Tham dự hội thảo có các lãnh đạo Cục quản lý giám sát kế toán kiểm toán: TS. Vũ Đức Chính - Cục Trưởng, Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó trưởng phòng QLGS Kế toán Ngân hàng và các tổ chức Tài chính, và các thành viên tổ Biên tập hệ thống chuẩn mực kế toán công; lãnh đạo HVTC: PGS.TS. Nguyễn Trọng Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS. TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc học viện, TS. Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc học viện; và đại diện 8 Trường đại học phía Bắc có giảng dạy Kế toán công. Đến từ Trường đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham dự của TS. Đỗ Kiều Oanh - Trưởng Bộ môn Kế toán - Khoa KTKT và Th.S Nguyễn Thị Phương Anh - Giảng viên khoa Kế toán Kiểm toán.
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2024, Bộ Tài chính dự kiến sẽ ban hành và công bố 20 chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Hiện nay, các chuẩn mực ban hành đợt 1 đã hoàn thành dự thảo và chuẩn bị được công bố bao gồm: Chuẩn mực số 1 - Trình bày báo cáo tài chính; Chuẩn mực số 2 - Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Chuẩn mực số 12 - Hàng tồn kho; Chuẩn mực số 17 - Bất động sản, nhà xưởng, thiết bị; Chuẩn mực số 31 - Tài sản vô hình. Để hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam được thực hiện hiệu quả, việc triển khai các hoạt động đào tạo chuẩn mực cho các đối tượng có liên quan bao gồm các nhà quản lý, cán bộ kế toán đang làm việc trong các đơn vị thuộc khu vực công, sinh viên các trường đại học thuộc các chuyên ngành có liên quan là vô cùng quan trọng. Các tham luận liên quan đến 05 nội dung chuẩn mực dự kiến ban hành năm 2021 đã được trình bày tại Hội thảo, thu hút được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học hàng đầu về Kế toán - Tài chính và các nhà quản lý đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Vũ Đức Chính - Cục Trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán - Bộ Tài chính nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của các chuẩn mực kế toán công trong chế độ kế toán, báo cáo tài chính. Chuẩn mực kế toán là tiêu chuẩn chung giúp minh bạch thông tin trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có khả năng phản ánh đúng về thực trạng của doanh nghiệp và cơ sở để so sánh tình hình tài chính giữa doanh nghiệp với nhau. Đây cũng là cơ sở tạo niềm tin đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đánh giá về thông tin tài chính để các doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính, là căn cứ để các nhà đầu tư quan tâm có thể kiểm tra soát xét tính trung thức của Báo cáo tài chính.