Thương mại điện tử Việt Nam và cơ hội cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ
04/05/2021 16:40

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet và sử dụng thành thạo các tính năng trên một số trang mạng xã hội, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đang dễ dàng thực hiện mua - bán, trao đổi hàng hóa. Đó là thực tế thương trường một vài năm trở lại đây. Không phủ nhận thương mại điện tử đã và đang thúc đẩy kinh tế trên nhiều khía cạnh, nhưng điều này không đồng nghĩa tất cả các thành phần kinh tế đã biết tận dụng lợi thế “thương trường ảo” để kinh doanh.


Từ góc độ nghiên cứu, có thể nói rằng Đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của Thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu, sẽ không quá nếu nói Covid 19 đã trở thành một chiến dịch marketing hiệu quả và miễn phí cho TMĐT.

Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online không chỉ còn là vấn đề mở rộng hoạt động như trước thời kỳ này, mà đã trở thành bài toán sinh tồn của các doanh nghiệp đặc biệt là đối với cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ.

TMĐT đã và đang tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các đối tượng tham gia kinh doanh. Các sàn giao dịch TMĐT ngày càng hoàn thiện và cung cấp dịch vụ hỗ trợ trọn gói giúp các hộ cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ có thể:

- Rút ngắn thời gian tham gia thị trường.

- Cắt giảm các chi phí ban đầu như thuê mặt bằng, thiết kế showroom v.v…

- Cung cấp các công cụ marketing, hỗ trợ kết nối với khách hàng và những dịch vụ hoàn tất đơn hàng giúp các hộ các thể và doanh nghiệp nhỏ có thể tập trung vào việc phát triển khách hàng và sản phẩm.

Tuy nhiên song song đó TMĐT cũng đem lại không ít những thách thức mới đối với 2 nhóm đối tượng chúng ta đang đề cập đến.

Đầu tiên phải nói đến là Cạnh tranh khốc liệt, thị trường 10 người bán 1 người mua, khi 1 sản phẩm nào đó bán chạy thì chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều người bán. “Bạn bè trên trang cá nhân đã mua hết rồi thì việc tương tác và bán được với khách là là rất khó”…

Thứ hai là khó khăn trong việc xây dựng lòng tin của khách hàng. Doanh nghiệp lớn sẽ có uy tín hơn.

Tiếp theo vẫn là vấn đề vốn, vấn đề này tác động đến các yếu tố quyết định hành vi khách hàng như giá bán, chi phí marketing và trải nghiệm khách hàng. Khi nhập hàng với số lượng lớn thì đương nhiên giá cũng sẽ rẻ hơn, song song nếu có nhiều vốn, người kinh doanh có thể tận dụng để đầu tư vào hình ảnh, quảng cáo sản phẩm, bài viết đến nhiều người hơn.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ lớn các hộ kinh doanh đang lựa chọn mạng xã hội làm kênh bán hàng, kênh này thường đem lại những hiệu quả nhất định trong ngắn hạn khi đây là kênh tiếp cận với khách hàng gần nhất và nhanh nhất, tuy nhiên thực hiện giao thương thông qua tận dụng các trang mạng xã hội sẽ không bền vững do MXH không cung cấp đủ các công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh bài bản, như công cụ thanh toán, hoàn tất đơn hàng...

Vì vậy khi hoạt động kinh doanh dài hơi thì các hộ kinh doanh cần phải tính đến việc phát triển kinh doanh đa kênh online, bao gồm các các sàn giao dịch TMĐT, website và mạng xã hội… khi đó mạng xã hội sẽ đóng vai trò kênh thu hút khách hàng, trong quá trình phát triển đa kênh nên lưu tâm đến kênh website doanh nghiệp, vì đây là kênh mà doanh nghiệp kiểm soát 100%, khi phát triển tốt đây sẽ thành một giá trị vô hình của doanh nghiệp.

- Tăng độ nhận diện thương hiệu.

- Thu hút được nhiều đối tượng khách hàng hơn (sự hiện diện và tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh).

- Không bị phụ thuộc vào bất kỳ nền tảng nào.

Khi triển khai cũng xin nói một số điểm cần lưu ý một số khó khăn doanh nghiệp có thể gặp phải khi phát triển doanh đa kênh:

- Vấn đền liên quan đến việc đồng nhất thông tin khách hàng giữa các kênh;

- Vấn đề quản lý hàng tồn kho;

- Thống kê và so sánh hiệu quả kinh doanh v.v…

Ngoài ra đặc thù TMĐT xu hướng kinh doanh thay đổi rất nhanh, nên các hộ cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ với tính linh hoạt và bộ máy gọn nhẹ nên liên tục cập nhật xu hướng và kiến thức để có thể nắm bắt những cơ hội do TMĐT tạo ra./.

 

THEO DÕI THÊM:

Tọa đàm: Cơ hội tham gia của các hộ cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ vào thương mại điện tử

 


TS. Nguyễn Tiến Minh - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tác giả của phần tư vấn trên.

Anh đã từng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành “Các hệ thống tin học trong kinh tế” tại Học viện Tin học - Cơ khí chế tạo Quốc gia Matxcơva, và đạt học vị Tiến sĩ Kinh tế (năm 2006) tại Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Hàng không Dân dụng Quốc gia Matxcơva.

Hướng đào tạo, nghiên cứu thế mạnh của anh là: Thương mại Điện tử; Logistics và chuỗi cung ứng.

 

Nguyễn Tiến Minh