu kinh tế vĩ mô. Ẩn phẩm này đã được dư luận quan tâm, được yêu cầu chiết xuất các kiến nghị chủ yếu gửi tới các cơ quan Chính phủ và được tiếp tục đặt hàng cho các năm tiếp theo. Các ấn phẩm đều được xuất bản bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Trong những năm gần đây, số lượng công bố quốc tế của trường tăng mạnh với chất lượng ngày càng cao, năng lực nghiên cứu của các cán bộ giảng viên ngày càng tiệm cận chuẩn quốc tế cũng như trở nên đồng đều ở tất cả các đơn vị trong trường. Năm học 2016-2017, Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp thứ hạng cao về công bố ISI (SSCI) theo phân ngành Kinh tế và Kinh doanh trong top 15 trường đại học ở Việt Nam. Riêng năm học 2016-2017, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tiếp tục duy trì số lượng công bố quốc tế ở mức cao: 24 bài trên hệ thống ISI/Scopus trong tổng số 33 bài công bố quốc tế.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2017, Trường ĐHKT đã tổ chức/phối hợp tổ chức trên 30 Hội nghị/Hội thảo khoa học cấp trường, trên 70 Hội nghị/Hội thảo KH chuyên ngành hẹp ở các đơn vị Khoa/Trung tâm nghiên cứu. Chủ đề và nội dung các Hội thảo gắn với Chiến lược phát triển KHCN, các CTNC trọng điểm của ĐHKT, đồng đều trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu của trường: về chính sách Kinh tế vĩ mô, QTKD, TCNH,.... Trong đó, phải kể đến một số hội thảo nổi bật như: Hội thảo quốc tế “Quản trị môi trường và sản xuất bền vững”, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 và lần thứ 5, Hội thảo “World finance and banking symposium”,….

Các định hướng nghiên cứu chính đến năm 2020:

1. Nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tạo nền tảng cho những nghiên cứu cụ thể, chuyên sâu.

  • Nghiên cứu những tư tưởng, lý thuyết, trường phái, quan điểm nhằm phát triển kinh tế và kinh doanh.
  • Nghiên cứu những tình huống, những trường hợp điển hình (cả trong và ngoài nước) về kinh tế, xã hội và kinh doanh
  • Hệ thống hóa và hài hòa các cơ sở dữ liệu thứ cấp phục vụ cho các hoạt động của trường (đào tạo, nghiên cứu, hợp tác và phát triển, tạp chí-web…).
  • Nghiên cứu các luận cứ khoa học và thực tiễn làm cơ sở cho việc xây dựng/bổ sung một số ngành/chuyên ngành đào tạo mới.

2. Nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến thực tiễn và chính sách phát triển kinh tế cũng như doanh nghiệp ở Việt Nam

  • Sự phát triển và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên các lĩnh vực Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ nói chung và những phân ngành cụ thể nói riêng như phát triển công nghiệp hiện đại và công nghệ cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển ngành dịch vụ tài chính-ngân hàng, phát triển khoa học-công nghệ, phát triển giáo dục-đào tạo, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn…
  • Phát triển thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam như vai trò của hệ thống luật pháp và điều tiết kinh tế (ngân sách, thuế, tiền lương…), vai trò của nhà nước trong nền kinh tế chuyển đổi và hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của các hiệp hội, cạnh tranh và độc quyền...
  • Phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như cải cách doanh nghiệp nhà nước, mô hình phát triển các tập đoàn kinh tế, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội và doanh nghiệp, tinh thần doanh nhân, văn hóa doanh nhân…
  • Những vấn đề có liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam như lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán, lãi suất; Khủng hoảng và điều tiết; Hệ thống cảnh báo sớm.
  • Những vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam như khả năng tham gia các mạng sản xuất và phân phối toàn cầu, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế tới nền kinh tế Việt Nam, các vấn đề có liên quan đến đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước khác và với các tổ chức kinh tế quốc tế.
  • Kinh nghiệm các nước trong quá trình hội nhập và phát triển
  • Nghiên cứu bối cảnh quốc tế mới và tác động tới nền kinh tế Việt Nam như cục diện kinh tế thế giới và những điều chỉnh chính sách kinh tế trước và sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay; Những xu hướng phát triển chính của nền kinh tế thế giới; Những vấn đề toàn cầu.
  • Tư duy về phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới.
  • Điều tra, khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu sơ cấp về những vấn đề có liên quan đến phát triển và chính sách phát triển kinh tế cũng như doanh nghiệp của Việt Nam.

3. Nghiên cứu những vấn đề liên ngành mới

  • Các vấn đề có liên quan đến nhóm lợi ích và công bằng xã hội
  • Các vấn đề có liên quan đến chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đồng đều giữa các vùng miền, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phân cực xã hội, thay đổi văn hóa. Các vấn đề có liên quan đến đô thị hóa (nông dân mất đất, tắc nghẽn giao thông, thất nghiệp, tội phạm…), phát triển nguồn nhân lực (Dân số và phát triển, các vấn đề về giới, giáo dục, hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hệ thống an sinh xã hội…) và phát triển cơ sở hạ tầng (hiệu quả đầu tư và hiệu quả xã hội…)
  • Các vấn đề kinh tế có liên quan đến tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và các tai biến của thiên nhiên như như lượng giá kinh tế tác động của biến đổi khí hậu và các tai biến thiên nhiên…

4. Nghiên cứu những vấn đề cấp bách, nảy sinh trong quá trình vận hành và phát triển của nền kinh tế nói chung và của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói riêng

  • Các nghiên cứu phân tích, đánh giá nhanh về các chính sách kinh tế-xã hội được ban hành; Các phân tích nhanh về tác động bất ngờ của các hiện tượng kinh tế, xã hội và tự nhiên tới nền kinh tế; Các tính toán nhanh về những chỉ số kinh tế vĩ mô hiện đang có nhiều tranh cãi.
  • Các nghiên cứu đột xuất theo yêu cầu của ĐHQGHN và của các cơ quan khác của Đảng và Nhà nước;
  • Các nghiên cứu nhanh làm cơ sở cho những quyết định của trường và các đơn vị nhằm đảm bảo sự vận hành hiệu quả và bền vững của trường (viết các dự án xin tài trợ).

Trường ĐHKT - ĐHQGHN